Khắc phục khẩn cấp tình trạng sạt lở bờ sông Lô

Do tình hình biến đổi khí hậu bất thường, mực nước sông hạ thấp, dòng chảy chính thay đổi đã làm cho đoạn bờ sông Lô, địa phận tổ 8 và tổ 10, phường Nông Tiến, thành phố Tuyên Quang bị sạt lở nghiêm trọng. Trước tình trạng trên, tỉnh Tuyên Quang đã có Quyết định thực hiện Dự án khắc phục khẩn cấp tình trạng sạt lở bờ sông Lô thuộc địa bàn phường Nông Tiến.

Khac phuc khan cap tinh trang sat lo bo song Lo hinh anh 1 Một trong những vết nứt có nguy cơ gây sạt lở bờ sông Lô. Ảnh Vũ Quang – TTXVN

Theo đó, Dự án thực hiện kè gia cố bờ sông Lô khu vực sạt lở, với tổng chiều dài tuyến kè khoảng 450m bằng phương pháp đổ đá bảo vệ chân, mái kè xếp rọ đá; cụ thể như sau: Cao trình đỉnh kè +22m, chiều rộng đỉnh kè 1m, kết cấu đỉnh kè xếp 1 lớp rọ đá hộc; kết cấu chân kè bằng đá hộc thả rối… Dự án có với tổng mức đầu tư gần 15 tỷ đồng, bằng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang làm chủ đầu tư, thời gian hoàn thành trong năm 2021.

Trước đó, theo Biên bản kiểm tra tình trạng sạt lở và đề xuất giải pháp khắc phục khẩn cấp tình trạng sạt lở bờ sông Lô khu vực phường Nông Tiến, ngày 24/3/2021, do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tuyên Quang chủ trì phối hợp Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây Dựng, Công an tỉnh Tuyên Quang và UBND thành phố Tuyên Quang xác định: Qua khảo sát thực tế và phản ánh của nhân dân tình trạng sạt lở kéo dài trong nhiều năm qua, đặc biệt, trong thời gian năm 2020 và đầu năm 2021 bờ sông sạt lở với diễn biến mạnh với chiều dài có nguy cơ bị ảnh hưởng khoảng 1.700m; trong đó, nghiêm trọng nhất là khu vực tổ 8, phường Nông Tiến, đoạn sạt lở có chiều dài khoảng 450m, vách taluy cao từ 10-12m, vị trí sạt lở nằm tiếp giáp với tuyến đường dọc sông Lô đang thi công; diện tích đất sản xuất bị sạt lở khoảng 6.500m2. Ngoài ra, dọc theo bờ sông xuất hiện các vết nứt kéo dài và rất nhiều vị trí hở hàm ếch nguy hiểm mất an toàn…

Khac phuc khan cap tinh trang sat lo bo song Lo hinh anh 2Một đoạn kè chống sạt lở bờ sông Lô đang được thi công. Ảnh Vũ Quang – TTXVN

Nguyên nhân sạt lở do tình hình biến đổi khí hậu bất thường, trong những năm qua xuất hiện nhiều đợt mưa lũ trái mùa làm mực nước sông Lô có biên độ dao động lớn, kết hợp với việc vận hành các bậc thang thủy điện phía thượng nguồn làm mực nước sông hạ thấp (mực nước trung bình năm 2019-2020 là 13,94 m thấp hơn mực nước trung bình nhiều năm 2,23 m).

Ngoài ra, việc di chuyển của các tàu, thuyền trọng tải lớn theo luồng sát bờ sông tạo ra sóng ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực bờ sông trong khi địa chất bờ sông khu vực này chủ yếu là cát và đất pha cát bở rời rất dễ bị sạt lở khi có tác động…

Vũ Quang

Tin liên quan

Đề phòng lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ tại vùng núi Bắc Bộ và các tỉnh Kon Tum, Gia Lai

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục ở khoảng 23-25 độ Vĩ Bắc đang bị nén và đẩy dịch xuống phía Nam kết hợp với hội tụ gió trên mực 1.500m nên từ chiều tối 3/6, vùng núi Bắc Bộ có mưa rào và dông; từ đêm 3/6 đến ngày 4/6, Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ mưa rất to với lượng mưa phổ biến 80-150mm/đợt, có nơi trên 150mm/đợt, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại các tỉnh miền núi Bắc Bộ.


Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ nhiều khu vực

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 24/5, rãnh áp thấp kết hợp với gió mùa Tây Nam gây mưa dông mạnh ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Lượng mưa ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ phổ biến từ 150 - 300mm/đợt, ở Tây Nguyên phổ biến 200 - 450mm/đợt, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.


Hàng chục hộ dân ở Mường Xén thấp thỏm nỗi lo sạt lở đồi

Những vết nứt hình vòng cung bám theo Quốc lộ 7A liên tục được nới rộng, gần nửa quả đồi có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Bên dưới quả đồi này là dãy nhà của 15 hộ dân thuộc khối 4,5 thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Hiện, nhiều gia đình nơi đây đã buộc phải di rời đi nơi khác, nhưng một số gia đình do không có điều kiện di rời, phải cầm cự ở lại và sống trong thấp thỏm lo âu.



Đề xuất