Kết nối, chia sẻ dữ liệu về bảo hiểm, thực hiện chuyển đổi số quốc gia

Kết nối, chia sẻ dữ liệu về bảo hiểm, thực hiện chuyển đổi số quốc gia

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết đã xây dựng, hoàn thiện kho cơ sở dữ liệu của hơn 98 triệu người dân, tương ứng với gần 28 triệu hộ gia đình trên toàn quốc; kết nối liên thông với gần 13.000 cơ sở khám, chữa bệnh.

Nắm bắt xu thế chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu và định hướng, chiến lược chuyển đổi số quốc gia, cũng như sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, trong những năm qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đầu tư xây dựng hệ thống công nghệ thông tin của ngành theo định hướng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số; với quy trình nghiệp vụ tự động hóa mức độ cao; đáp ứng yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày toàn diện hơn. Tại buổi làm việc với đơn vị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá Bảo hiểm xã hội Việt Nam là một trong những cơ quan đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin; triển khai kịp thời, hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến, thanh toán điện tử, giao dịch điện tử, liên thông, giải quyết thủ tục hành chính trên trục dữ liệu quốc gia, triển khai ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số”. Đặc biệt, hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử của ngành đã hỗ trợ hiệu quả các hoạt động phòng, chống dịch thời gian qua.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam được giao là đơn vị chủ quản của Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm - một trong 6 cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng, được Chính phủ ưu tiên triển khai. Xác định rõ vai trò và trách nhiệm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã và đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật, tập trung, hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành, danh mục dữ liệu mở để sẵn sàng kết nối, chia sẻ theo chỉ đạo của Chính phủ.

Toàn ngành hiện đã xây dựng, hoàn thiện kho cơ sở dữ liệu của hơn 98 triệu người dân, tương ứng với gần 28 triệu hộ gia đình trên toàn quốc; kết nối liên thông với gần 13.000 cơ sở khám, chữa bệnh; có khoảng 620 nghìn tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trên toàn quốc… Đây là tiền đề quan trọng cho công tác tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên môi trường số.

Luôn đi đầu trong việc tham gia, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu giữa các bộ, ngành, ngay khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đưa vào vận hành, khai thác, Bảo hiểm xã hội Việt Nam là đơn vị đầu tiên được Bộ Công an triển khai kết nối, chia sẻ, đồng bộ thông tin công dân. Tính đến hết tháng 9/2022, hệ thống của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã xác thực gần 52 triệu thông tin nhân khẩu có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, cung cấp, chia sẻ trên 61 triệu lượt bản ghi thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Cơ quan này cũng đang tiếp tục đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành để “làm giàu” thêm Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp như: Kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu khai sinh, khai tử, hưởng chế độ tử tuất, mai táng phí với Bộ Tư pháp (thực hiện liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi tại 63 tỉnh, thành phố); chia sẻ dữ liệu thẻ bảo hiểm y tế cho các cơ sở để phục vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, bàn giao toàn bộ cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế cho Bộ Y tế để xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử; duy trì việc kết nối, cung cấp số liệu với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia để phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…

Liên quan đến kết nối, chia sẻ, đồng bộ thông tin phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cung cấp, chia sẻ các thông tin từ cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế phục vụ đối chiếu, đồng bộ với dữ liệu tiêm chủng cho Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch COVID-19 quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông). Đồng thời, phối hợp, cung cấp các thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm cho UBND các tỉnh, thành phố để phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Có thể thấy, với nguồn cơ sở dữ liệu bảo hiểm dồi dào và nền tảng công nghệ thông tin phủ rộng, việc kết nối liên thông, chia sẽ dữ liệu của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam với các bộ, ngành đã góp phần rất hiệu quả trong việc xây dựng Chính phủ điện tử, vì quyền và lợi ích của người dân, đơn vị và doanh nghiệp.

Với những nỗ lực trong xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, Bảo hiểm xã hội Việt Nam liên tục được đánh giá là một trong những bộ, ngành dẫn đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số. Trong 4 năm liên tiếp từ 2017 đến 2020, Bảo hiểm xã hội Việt Nam được đánh giá là cơ quan triển khai hiệu quả và được xếp hạng 2 trong khối bộ, ngành; đứng thứ nhất bảng xếp hạng Chính phủ điện tử khối cơ quan thuộc Chính phủ. Mới đây, tại Báo cáo Chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021 do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đứng thứ 3 trong Bảng xếp hạng và đứng đầu trong Khối cơ quan Trung ương thuộc Chính phủ. Trong xếp hạng Chuyển đổi số, cơ quan này có nhiều chỉ số chính đạt thứ hạng cao như: Nhân lực số xếp thứ 1; hoạt động chuyển đổi số xếp hạng thứ 2 và nhận thức số xếp hạng thứ 3.

Vân Phương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm