Khai mạc sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc

Khai mạc sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc

Tối 31/8, tại Thị xã Sơn Tây (Hà Nội), Văn phòng điều phối chương trình nông thôn mới thành phố Hà Nội đã khai mạc sự kiện giới thiệu sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc năm 2022.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng điều phối chương trình nông thôn mới thành phố Hà Nội cho biết, đây là sự kiện quan trọng của năm 2022 tiếp nối sự chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm giúp các tổ chức, cá nhân quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP và đặc sản của các vùng miền trong cả nước.

Khai mạc sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc ảnh 1Lãnh đạo sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội và UBND thị xã Sơn Tây cắt băng khai mạc sự kiện. Ảnh: Phương Anh-TTXVN

Chương trình OCOP với mục tiêu đạt được ít nhất 10000 sản phẩm OCOP vào năm 2025, là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Đồng thời, là nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm số lượng làng nghề lớn nhất toàn quốc, hội tụ 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước. Trong số đó, có 318 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND thành phố công nhận.

Mỗi làng nghề Hà Nội đều mang một bản sắc riêng với sự kết tinh sáng tạo của những bàn tay người thợ và tình yêu nghề, tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Thành phố có trên 9.900 sản phẩm nông sản thực phẩm đã gắn mã truy xuất nguồn gốc QR Code. Đó chính là lợi thế lớn đối với thành phố Hà Nội trong việc đánh giá, phân hạng sản phẩm cũng như giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP.

Hà Nội hiện có 1.649 sản phẩm OCOP, gồm: 4 sản phẩm 5 sao; 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao đã được Trung ương đánh giá; 11 sản phẩm tiềm năng 5 sao của năm 2020 đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét đánh giá, phân hạng; 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao. Trong đó, ngành thực phẩm có 1.071 sản phẩm, ngành đồ uống 35 sản phẩm, ngành thảo dược 17 sản phẩm, ngành thủ công mỹ nghệ 492 sản phẩm, ngành vải và may mặc 34 sản phẩm.

Các sản phẩm OCOP đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận rất tích cực, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Tuy nhiên, việc thực hiện Chương trình OCOP vẫn còn những khó khăn, thách thức. Nhiều loại giống cây trồng, vật tư đầu vào còn phụ thuộc vào nhập khẩu; vùng nguyên liệu chưa tập trung; quy mô sản xuất còn nhỏ và manh mún. Công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch chưa phát triển; thị trường tiêu thụ thiếu ổn định và chưa đa dạng; yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày càng cao với các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe; phát thải khí metal gây ô nhiễm môi trường...

Khai mạc sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc ảnh 2Sản phẩm OCOP đạt 5 sao được trưng bày tại sự kiện. Ảnh: Phương Anh-TTXVN

Để sản phẩm OCOP phát triển bền vững, Hà Nội đang tập trung giải quyết 5 vấn đề căn bản là: xây dựng thương hiệu; quy hoạch và phát triển nguồn nguyên liệu; phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch; hỗ trợ về vốn, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư thông qua xã hội hóa, hợp tác, phát triển và mở rộng thị trường, đẩy mạnh tham gia sâu vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế.

Nam Giang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm