Khánh Hòa: Phấn đấu đến cuối năm 2025 không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều

Nhờ vốn vay ưu đãi Chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, gia đình bà Trần Thị Gái ở xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh có điều kiện mua sắm ngư cụ đánh bắt hải sản, làm lồng bè nuôi cá, cho hiệu quả cao. Ảnh: Trần Việt - TTXVN
Nhờ vốn vay ưu đãi Chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, gia đình bà Trần Thị Gái ở xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh có điều kiện mua sắm ngư cụ đánh bắt hải sản, làm lồng bè nuôi cá, cho hiệu quả cao. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 với kinh phí thực hiện dự kiến trên 811 tỷ đồng. Chương trình được thực hiện từ nay đến hết năm 2025 trên phạm vi toàn tỉnh, trọng tâm là ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

Kế hoạch đề ra các mục tiêu giảm nghèo đa chiều, hạn chế tái nghèo và phát sinh mới hộ nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm từ 1 - 1,5%/năm... Đến năm 2025, Khánh Hòa phấn đấu không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều; huyện Khánh Sơn và huyện Khánh Vĩnh đáp ứng tiêu chí thoát khỏi huyện nghèo; xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh) thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn.

Khánh Hòa: Phấn đấu đến cuối năm 2025 không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều ảnh 1

Một buổi giao dịch cho vay tại điểm giao dịch xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa). Ảnh: Trần Việt – TTXVN

Để thực hiện kế hoạch, tỉnh Khánh Hòa đề ra những chỉ tiêu quan trọng như: 100% các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng phục vụ dân sinh, sản xuất thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản; phấn đấu 80% số người có khả năng lao động thuộc hộ nghèo, hộ trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được hỗ trợ nâng cao năng lực, đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập; 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo; 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet …

Triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã chia thành nhiều dự án và tiểu dự án; trọng tâm là các dự án hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo với kinh phí trên 466 tỷ đồng; dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo với kinh phí trên 13 tỷ đồng; dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng trên 44 tỷ đồng; dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững trên 48 tỷ đồng; dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên đại bàn huyện nghèo trên 230 tỷ đồng; dự án nâng cao năng giám sát, đánh giá chương trình và cuối cùng là dự án truyền hông và giảm nghèo về thông tin.

Ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho biết, thực hiện kế hoạch này, các địa phương, đơn vị được giao chương trình phải đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, chú trọng đến các huyện nghèo, ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng, đảm bảo công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực của cộng đồng…

Khánh Hòa: Phấn đấu đến cuối năm 2025 không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều ảnh 2Nhờ vốn vay ưu đãi Chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, gia đình bà Trần Thị Gái ở xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh có điều kiện mua sắm ngư cụ đánh bắt hải sản, làm lồng bè nuôi cá, cho hiệu quả cao. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Cùng với đó, tỉnh Khánh Hòa đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, xã hội, người dân nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững; phát huy mạnh mẽ truyền thống "tương thân, tương ái" của dân tộc đối với người nghèo; quy định cơ chế đặc thù trong tổ chức thực hiện một số hoạt động của chương trình bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm, điều kiện huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, lãng phí; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện ở các cấp, các ngành …

Phan Sáu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm