Khánh Hòa dành gần 40 tỷ đồng đầu tư phát triển các ngành nghề nông thôn

Sản phẩm dưa lưới ô xanh đạt tiêu chuẩn OCCOP ở Khánh Hòa. Ảnh : chonongsankhanhhoa.vn
Sản phẩm dưa lưới ô xanh đạt tiêu chuẩn OCCOP ở Khánh Hòa. Ảnh : chonongsankhanhhoa.vn

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; trong đó, tỉnh xác định sẽ đầu tư gần 40 tỷ đồng cho chương trình này. Cụ thể, ngân sách tỉnh hỗ trợ hơn 27,6 tỷ đồng, ngân sách huyện, xã 4,5 tỷ đồng và số còn lại trên 7,5 tỷ đồng là vốn của các làng nghề, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tham gia vào chương trình.

Khánh Hòa dành gần 40 tỷ đồng đầu tư phát triển các ngành nghề nông thôn ảnh 1Sản phẩm dưa lưới ô xanh đạt tiêu chuẩn OCCOP ở Khánh Hòa. Ảnh: chonongsankhanhhoa.vn

Mục tiêu của kế hoạch này là phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề với quy mô, trình độ công nghệ tiên tiến; chú trọng phát triển làng nghề với các sản phẩm truyền thống là thế mạnh của địa phương theo hướng gắn với thị trường tiêu thụ, thương hiệu sản phẩm; gắn sản xuất ngành nghề nông thôn, làng nghề với các hoạt động du lịch, văn hóa, lễ hội của địa phương.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ nâng cao chất lượng sản phẩm ngành nghề, chú trọng xây dựng thương hiệu hàng hóa nhằm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường; góp phân tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); bảo tồn, khôi phục, phát triển nghề truyền thống, làng nghề, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân...

Theo kế hoạch, việc đầu tư và hỗ trợ phát triển thông qua các biện pháp như: tổ chức đào tạo lao động, truyền nghề; hỗ trợ phát triển làng nghề và ngành nghề nông thôn, đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu sản phẩm ngành nghề nông thôn, làng nghề; phát triển làng nghề gắn với du lịch và xây dưng nông thôn mới.

Tỉnh Khánh Hòa sẽ tạo nên bước đột phá trong việc xây dựng ngành nghề nông thôn. Đến năm 2025, Khánh Hòa sẽ công nhận 15 nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh; xây dựng thực hiện 7 dự án phát triển ngành nghề nông thôn, 9 dự án phát triển làng nghề, phát triển 2 làng nghề gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới, bảo tồn và phát triển 3 nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền.

Đến năm 2025, Khánh Hòa phấn đấu có ít nhất 50 sản phẩm ngành nghề nông thôn, làng nghề gắn với Chương trình OCOP đạt từ 3 sao trở lên; xây dựng hoàn thiện 3 điểm trưng bày sản phẩm ngành nghề cho các nghề, làng nghề tại thành phố Nha Trang, thị xã Ninh Hòa và thành phố Cam Ranh.

Tỉnh hiện có hơn 4.760 cơ sở sản xuất kinh doanh về ngành nghề nông thôn với trên 4.360 hộ tham gia sản xuất, tạo việc làm thường xuyên cho gần 34.000 lao động với mức thu nhập bình quân 4.500.000 đồng/người/tháng; trong đó, chủ yếu là lĩnh vực chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, xử lý chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may...

Hiện trên địa bàn tỉnh có 6 nghề truyền thống và 4 làng nghề với tổng số lao động 1.259 người, thu nhập bình quân 4.000.000 đồng/lao động/tháng. Nhiều sản phẩm ngành nghề nông thôn đã được gia tăng giá trị thông qua quá trình bảo quản, chế biến. Thu nhập của người lao động tham gia ngành nghề nông thôn thường cao gấp từ 2-3 lần so với lao động nông nghiệp.

Tiên Minh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm