Khánh Hòa còn nhiều khó khăn trong công tác giảm nghèo

Khánh Hòa còn nhiều khó khăn trong công tác giảm nghèo

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh giai đoạn 2021-2025, tỉnh Khánh Hòa còn rất nhiều nội dung, phần việc, chỉ tiêu chưa thực hiện do nhiều khó khăn khách quan lẫn chủ quan.

Khánh Hòa còn nhiều khó khăn trong công tác giảm nghèo ảnh 1Gia đình bà Hứa Thị Thoa, thôn suối Lách, xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh đã quyết tâm vươn lên thoát nghèo bằng chính sức lao động của mình. Ảnh: Đặng Tuấn – TTXVN

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay, toàn tỉnh còn 10.826 hộ nghèo, chiếm 3,2% dân số và 16.478 hộ cận nghèo, chiếm 4,86%. Trong đó, hai huyện miền núi: Khánh Sơn còn 3.062 hộ nghèo, Khánh Vĩnh còn 4.211 hộ nghèo. Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo tại các địa phương, hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo thuộc các xã có người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống còn cao.

Xã Cam Thịnh Tây, thành phố Cam Ranh là nơi có 99,5% là người đồng bào dân tộc thiểu số Raglai sinh sống. Toàn xã có 1.465 hộ dân, trong đó 228 hộ nghèo và 21 hộ cận nghèo (theo điều tra cuối năm 2022), đời sống kinh tế phụ thuộc vào nông nghiệp tự canh tác.

Ông Lê Văn Thảo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Cam Thịnh Tây cho biết, xã không có nguồn thu sự nghiệp ngoại trừ phí chứng thực và thu phí phạt (nếu công dân vi phạm các quy định pháp luật), 100% vốn địa phương đều được sử dụng từ ngân sách, do đó rất khó khăn trong việc hỗ trợ giúp đỡ vốn, việc làm cho người dân tại xã thoát nghèo bền vững.

Mặc khác, việc canh tác nông nghiệp tại xã hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên, không có hệ thống thủy lợi để phát triển nông nghiệp. Người dân trồng chủ yếu các loại cây ngắn ngày, giá trị thấp, thu nhập thấp. Một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số trình độ dân trí thấp, còn ảnh hưởng phong tục tập quán lạc hậu; ý thức tự lực vươn lên chưa cao, một bộ phận còn trông chờ, ỷ lại sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nhà nước.

Quan trọng nhất là cơ chế, chính sách và việc bố trí vốn để hỗ trợ giải quyết một số thiếu hụt về dịch vụ xã hội cơ bản theo tiêu chí nghèo đa chiều (như: nhà ở, nhà vệ sinh, nước sạch, tài sản tiếp cận thông tin) chưa nhiều nên rất khó khăn cho địa phương trong việc giải quyết các thiếu hụt này. Cũng vì những vấn đề liên quan đến vốn, năm 2022, xã từ 13 tiêu chí đạt được nay còn 11 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Ông Hà Thế Ân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cam Ranh thừa nhận, đối với các xã như Cam Thịnh Tây hay Cam Phước Đông của thành phố – nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, việc huy động nguồn lực tại chỗ để giảm nghèo của các xã còn khó khăn, chưa đáp ứng được nhu cầu cần hỗ trợ của người nghèo, dẫn đến việc giúp người nghèo thoát nghèo nhưng tính bền vững chưa cao.

Cùng với đó, nhân lực làm công tác giảm nghèo thiếu, cấp huyện và cấp xã cán bộ làm công tác giảm nghèo phải kiêm nhiệm nhiều công tác khác; đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã thiếu ổn định đã ảnh hưởng đến kết quả triển khai công tác giảm nghèo ở cơ sở.

"Hiện nay, địa phương đã và đang tập trung các nguồn lực nhằm thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững tại các xã có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn thành phố như tận dụng nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, ưu tiên hỗ trợ từ các nguồn xã hội hóa tại địa phương…", ông Hà Thế Ân nói đến giải pháp.

Cùng với các địa phương trong tỉnh, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết việc làm bền vững cho người nghèo. Trong đó, tập trung tuyên truyền, tuyển sinh và đào tạo nghề ở các cấp trình độ theo nguyện vọng của người dân, gắn với giải quyết việc làm. Riêng trong năm 2023, sẽ đào tạo nghề cho khoảng 1.000 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo.

Bên cạnh đó, Sở giao nhiệm vụ cho các đơn vị tăng cường và mở rộng hoạt động tư vấn, giới thiệu, kết nối việc làm cho người lao động, nhất là công tác hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; thành lập các tổ, đội việc làm trong và ngoài tỉnh; kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy tại huyện Khánh Vĩnh và Khánh Sơn để tuyển chọn đào tạo, cung ứng lao động, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân, nhất là ưu tiên cho lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo.

Trong năm nay, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa dành hơn 4 tỷ đồng để hỗ trợ sinh kế, phát triển mô hình, dự án giảm nghèo nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho hộ nghèo. Trong đó, tỉnh dành nguồn lực hỗ trợ các mô hình: Nuôi dê, bò, lợn, gà thả vườn; trồng cây ăn quả… cho hộ nghèo. Để nguồn vốn này có hiệu quả, các đơn vị được giao nhiệm vụ cũng chuyển giao ứng dụng quy trình kỹ thuật mới theo hướng cầm tay chỉ việc cho hộ nghèo; hỗ trợ vật tư, nguyên liệu, công cụ, thiết bị, giống ban đầu cho hộ nghèo.

Ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho biết, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều giải pháp, tập trung triển khai có trọng tâm, trọng điểm các chương trình, chính sách về giảm nghèo bền vững, nhất là việc thực hiện hiệu quả các chính sách, hoạt động về hỗ trợ việc làm bền vững; hỗ trợ hiệu quả các mô hình sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo, với mục tiêu đạt mức giảm từ 1 đến 1,5%, riêng 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh đạt từ 7% trở lên.

Tỉnh giao các địa phương khẩn trương rà soát lại số hộ nghèo không thể thoát nghèo (đối tượng bảo trợ xã hội, bệnh tật, neo đơn…) để tách riêng và có chính sách hỗ trợ thường xuyên; giao nhiệm vụ cụ thể cho các đoàn thể trong vận động người dân tham gia các chính sách tạo việc làm; rà soát và chỉ đạo cấp xã xây dựng kế hoạch hành động về giảm nghèo đảm bảo chi tiết, cụ thể, phù hợp cho từng địa phương. Tất cả các giải pháp hướng đến mục tiêu đến năm 2025, hai huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh không còn hộ nghèo, thoát khỏi huyện nghèo, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phan Sáu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm