Khánh Hòa bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch

Khánh Hòa bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành kế hoạch triển khai dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” giai đoạn 2021 - 2025. Kế hoạch nhằm khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; bồi dưỡng cán bộ văn hóa, nghệ nhân; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch tại địa phương.

Theo đó, từ năm 2022 đến năm 2024, tỉnh khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; đề xuất công tác, biện pháp bảo vệ di sản văn hóa truyền thống, tập huấn cho cộng đồng, tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể... Khánh Hòa tổ chức bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống tiêu biểu tại các địa phương; khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch. Trong đó chú trọng việc phục dựng 5 lễ hội truyền thống tiêu biểu tại các địa phương để khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch, bao gồm: Lễ bỏ mả và lễ ăn mừng đầu lúa mới. Đây là hai phong tục truyền thống lâu đời của đồng bào dân tộc Raglai ở huyện Khánh Sơn; lễ cưới hỏi của người T’rin (Cơ Ho) và lễ ăn đầu lúa mới của đồng bào dân tộc Raglai, đều ở huyện Khánh Vĩnh; lễ hội cúng bến nước của đồng bào dân tộc Ê - Đê ở xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa.

UBND tỉnh giao Sở Du lịch phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, thị xã Ninh Hòa và đơn vị liên quan khảo sát, xây dựng 3 chương trình sản phẩm phục vụ phát triển du lịch tại huyện Khánh Sơn, huyện Khánh Vĩnh và thị xã Ninh Hòa.

Tỉnh xây dựng chính sách hỗ trợ cho 30 nghệ nhân người dân tộc thiểu số trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng những người kế cận, truyền dạy văn hóa phi vật thể cho cộng đồng thuộc các huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Cam Lâm, Diên Khánh, thị xã Ninh Hòa và thành phố Cam Ranh.

Trong năm 2023, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh phối hợp với chính quyền các huyện trên tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ du lịch gắn với khai thác các giá trị văn hóa truyền thống tại các điểm đến du lịch tiêu biểu vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, tỉnh cũng xây dựng các mô hình bảo vệ, phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số; xây dựng các câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng di dân tái định cư; nghiên cứu, khảo sát tiềm năng du lịch, lựa chọn xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng và tiến hành quảng bá, xúc tiến du lịch tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong tỉnh.

Tỉnh Khánh Hòa có 34 dân tộc thiểu số với số dân trên 72 nghìn người, nhiều nhất là dân tộc Raglai (chiếm hơn 75%), định cư tập trung tại hai huyện miền núi là Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Khánh Hòa phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là một trong những trung tâm du lịch của cả nước, duy trì tốc độ tăng trưởng 22%/năm và tổng thu từ hoạt động du lịch 5 năm đạt 200 nghìn tỷ đồng.

Tiên Minh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm