Khẩn trương ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lan rộng

Khẩn trương ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lan rộng
Chốt kiểm dịch được lập nhằm ngăn ngừa dịch lây lan. Ảnh: Hồng Thái - TTXVN
Chốt kiểm dịch được lập nhằm ngăn ngừa dịch lây lan. Ảnh: Hồng Thái - TTXVN
Tại tỉnh Sóc Trăng, ông Lương Minh Quyết, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết, Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Nông nghiệp đã triển khai thêm hai chốt kiểm dịch động vật tại 2 vị trí trên đường Quản lộ Phụng Hiệp (thuộc xã Mỹ Tú) và tuyến Nam Sông Hậu cùng với chốt kiểm dịch động vật Đại Hải để tăng cường kiểm dịch động vật, ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Các cơ quan, đơn vị chức năng tỉnh Sóc Trăng chủ động tuyên truyền, hạn chế nhập lợn giống ngoài tỉnh, hoặc nhập lợn từ các địa phương có dịch vào tỉnh Sóc Trăng để giết mổ. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng cũng khuyến cáo người dân an tâm trong việc sử dụng, tiêu thụ thịt lợn được nuôi và giết mổ trong tỉnh đảm bảo an toàn. Tại tỉnh Bình Thuận, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã có Chỉ thị khẩn về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả việc phòng, chống và khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh. Tại tỉnh Bình Thuận, tuy chưa phát hiện dịch bệnh, song đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ làm phát sinh bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh. Tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu, từng huyện, thị xã, thành phố phải rà soát lại các khu vực chăn nuôi lợn trên địa bàn, nhất là những khu vực có nguy cơ phát sinh bệnh dịch tả lợn châu Phi để chỉ đạo thực hiện các biện phòng ngừa dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành chức năng để kiên quyết không để xảy ra dịch bệnh trên địa bàn. Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận cũng chỉ đạo chuẩn bị tốt các điều kiện để duy trì chăn nuôi lợn và đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc khác, gia cầm, thuỷ sản để bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
Lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy heo nhiễm bệnh. Ảnh: Hồng Thái - TTXVN
Lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy heo nhiễm bệnh.
Ảnh: Hồng Thái - TTXVN
Tại Hậu Giang, theo Phòng Kinh tế thị xã Ngã Bảy, hiện nay, địa phương đang khẩn trương triển khai các giải pháp dập tắt ổ dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại địa bàn ấp Láng Sen A, xã Hiệp Lợi. Ngày 22/5, lực lượng chức năng thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang tiến hành tiêu hủy gần 1.300 con lợn bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi tại trang trại của ông Phạm Thanh Tâm, ấp Láng Sen A, xã Hiệp Lợi. Đây là ổ dịch tả lợn châu Phi lớn nhất trên địa bàn tỉnh Hậu Giang tính đến thời điểm này. Ông Lê Hùng Chiến, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Ngã Bảy cho biết, sau khi nhận thông tin hộ chăn nuôi Phạm Thanh Tâm, ấp Láng Sen A, xã Hiệp Lợi có lợn chết, Phòng Kinh tế đã phân công cán bộ đến kiểm tra và phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y lấy mẫu kiểm nghiệm. Sau khi có kết quả, thị xã đã chỉ đạo ngay các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên toàn thị xã, thành lập hai chốt kiểm dịch tạm thời để tiêu độc, sát trùng phương tiện ra vào khu vực ổ dịch; đồng thời nghiêm cấm vận chuyển, mua bán lợn và các sản phẩm từ lợn ra vào vùng dịch. Mặt khác, các ngành chức năng cũng rà soát, thống kê đàn lợn trong khu vực ổ dịch để giám sát chặt chẽ, xử lý kịp thời khi lợn có dấu hiệu bệnh; chỉ đạo trạm chăn nuôi và thú y tiêu độc, sát trùng trong bán kính 3 km từ tâm ổ dịch không để dịch phát sinh. Trước thông tin xuất hiện thêm một ổ dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn, ông Chiến cho biết thêm, Phòng Kinh tế đã cử cán bộ chuyên môn xuống kiểm tra và hiện nay cũng có nghi vấn nhiễm dịch tả lợn châu Phi, các cơ quan chức năng sẽ thực hiện biện pháp tiêu hủy theo quy định nhằm tránh lây lan. Theo Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm địa bàn thị xã Ngã Bảy, khi phát hiện ổ dịch, lực lượng thú y sẽ tổ chức việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 1 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên; 3 lần/tuần trong 2 tuần tiếp theo trong vùng bị dịch uy hiếp; tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 1 lần/tuần trong vòng 1 tháng trong vùng giám sát. Từ tháng 4 đến nay, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã có sáu xã thuộc huyện Châu Thành A, Vị Thủy, Châu Thành và thị xã Ngã Bảy phát hiện có ổ dịch tả lợn châu Phi.
TTXVN

Có thể bạn quan tâm