Khám phá non nước Cao Bằng

Khám phá non nước Cao Bằng

Cảnh quan thiên nhiên độc đáo

Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng nằm trên địa bàn 9 huyện biên giới của tỉnh Cao Bằng, là một bảo tàng thiên nhiên sống động, độc đáo với những “hiện vật” có tuổi đời lên tới hơn 500 triệu năm. Các hóa thạch, trầm tích biển, đá núi lửa, khoáng sản... đặc biệt là các cảnh quan đá vôi, là những minh chứng tuyệt vời cho sự tiến hóa và thay đổi của Trái Đất hiện hữu đến ngày hôm nay.

Trong phạm vi rộng hơn 3.275 km2 của công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng có 130 điểm di sản địa chất, với các dạng địa hình, cảnh quan đá vôi độc đáo, như các tháp, nón, thung lũng, hang động, hệ thống hồ sông hang ngầm liên thông... Thời gian hình thành lâu năm, công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng đã không còn là vùng đất chủ yếu là màu xám của đá như cao nguyên Đồng Văn mà đã bồi tụ nên cánh đồng, thung lũng với đất đai trù phú, cây xanh xen lẫn với sông suối, thác và hang động. Những cảnh quan địa chất độc đáo này là một trong những cơ sở khoa học thuyết phục để UNESCO công nhận đây là một di sản địa chất có giá trị và ý nghĩa quốc tế.

Cảnh quan phong phú, đa dạng khiến hành trình khám phá công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng hấp dẫn du khách. Theo thống kê, toàn tỉnh có trên 30 hang, động đẹp có tiềm năng khai thác phục vụ du lịch, trong đó có những động nổi tiếng như động Ngườm Ngao; Hồ Thang Hen (huyện Trà Lĩnh) kết nối cùng hệ thống hang luồn, với một tập hợp các hồ, thác nước, hang động ngầm, dòng chảy mặt... liên kết với nhau và có cơ chế hoạt động “khi đầy khi vơi” là một hiện tượng thiên nhiên kỳ thú. Vào mùa đông, vườn quốc gia Phja Oắc - Phja Đén (huyện Nguyên Bình) là một trong những điểm ngắm băng tuyết của huyện Nguyên Bình. Không chỉ có cảnh quan thiên nhiên đẹp, hoang sơ, Phja Oắc - Phja Đén còn nổi tiếng với hàng trăm loài động thực vật quý hiếm, trong đó có rừng rêu độc đáo hấp dẫn những người yêu thích khám phá thiên nhiên.


“Chưa tới thác Bản Giốc thì chưa tới với Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng” là một trong những lời mời gọi hấp dẫn nhất về danh thắng này. Nằm giữa những dãy núi non trùng điệp của miền biên viễn, dòng thác tầng tầng lớp lớp như dải lụa mềm mại tung bọt trắng xóa giữa trời rồi hòa dòng nước cùng với sông Quây Sơn len lỏi giữa những thung lũng trù phú. Đứng dưới chân dòng thác mới thấy thiên nhiên kỳ vĩ, không hổ danh khi các tạp chí, hãng truyền thông lớn thế giới bình chọn thác Bản Giốc là một trong những thác nước kỹ vĩ nhất thế giới hay kỳ quan thiên nhiên ở châu Á.

Khai thác tiềm năng phát triển du lịch

Cùng với việc bảo tồn di sản địa chất, bảo vệ môi trường, thương hiệu công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng cũng là một động lực để phát triển kinh tế xã hội bền vững, trong đó có bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và gắn với tăng trưởng du lịch.

Non Nước Cao Bằng được UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu. Ảnh: TTXVN
Non Nước Cao Bằng được UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu. Ảnh: TTXVN

Với hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, Cao Bằng là không gian văn hóa đa dạng, phong phú với sự giao hòa văn hóa của cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô, Kinh, Hoa. Mỗi dân tộc có nét sinh hoạt văn hóa riêng, với các giá trị văn hóa, văn học - nghệ thuật, dân ca, dân nhạc, dân vũ, dân gian truyền thống được bảo tồn trong nhiều thế hệ đã mang lại những trải nghiệm độc đáo cho du khách. Bên cạnh đó, những di tích lịch sử văn hóa như: Các di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, Rừng Trần Hưng Đạo, địa điểm Chiến thắng Biên giới 1950 huyện Thạch An; Đền Vua Lê, đền Kỳ Sầm, chùa Sùng Phúc… lại phù hợp với dòng khách du lịch học đường, du lịch văn hóa, các tour du lịch thăm lại chiến trường xưa…

Hiện nay, tại Cao Bằng, những loại hình du lịch cộng đồng, du lịch khám phá, du lịch sinh thái đã có những bước phát triển. Hành trình chèo thuyền kayak trên sông Quây Sơn khám phá non nước Cao Bằng bắt đầu từ ngay dưới chân thác Bản Giốc là một trong những sản phẩm du lịch phát triển vài năm trở lại đây. Chị Lê Thị Thu Thủy (phố Núi Trúc, Hà Nội) ấn tượng đặc biệt với chương trình này. Chị chia sẻ: “Tôi may mắn được đi vào thời gian đẹp nhất trong năm, vào mùa thu hoạch cuối mùa thu. Hai bên dòng Quây Sơn đều tràn sắc vàng của lúa, khiến dòng sông như một thảm xanh mềm mại vắt giữa núi cao rồi sà xuống lòng thung lũng. Khác so với những chuyến rong ruổi bằng xe máy, chương trình chèo thuyền mang lại cho du khách cảm giác vượt thác ghềnh, khúc cua trên sông hay trôi giữa phong cảnh tuyệt đẹp hai bên bờ”. Nhiều du khách lại ấn tượng với văn hóa ẩm thực đặc trưng của các dân tộc miền biên giới, với những món ăn truyền thống, đặc sản núi rừng đậm đà hương vị.


Theo ông Sầm Việt An, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng, trong thời gian tới, Cao Bằng sẽ đưa vào triển khai 3 tuyến du lịch trong vùng Công viên địa chất để thu hút khách du lịch. Trong đó có tuyến du lịch cụm phía Tây “Khám phá Phja Oắc – vùng núi của những đổi thay” tại huyện Nguyên Bình). Tuyến thứ 2 là du lịch cụm phía Bắc “Hành trình về nguồn cội” với hành trình khám phá huyện Hòa An và Hà Quảng. Tuyến thứ 3 là du lịch cụm phía Đông “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở sứ xở thần tiên” tại các huyện Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang. Những hành trình đa dạng này sẽ khai thác hết tiềm năng hiện có của công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng, đồng thời tạo ra những điểm nhấn riêng thu hút khách quay lại khám phá nhiều lần.

Theo: langvietonline.vn

Có thể bạn quan tâm