Khánh Hòa hướng đến phát triển nền nông nghiệp thông minh đặc hữu

Khánh Hòa hướng đến phát triển nền nông nghiệp thông minh đặc hữu

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ vật liệu mới phát triển nuôi trồng hải sản trên biển trong giai đoạn 2020 – 2025 là một trong những định hướng trọng tâm được tỉnh Khánh Hoà chia sẻ trong buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sáng 15/7 tại thành phố Nha Trang.

Khánh Hòa hướng đến phát triển nền nông nghiệp thông minh đặc hữu ảnh 1Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và đoàn công tác đến thăm nhà máy chế biến yến sào đặc sản của tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Nguyễn Dũng - TTXVN

Giai đoạn năm 2020 – 2025, tỉnh Khánh Hòa khuyến khích, định hướng ngư dân phát triển nuôi biển công nghiệp, thay đổi công nghệ lồng nuôi gỗ truyền thống sang công nghệ lồng nuôi bằng vật liệu mới; áp dụng công nghệ, quy trình mới để phát triển nuôi biển bền vững. Các đối tượng nuôi cần chú trọng phát triển công nghệ cao là tôm hùm, cá chẽm, cá mú, cá bớp, cá chim vây vàng.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận xét, Khánh Hoà có thế mạnh về khai thác hải sản với 3 trụ cột chính gồm khai thác thuỷ hải sản xa bờ, ngành nuôi biển có quy mô lớn và ngành chế biến hải sản phát triển.

Tuy nhiên, tổng thể phát triển hiện đang thấp hơn so với tiềm năng bởi tỉnh có trên 300 km bờ biển cùng nhiều vịnh, đầm nổi tiếng. Đặc biệt, công nghệ nuôi truyền thống còn nhiều rủi ro về môi trường, an toàn cho người lao động. Do đó, định hướng phát triển nền nông nghiệp thông minh đặc hữu là giải pháp phú hợp cho Khánh Hoà trong tương lai - Bộ trưởng gợi ý.

Tỉnh Khánh Hoà hiện có 3 mô hình ứng dụng công nghệ cao, vật liệu mới nuôi hải sản trên biển của Công ty TNHH Thuỷ sản Australis Việt Nam, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản I và mô hình của Cục Khuyến nông phối hợp với cơ quan khuyến nông tỉnh.

Trong số này, mô hình nuôi biển cá giò (Rachycentroncanadum) bằng lồng tròn HDPE kiểu Na Uy đang được cơ quan khuyến nông Khánh Hoà triển khai trong thời gian từ năm 2020 – 2023 với kinh phí thực hiện 4,7 tỷ đồng.

Thành công của các mô hình góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế nuôi biển, mở ra hướng nuôi công nghiệp an toàn hiệu quả và tái cơ cấu ngành thuỷ sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hoà, toàn tỉnh hiện có trên 54.000 ô lồng nuôi tôm hùm, sản lượng hàng năm đạt hơn 1.300 tấn. Tôm hùm là đối tượng nuôi biển trọng điểm của Khánh Hoà và tập trung tại 4 địa phương gồm huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hoà, thành phố Nha Trang, Cam Ranh.

Cùng đó, số lượng lồng nuôi cá biển truyền thống tại các vịnh, đầm của tỉnh cũng đạt 10.000 lồng, sản lượng khoảng 4.000 tấn/năm. Tuy nhiên, ngư dân nuôi biển hiện chủ yếu theo quy trình truyền thống, quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, dễ gây ô nhiễm môi trường.

Nguyễn Dũng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm