Khách ngoại chưa "mặn mà" với gốm sứ Bát Tràng

Khách ngoại chưa "mặn mà" với gốm sứ Bát Tràng
Sản xuất gốm sứ tại Bát Tràng. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Sản xuất gốm sứ tại Bát Tràng. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Có thể nói, gốm Bát Tràng xưa nay vẫn là niềm tự hào của người dân Hà Nội. Đặc biệt, sau khi, UBND thành phố Hà Nội phê duyệt quy hoạch chi tiết làng nghề truyền thống Bát Tràng với mục tiêu bảo tồn và phát triển làng nghề này gắn với du lịch vào năm 2011; đồng thời thành lập, đưa chợ gốm Bát Tràng vào hoạt động phục vụ khách tham quan từ năm 2004 làng nghề truyền thống Bát Tràng trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Thế nhưng trái với những đổi thay mang hơi thở của bộ mặt làng nghề Bát Tràng và mặc dù mở rộng quảng bá nhưng khách quốc tế lại không còn mặn mà đến nơi đây như những năm trước. 

Ngược dòng lịch sử, đã có nhiều giai đoạn sản phẩm gốm sứ Bát Tràng được khách hàng nước ngoài rất ưa chuộng, làng nghề Bát Tràng thường xuyên thu hút một lượng lớn khách nước ngoài đến tham quan, du lịch và đặt hàng. Ngay từ cuối thời Trần đến thời Lê và đầu thời Nguyễn, một khối lượng lớn đồ gốm các loại của Bát Tràng đã được xuất khẩu sang các nước trong khu vực như Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan và một số nước châu Âu như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp. Theo số liệu thống kê những năm gần đây, hàng năm vẫn có trên 10.000 lượt khách quốc tế và trên 50.000 khách du lịch trong nước đến Bát Tràng. 

Thế nhưng, đến Bát Tràng vào những ngày cuối hạ chuẩn bị sang thu, tiết trời mát mẻ, vẻ đẹp vừa có nét hoang dã tự nhiên vừa được sắp đặt khéo léo bởi bàn tay con người của làng cổ ven sông Hồng, những sản phẩm truyền thống tiêu biểu được khẳng định thương hiệu đã không còn sức hút đối với những khách hàng quốc tế khó tính. 

Chia sẻ những khó khăn về thị trường xuất khẩu sản phẩm gốm sứ Bát Tràng, ông Hà Văn Lâm, Phó ban đại diện làng nghề truyền thống Bát Tràng cho biết, giai đoạn từ năm 1990 - 2000, làng nghề gốm sứ Bát Tràng xuất khẩu được khoảng 80 - 85% sản phẩm sang Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Đan Mạch, Hà Lan, Mỹ, Đức, Pháp… Tuy nhiên, từ năm 2005 trở lai đây, khả năng xuất khẩu của sản phẩm gốm sứ Bát Tràng giảm hẳn. Ngoài nguyên nhân khách quan do suy thoái kinh tế chung của thế giới còn do sự chậm đổi mới trong sản xuất của làng nghề. Mẫu mã của sản phẩm còn chậm được cải tiến, chưa bắt mắt đã ảnh hưởng đến xuất khẩu. Ngoài ra, cung cách làm ăn thiếu chuyên nghiệp của các hộ sản xuất, kinh doanh cũng là một yếu tố khiến khách hàng quốc tế không còn “mặn mà”. Ngoài ra còn có nguyên nhân gốm Bát Tràng đang phải cạnh tranh với các mặt hàng gốm trong nước và nước ngoài đang chiếm lĩnh thị trường. 

Là một làng nghề truyền thống lâu đời, mô hình sản xuất của làng nghề gốm sứ Bát Tràng chủ yếu vẫn là mô hình sản xuất hộ gia đình, chỉ có một số hộ thành lập công ty, tổ hợp sản xuất. Không thể phủ nhận, để đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh, 15 năm trở lại đây, làng nghề gốm sứ Bát Tràng đã đạt được những đột phá như chuyển đổi từ lò hộp nung than sang lò ga giảm thời gian nung đốt, bảo vệ môi trường; nâng cao số lượng và chất lượng sản phẩm; giảm nhân công lao động. Chất lượng xương men, kiểu dáng sản phẩm cũng đã được cải tiến đủ sức cạnh tranh với các nước. Các hộ sản xuất, kinh doanh cũng đã năng động tiếp cận thị trường quốc tế để đưa sản phẩm làng nghề ra bên ngoài. 

Mô hình sản xuất hộ gia đình cũng đã phát huy được những ưu thế quản lý từ đầu đến cuối, giảm được bộ máy trung gian, chỉ trả công cho người trực tiếp tạo ra sản phẩm, tiết kiệm được nguyên liệu, sử dụng vật tư đúng yêu cầu sản phẩm… là ưu thế vượt trội của mô hình sản xuất hộ gia đình mà các công ty Nhà nước khó làm nổi. Tuy nhiên, đây cũng là hạn chế của mô hình sản xuất hộ gia đình khi vào những đơn hàng lớn do độ đồng đều của sản phẩm không cao. Việc thống nhất giữa các hộ sản xuất cũng gặp khó khăn. Việc tiếp cận trực tiếp với thị trường xuất khẩu còn hạn chế, các hộ sản xuất thường không xuất khẩu trực tiếp mà qua khâu trung gian làm “đội” giá sản phẩm. 

Khi xuất khẩu sụt giảm, các hộ sản xuất gốm sứ làng nghề Bát Tràng nghĩ ra các phương cách để tìm kiếm thị trường, chinh phục khách hàng trong nước. Nghệ nhân ưu tú Vũ Đức Thắng cho biết, trước đây, ngày nào đường làng Bát Tràng cũng có vài chục xe lớn, xe bé đến chở hàng rầm rập. Sản phẩm gốm sứ của gia đình ông theo chân khách du lịch đi khắp các nước. Tuy nhiên, thời gian gần đây khách quốc tế ít quay trở lại Bát Tràng. Bằng niềm đam mê tạo ra các sản phẩm gốm sứ mang dấu ấn cá nhân, chứa đựng những tình yêu, cảm xúc thông qua bàn tay điêu luyện của nghệ nhân thể hiện hình ảnh chim muông, cỏ cây, hoa lá mang hồn dân tộc. Mỗi sản phẩm gốm sứ của ông là một tác phẩm. Mặc dù giá thành không rẻ nhưng sản phẩm gốm sứ của ông đã chinh phục được một bộ phận khách hàng trong nước có thú chơi tao nhã. 
 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Gia đình ông Hà Văn Lâm lại năng động trong việc tìm kiếm các đơn hàng phục vụ thị trường trong nước. Sản phẩm gốm sứ của ông rất đa dạng theo kiểu thị trường cần gì thì sản xuất cái đó. Ngôi nhà 5 tầng bề thế của gia đình ông là một đại công trường sản xuất hàng trăm mặt hàng đồ gia dụng. Mấy năm gần đây, sản xuất gốm sứ ở Bát Tràng đào thải tự nhiên, cơ sở năng lực yếu, không đủ mặt bằng thì không cạnh tranh nổi phải nghỉ còn những “lò” có năng lực vẫn làm không hết việc. Để phát triển được sản xuất thì sự năng động của chủ lò gốm là rất quan trọng, ông Lâm chia sẻ. 

Ngồi tỉ mỉ vẽ họa tiết lên những lọ gốm sứ là các bình hoa trang trí làm chụp bóng điện có để đĩa nước nhỏ hương thơm, anh Phùng Quốc Dũng, tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật quốc gia cho biết, đây là sản phẩm mới, cách làm mới vẽ thủ công “xương nổi” khi đưa ra thị trường đã được khách hàng trong nước ưa chuộng. Sản phẩm này được chụp hình giới thiệu với khách nước ngoài cũng đã nhận được phản hồi tốt. Mặc dù giá thành không rẻ nhưng chính bằng sự đổi mới kiểu dáng, mẫu mã phù hợp thị hiếu đã chinh phục được ngay cả những khách hàng khó tính. 

Theo số liệu của xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm), hàng năm, doanh thu từ nghề gốm sứ của xã đạt gần 400 tỷ đồng, nộp thuế ngoài quốc doanh đạt 3,5 tỷ đồng, đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế của xã. Để thương hiệu làng nghề tiếp tục phát triển một cách bền vững thì bên cạnh sự năng động của các hộ sản xuất rất cần sự định hướng, hỗ trợ của các ngành chức năng trong việc tổ chức sản xuất và mở rộng thị trường.

Có thể bạn quan tâm