Khai mạc hội chợ trái cây và hàng nông sản tỉnh Bình Phước

Tối 2/6, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước tổ chức Khai mạc Hội chợ trái cây và hàng nông sản tỉnh Bình Phước lần thứ V năm 2022 với sự tham gia của 200 gian hàng.

Khai mac hoi cho trai cay va hang nong san tinh Binh Phuoc hinh anh 1Đại biểu cắt băng khai mạc hội chợ. Ảnh: K GỬIH –TTXVN

Với chủ đề “Nông nghiệp thịnh vượng - nông dân giàu có - nông thôn văn minh hiện đại”, Hội chợ huy động sự tham gia của các sản phẩm dựa trên 3 trụ cột là “sản phẩm trồng trọt”, “sản phẩm chăn nuôi” và “sản phẩm gỗ mỹ nghệ”.

Đây là nơi quảng bá, giới thiệu các loại trái cây ngon và sản phẩm nông sản tiêu biểu; là địa chỉ tin cậy để tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm, kết nối giao thương giữa nhà khoa học, doanh nghiệp và người nông dân.

Chương trình hội chợ diễn ra trong 5 ngày (từ ngày 2- 6/6) với nhiều hoạt động như: Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh với cán bộ, hội viên sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu tỉnh Bình Phước năm 2022; Hội thi “Trái cây ngon - Bình Phước năm 2022”; Hội nghị kết nối tiêu thụ nông sản cho nông dân; Hội nghị biểu dương nông dân là người dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi tỉnh Bình Phước năm 2022; Hội nghị chuyên đề hướng dẫn nông dân về thương mại điện tử và quy trình, cách thức đưa nông sản lên các sàn giao dịch; Lễ ra mắt Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp số Bình Phước; Hội thảo chuyên đề “Giải pháp sấy rau củ qua cho cây ăn trái”; Hội thảo ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; Hội nghị tập huấn trồng trọt hữu cơ và làm nông dược tự nhiên…

Khai mac hoi cho trai cay va hang nong san tinh Binh Phuoc hinh anh 2Người dân tham gia hội chợ. Ảnh: K GỬIH –TTXVN

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh nhấn mạnh, đây là ngày hội lớn của nông dân trong tỉnh, đặc biệt đối với hội viên nông dân trồng cây ăn trái quảng bá, giới thiệu các loại trái cây ngon và sản phẩm nông sản tiêu biểu. Hội chợ cũng là nơi tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, giao lưu, kết nối giao thương giữa nhà khoa học, doanh nghiệp và người nông dân.

“Bình Phước đang từng ngày đổi mới, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện với hệ thống giao thông thông suốt, kinh tế nông nghiệp phát triển nhanh và bền vững... tạo lên diện mạo nông thôn mới, ngày càng thịnh vượng, văn minh. Với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp đã giúp Bình Phước dần hình thành các vùng trồng cây ăn trái quy mô lớn, với giá trị kinh tế cao như: sầu riêng, bơ, xoài, mít, ổi, bưởi da xanh, cam, quýt… cũng như phát triển mạnh các loại cây công nghiệp như cao su, điều, cà phê, hồ tiêu...”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh cho biết thêm.

Trong thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Bình Phước luôn quan tâm và tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các chương trình phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn; mới đây là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong nông nghiệp. Bên cạnh việc đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, quy trình sản xuất tiến bộ, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nông dân, các cấp, các ngành đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân tìm kiếm, phát triển, mở rộng thị trường thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, đẩy mạnh thương mại điện tử, từng bước xây dựng các chuỗi liên kết, tạo điều kiện tiêu thụ các sản phẩm nông sản.

Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Đinh Khắc Đính phát biểu nhấn mạnh, tổ chức Hội Nông dân phải không ngừng đổi mới, đổi mới về nội dung hoạt động, đổi mới về cách tiếp cận với phong trào, thích ứng hơn nữa với sự phát triển của công nghệ, năng động hơn nữa với sự phát triển của kinh tế thị trường, có như vậy mới khẳng định, phát huy được vai trò đại diện giúp hội viên nông dân.

Khai mac hoi cho trai cay va hang nong san tinh Binh Phuoc hinh anh 3Đại biểu tham quan các gian hàng tại hội chợ. Ảnh: K GỬIH –TTXVN

Bình Phước là tỉnh có gần 76% dân số sống ở vùng nông thôn, rất nhiều lao động làm trong lĩnh vực nông nghiệp. Nông nghiệp đã giúp ổn định cuộc sống cho phần lớn người dân nông thôn. Nông nghiệp đã thể hiện rõ vai trò “trụ đỡ” cho nền kinh tế, góp phần giữ vững tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2021 của tỉnh đạt gần 30.000 tỷ đồng, tăng 3,5% so với năm 2020. Toàn tỉnh có 44 sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Các loại trái cây của tỉnh đã dần khẳng định được thương hiệu, chất lượng trên thị trường trong và ngoài nước.

K GỬIH

Tin liên quan

Ngày hội nông sản – OCOP tỉnh Bắc Kạn năm 2022

UBND tỉnh Bắc Kạn vừa khai mạc Ngày hội nông sản - OCOP tỉnh Bắc Kạn năm 2022 tại thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể. Có gần 50 gian hàng tham gia trưng bày các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm), sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được sản xuất, chế biến trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; sản phẩm tiêu biểu, thế mạnh của các đơn vị, địa phương như Thái Nguyên, Lạng Sơn.


Bế mạc Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam 2022

Sau 4 ngày diễn ra các sự kiện, tối 31/5, tại Quảng trường Tây Bắc - thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Bế mạc Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam 2022.


Thương mại hóa sản phẩm nông sản chế biến Việt

Chiều ngày 19/4, tại Tọa đàm "Dưỡng chất từ trái cà pháo và cà pháo lên men" tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp cho biết, trên khắp vùng, miền Việt Nam có không ít loại thực phẩm lên men đã trở thành món ăn đặc sản, nhưng chưa có điều kiện thuận lợi để đưa ra thị trường bán lẻ. Đồng thời, cũng có nhiều sản phẩm nông sản chế biến tiềm năng, nhưng chưa được thương mại hóa và đến với người tiêu dùng.


Kết nối hợp tác xã tạo đà tiêu thụ nông sản

Sản xuất và tiêu thụ nông sản luôn là vấn đề đi đôi trong nông nghiệp từ trước đến nay. Từ nông dân, hợp tác xã đến doanh nghiệp đều luôn nỗ lực làm thật tốt để vòng xoay nông sản được nhịp nhàng, hàng hóa không ứ đọng, gia tăng lợi nhuận và tái sản xuất thuận lợi. Trước nhu cầu tiêu dùng trong nước và thế giới ngày càng cao, thúc đẩy kết nối sản xuất, tiêu thụ mà điển hình là kết nối hợp tác xã giúp cho chuỗi này được dễ dàng hơn.



Đề xuất