Khai mạc trưng bày và tọa đàm "Báo chí Việt Nam 1946-1954 từ Thủ đô Hà Nội đến chiến khu Việt Bắc"

Các đại biểu tham quan trưng bày ảnh, tư liệu. Ảnh: Tuấn Đức - TTXVN
Các đại biểu tham quan trưng bày ảnh, tư liệu. Ảnh: Tuấn Đức - TTXVN

Chiều 20/4, tại Hà Nội, Bảo tàng Báo chí Việt Nam (Hội Nhà báo Việt Nam) tổ chức khai mạc trưng bày và tọa đàm chuyên đề "Báo chí Việt Nam 1946-1954 từ Thủ đô Hà Nội đến chiến khu Việt Bắc". Hoạt động này nhằm khai thác, tôn vinh giá trị to lớn của di sản báo chí cách mạng nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày tổng tuyển cử đầu tiên (1946-2021), 72 năm Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (4/1949-4/2021); 71 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (4/1950-4/2021); hướng tới Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam...

Khai mạc trưng bày và tọa đàm "Báo chí Việt Nam 1946-1954 từ Thủ đô Hà Nội đến chiến khu Việt Bắc" ảnh 1Các nhà báo lão thành đang ôn lại kỷ niệm. Ảnh: Tuấn Đức - TTXVN

Trưng bày và tọa đàm "Báo chí Việt Nam 1946-1954 từ Thủ đô Hà Nội đến chiến khu Việt Bắc" được nghiên cứu, khai thác, tái dựng có tính chất gợi mở về một giai đoạn lịch sử gắn liền với một số hoạt động, sự kiện báo chí tiêu biểu, gắn liền với Thủ đô Hà Nội năm 1946 đầy bão tố, thù trong giặc ngoài, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh 75 năm trước và cuộc kháng chiến "9 năm làm một Điện Biên". Trong đó, báo chí cách mạng thực sự đã có bước trưởng thành lớn mạnh vượt bậc ngay trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất của cuộc chiến tranh vệ quốc, trên cơ sở những tư liệu, hiện vật là di sản báo chí vô giá gây dựng và để lại từ lao động sáng tạo, sự cống hiến, hy sinh của một thế hệ nhà báo - chiến sỹ.

Khai mạc trưng bày và tọa đàm "Báo chí Việt Nam 1946-1954 từ Thủ đô Hà Nội đến chiến khu Việt Bắc" ảnh 2Các đại biểu tham quan trưng bày ảnh, tư liệu. Ảnh: Tuấn Đức - TTXVN

Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam Trần Thị Kim Hoa cho biết: "Báo chí Việt Nam 1946-1954 từ Thủ đô Hà Nội đến chiến khu Việt Bắc" là trưng bày và tọa đàm được ấp ủ từ khi Bảo tàng chưa ra đời, khi các cán bộ bảo tàng lần đầu cầm trên tay những ấn phẩm, hiện vật báo chí có tuổi đời trên 70 năm gắn liền với những câu chuyện làm báo trong rừng, làm báo ở chiến khu... Càng gian khổ, càng hiểm nguy, càng năng động, sáng tạo. Quá trình sưu tầm, nghiên cứu đã giúp bảo tàng quyết tâm tái hiện một phần những nét độc đáo đầy tự hào của báo chí chiến khu Việt Bắc những năm 1946-1954.

Soi chiếu vào lịch sử báo chí từ 75 năm trước có thể thấy những thời khắc quan trọng, sự khai sinh của nhiều tờ báo lớn, những sự kiện nổi bật, những thành tựu, đóng góp to lớn của báo chí thời kỳ này đối với lịch sử đất nước và dân tộc - bà Trần Thị Kim Hoa nêu rõ.

Trưng bày giới thiệu đến công chúng nhiều tư liệu ảnh quý, lần đầu tiên ra mắt công chúng ở Việt Nam, điển hình như hình ảnh, tác phẩm, hoạt động báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Pháp, những năm 1946-1954 đã được nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân nghiên cứu kỹ lưỡng, như: bản gốc bức ảnh quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh, kèm theo bút tích chữ ký; ảnh do nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn chụp năm 1950, Nghệ sỹ Ưu tú Phạm Việt Tùng hiến tặng năm 2015.

Khai mạc trưng bày và tọa đàm "Báo chí Việt Nam 1946-1954 từ Thủ đô Hà Nội đến chiến khu Việt Bắc" ảnh 3Các đại biểu tham quan trưng bày ảnh, tư liệu. Ảnh: Tuấn Đức - TTXVN

Qua trưng bày, công chúng có thể thấy rõ hơn những hình ảnh sinh động, trung thực về đời sống kháng chiến qua ống kính các nhà nhiếp ảnh từ Hà Nội gồng gánh lên chiến khu, không chỉ tạo nguồn ảnh thời sự cho báo chí chiến khu, còn cung cấp những hình ảnh tư liệu vô giá. Có người mở cả hiệu ảnh ở chiến khu, như hiệu ảnh của nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu. Hay độc đáo không đâu có là câu chuyện làm báo tại chiến trường Điện Biên Phủ, tòa soạn báo hoạt động ngay bên cạnh các chiến hào và sát cánh với bộ đội. 33 số báo đã ra đời giữa chiến trường chính là huyền tích có thật của báo chí kháng chiến.

Khai mạc trưng bày và tọa đàm "Báo chí Việt Nam 1946-1954 từ Thủ đô Hà Nội đến chiến khu Việt Bắc" ảnh 4Các đại biểu tham quan trưng bày ảnh. Ảnh: Tuấn Đức - TTXVN
Khai mạc trưng bày và tọa đàm "Báo chí Việt Nam 1946-1954 từ Thủ đô Hà Nội đến chiến khu Việt Bắc" ảnh 5Các đại biểu tham quan trưng bày ảnh, tư liệu. Ảnh: Tuấn Đức - TTXVN

Đây cũng là lần đầu tiên Bảo tàng công bố những hình ảnh liên quan đến sự kiện Hội Nhà báo Việt Nam gia nhập tổ chức nhà báo quốc tế OIJ năm 1950 và ngay sau khi ra đời, Hội đã cử hai nhà báo tiêu biểu: Thép Mới và Trần Lâm đại diện cho đội ngũ báo chí Việt Nam sang Thủ đô Helsinki (Phần Lan) dự hội nghị. Món quà quý này được Nhà báo Kaake Nordenstreng, nguyên Chủ tịch OIJ từ 1976-1990 khai thác từ Cơ quan lưu trữ Quốc gia Phần Lan và được Đại sứ Phần Lan trao tặng cho Hội Nhà báo Việt Nam tháng 3/2021.

Thời gian tới, Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ tiếp tục tập hợp, bổ sung, hoàn chỉnh từng bước bộ sưu tập hiện vật Báo chí Việt Nam thời kỳ 1945-1954 và báo chí các vùng chiến khu khác, như Liên khu V, chiến khu Dương Minh Châu, chiến khu Đông Nam Bộ...

Khai mạc trưng bày và tọa đàm "Báo chí Việt Nam 1946-1954 từ Thủ đô Hà Nội đến chiến khu Việt Bắc" ảnh 6Cắt băng khai mạc Trưng bày chuyên đề và Tọa đàm “Báo chí Việt Nam 1946-1954: Từ Hà Nội đến Chiến khu Việt Bắc”. Ảnh: Tuấn Đức - TTXVN
Khai mạc trưng bày và tọa đàm "Báo chí Việt Nam 1946-1954 từ Thủ đô Hà Nội đến chiến khu Việt Bắc" ảnh 7Các đại biểu tham quan trưng bày ảnh, tư liệu. Ảnh: Tuấn Đức - TTXVN

Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam Trần Thị Kim Hoa khẳng định việc hoàn chỉnh các bộ sưu tập hiện vật báo chí Việt Nam là món nợ lớn đối với lịch sử báo chí nước nhà, với các nhà báo lớp trước, Bảo tàng cần sự tiếp sức của các cơ quan, đơn vị, các nhà báo, nhà khoa học, nhà sưu tầm trong và ngoài nước để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tại tọa đàm, các thế hệ nhà báo đã cùng ôn lại những kỷ niệm về làm Báo Cứu Quốc; làm báo Tết ở Liên khu V; làm báo thông tấn thời kỳ đầu kháng chiến và làm báo tại mặt trận Điện Biên Phủ; ảnh báo chí trong kháng chiến chống Pháp (dẫn chứng minh họa qua ống kinh của nhiếp ảnh gia Trần Văn Lưu)...

Trưng bày sẽ diễn ra đến hết ngày 21/6/2021.

Phúc Hằng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm