Khám phá Di tích lịch sử Pú Vạp, Điện Biên

Khám phá Di tích lịch sử Pú Vạp, Điện Biên
Di tích Pú Vạp nằm cách trung tâm thị xã Mường Lay hơn 10 km về phía Tây. Để đến được Pú Vạp, du khách chỉ có thể di chuyển bằng xe máy trên con đường gấp khúc, uốn lượn. Trên đường đến Pú Vạp, du khách sẽ được chiêm ngưỡng cảnh vật thiên nhiên hùng vĩ, kỳ thú của núi rừng, mây trời Tây Bắc và ngắm nhìn bản làng đồng bào dân tộc Mông quần tụ, nép mình bên sườn núi. Đặc biệt, khi lên gần tới đỉnh Pú Vạp, du khách có thể ngắm trọn cả thị xã Mường Lay. 
 
Di tích Pú Vạp, thị xã Mường Lay (tỉnh Điện Biên) được xây dựng khoảng năm 1948, từng là khu nghỉ mát một thời của “Vua Thái” Đèo Văn Long. Nơi đây có khí hậu quanh năm mát mẻ, trong lành và yên tĩnh. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN
Di tích Pú Vạp, thị xã Mường Lay (tỉnh Điện Biên) được xây dựng khoảng năm 1948, từng là khu nghỉ mát một thời của “Vua Thái” Đèo Văn Long. Nơi đây có khí hậu quanh năm mát mẻ, trong lành và yên tĩnh. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN

Khu nghỉ mát Pú Vạp được xây dựng trên một đỉnh núi cao nhất của dãy núi phía Tây, có vị trí tương đối bằng phẳng, thiết kế và xây dựng theo lối kiến trúc cổ của người Pháp với hai dãy nhà ngang, ba gian kiên cố chia thành hai khu riêng biệt, cách nhau khoảng 1km. Vật liệu để xây dựng là gạch vồ, đất nung, mái lợp đá xẻ ngũ sắc. Xung quanh là đồi núi, có nhiều cây cối, hoa rừng, khí hậu mát mẻ quanh năm. Qua dòng chảy thời gian và biến thiên của lịch sử, Khu di tích Pú Vạp không còn giữ được nguyên trạng ban đầu. Một số đoạn tường đã mục hỏng, đổ; nền nhà bị bong tróc; mái nhà và các công trình phụ (nhà tắm, bể nước) bị sụp; sân khấu chỉ còn lại một đoạn tường ngắn... Tuy nhiên, với những gì còn lại cùng sử sách, tư liệu lưu truyền và nhân dân kể lại, Pú Vạp chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và là mối quan tâm của các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử. 

Khung cảnh núi non trùng điệp khi nhìn từ trên đỉnh Pú Vạp Ảnh: Xuân Tư – TTXVN
Khung cảnh núi non trùng điệp khi nhìn từ trên đỉnh Pú Vạp
Ảnh: Xuân Tư – TTXVN

Theo người dân tộc Thái bản địa, Pú Vạp có nghĩa là đỉnh núi cao nhất của dãy núi phía Tây, là một vị trí hiểm yếu, sau lưng là núi cao, trước mặt là sông rộng. Năm 1948, Khu nghỉ dưỡng Pú Vạp được vua Thái trắng Đèo Văn Long nắm quyền cai trị vùng đất Tây Bắc dưới sự bảo hộ của Pháp cho xây dựng. Đây là nơi giải trí, tiêu khiển của bọn thống trị, đồng thời là nơi giam cầm, tra tấn những người hoạt động yêu nước, chống lại thực dân Pháp. 

Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Mường Lay Trần Hương Giang chia sẻ: Di tích Pú Vạp là một trong những địa điểm tại thị xã Mường Lay ghi dấu tội ác của thực dân Pháp xâm lược cùng bè lũ tay sai bán nước đối với nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên, Lai Châu nói riêng. Đồng thời, thể hiện tinh thần tình đoàn kết, đấu tranh anh dũng, bất khuất của nhân dân và các chiến sĩ cách mạng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đây là địa chỉ đỏ để giáo dục cho thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc và tiếp bước cha anh để xây dựng, bảo vệ đất nước. Với cảnh đẹp mê hoặc lòng người, mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc, Di tích Pú Vạp đã và đang thu hút nhiều du khách khám phá. 

Di tích Pú Vạp. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN
Di tích Pú Vạp. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, thị xã Mường Lay đang được xây dựng, phát triển để trở thành một đô thị du lịch ven lòng hồ Thủy điện Sơn La, đáp ứng nhu cầu tham quan, giải trí, góp phần làm phong phú thêm các hình thức du lịch, nâng cao dân trí, tạo việc làm và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. 

Trên thực tế, thị xã Mường Lay đã nhiều lần tiến hành khảo sát, với định hướng phục dựng để Khu di tích Pú Vạp trở thành điểm tham quan du lịch và nghỉ mát. Tuy nhiên, do kinh phí đầu tư vượt quá khả năng của địa phương, định hướng này chưa thể thực hiện. Với mục tiêu xây dựng thị xã Mường Lay phát triển mạnh về du lịch, Khu di tích Pú Vạp với những tiềm năng sẵn có thật sự là một địa chỉ cần được khai thác, để chuỗi du lịch về với thủ phủ của đồng bào Thái trắng Mường Lay đa dạng, hấp dẫn hơn.
Văn Dũng – Xuân Tư 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm