Khai mạc Liên hoan Nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ lần thứ II

Tối 1/4, tại Trà Vinh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Trà Vinh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh khai mạc Liên hoan Nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ lần thứ II - năm 2023 với sự tham gia của hơn 500 diễn viên đến từ 13 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp nhà nước và tư nhân...

Khai mac Lien hoan Nghe thuat san khau Du ke Khmer Nam Bo lan thu II hinh anh 1Nghệ sĩ nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, đồng Trưởng ban Chỉ đạo Liên hoan phát biểu khai mạc Liên hoan. Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN

Các đơn vị tham gia đến từ các tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu và Trà Vinh; trong đó, 6 đơn vị nhà nước gồm Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh (Trà Vinh), Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Kiên Giang, Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng, Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Cà Mau, Nhà hát Cao Văn Lầu, Hội Sân khấu tỉnh Bạc Liêu. Bên cạnh đó là sự góp mặt của 7 đơn vị xã hội hóa gồm: Đoàn Nghệ thuật Khmer Răksamây Chanđara (Trà Vinh), Doanh nghiệp tư nhân Đoàn Dù kê Sơn Nguyệt Quang, Doanh nghiệp tư anhân đoàn Ánh Bình Minh, Doanh nghiệp tư nhân đoàn Nghệ thuật Dù kê tập thể Ron Ron (Sóc Trăng), Đoàn Nghệ thuật Khmer Chùa Svay Siêm Thmây - Trà Vinh, Đội Văn nghệ quần chúng - Ấp cây khô (Cà Mau) và Đoàn Nghệ thuật Khmer - Trường Đại học Trà Vinh.

Các đơn vị mang đến liên hoan 13 vở diễn, gồm các thể loại dân gian, lịch sử, hiện đại. Những vở diễn dân gian, lịch sử hấp dẫn như: "Hoàng tử Vê Son Đo", "Tướng quân Rit Thi Sắc", "Chây SôRa Vông", "Chuyện tình giữa Tiên nữ và Người phàm", "Chuyện tình Nàng Sô Vanl Pu Pa". Ngoài ra, còn có những vở diễn khai thác đề tài hiện đại, mang đậm hơi thở cuộc sống như: "Bài học đắt giá", "Giữ vững biển đảo quê hương", "Hoa cau tình thắm"…

Khai mac Lien hoan Nghe thuat san khau Du ke Khmer Nam Bo lan thu II hinh anh 2Ban Tổ chức tặng hoa cho các Trưởng đoàn, Giám đốc Nhà hát tham dự Liên hoan. Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Nghệ sĩ nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, đồng Trưởng ban Chỉ đạo Liên hoan cho biết, nghệ thuật sân khấu Dù kê đã hình thành và phát triển hơn một thế kỷ qua. Đây là một loại hình nghệ thuật độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc Khmer ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thể hiện đậm các giá trị nhân văn, khát vọng về những điều tốt đẹp và đã trở thành đời sống tinh thần không thể thiếu của người Khmer trong hơn 100 năm qua.
Do tác động nhiều mặt của cơ chế thị trường, sân khấu Dù kê đang gặp nhiều thách thức, khó khăn và có nguy cơ ngày càng mai một trong đời sống cộng đồng.

Liên hoan lần này nhằm đánh giá lại hiện trạng hoạt động nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer để nâng cao chất lượng, từng bước chuyên nghiệp hóa loại hình nghệ thuật này. Đồng thời, qua đó động viên các nghệ sĩ, nghệ nhân tích cực tham gia gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị tinh hoa của loại hình nghệ thuật độc đáo Dù kê. Đây cũng là dịp để các đơn vị, nghệ sĩ gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn, góp phần thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”.

Khai mac Lien hoan Nghe thuat san khau Du ke Khmer Nam Bo lan thu II hinh anh 3Vở diễn "Hoàng tử Vê Son Đo" do Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh - Trà Vinh biểu diễn sau lễ khai mạc. Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN

Liên hoan Nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ lần thứ II diễn ra từ ngày 01 - 07/4 tại Trường Đại học Trà Vinh.

Thanh Hòa

Tin liên quan

“Giữ lửa” sân khấu nghệ thuật Dù Kê

Sau hơn 100 năm hình thành và phát triển, dù kê đã trở thành một trong những loại hình nghệ thuật sân khấu độc đáo, món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của đồng bào Khmer Sóc Trăng nói riêng và Nam Bộ nói chung.


Bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu Dù kê của đồng bào Khmer Nam bộ

Ngày 25/10, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh phối hợp với Trường Đại học Trà Vinh tổ chức hội thảo khoa học “Nghệ thuật sân khấu Dù kê – 100 năm hình thành và phát triển”. Nghệ thuật sân khấu Dù kê là loại hình nghệ thuật của đồng bào Khmer Nam bộ, đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2014. Hội thảo thu hút gần 200 đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lí, nghệ sĩ, nghệ nhân đến từ các đoàn nghệ thuật trong toàn quốc.


Bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật sân khấu dù kê Khmer Nam Bộ - Bài 2

Dù kê là loại hình nghệ thuật sân khấu ẩn chứa những giá trị văn hóa tinh thần vô cùng độc đáo của người Khmer Nam Bộ. Bảo tồn, phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật này gắn với phát triển du lịch, tạo điều kiện để ngày càng có nhiều du khách khi đến vùng đất có đông đồng bào Khmer sinh sống, được xem biểu diễn dù kê, hiểu hơn về văn hóa Khmer, là hướng đi đúng cần triển khai bài bản, hiệu quả hơn trong thời gian tới.


Bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật sân khấu dù kê Khmer Nam Bộ (Bài 1)

Cũng như nhiều bộ môn nghệ thuật ở vùng đất phương Nam, nghệ thuật sân khấu dù kê của đồng bào Khmer đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian. Bảo tồn nghệ thuật này một cách hiệu quả trong cuộc sống hiện đại hôm nay, ngay trong không gian sống của đồng bào Khmer Nam Bộ; đồng thời phát huy giá trị, quảng bá, giới thiệu nét đặc sắc của nghệ thuật truyền thống này gắn với phát triển du lịch tại những địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống là việc làm cần thiết.


Nghệ thuật Dù kê của người Khmer Nam Bộ

Sân khấu Dù kê có vai trò và giá trị to lớn, là di sản văn hóa độc đáo phục vụ nhu cầu giải trí, hưởng thụ văn hóa của người Khmer, là nơi để người Khmer gửi gắm tâm tư, tình cảm đến với cộng đồng các dân tộc anh em khác trên dải đất Nam Bộ.



Đề xuất