Kéo dài “tuổi thọ” những công trình 135 dựa vào cộng đồng

Kéo dài “tuổi thọ” những công trình 135 dựa vào cộng đồng

Phát biểu tại Hội thảo, ông Sơn Phước Hoan, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT cho biết: Từ khi thực hiện Chương trình 135, các xã miền núi ĐBKK đã được đầu tư xây dựng hàng trăm ngàn công trình hạ tầng lớn, nhỏ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi, góp phần giảm nghèo nhanh đối với đồng bào tại các vùng ĐBKK. Tuy nhiên, những công trình này được xây dựng trên các địa bàn chia cắt phức tạp, chi phí lớn hơn các vùng khác. Đối tượng thụ hưởng là đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, nguồn lực hạn chế nên việc đảm bảo kéo dài tuổi thọ với những công trình phục vụ sản xuất và đời sống của đồng bào có phần hạn chế. Trong quá trình sử dụng, nhiều công trình xuống cấp, hiệu quả sử dụng thấp.

 

Từ thực trạng đó, từ năm 2008, UBDT đã tham mưu đề xuất với Chính phủ cần có một hợp phần duy tu, bảo dưỡng, bảo trì, kéo dài tuổi thọ các công trình được xây dựng trên địa bàn ĐBKK. Và từ năm 2008 đến nay, UBDT đã bố trí mỗi xã khoảng 60 triệu đồng, mỗi thôn khoảng 12 - 15 triệu đồng. Cùng với đó, UBDT cũng đã xây dựng sổ tay hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện, duy tu bảo dưỡng các công trình sau đầu tư.

                                          
Đường nông thôn xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành (Kiên Giang) được xây dựng từ nguồn vốn chương trình 135. ẢNH: Lê Sen- TTXVN
 Đường nông thôn xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành (Kiên Giang) được xây dựng từ nguồn vốn chương trình 135. ẢNH: Lê Sen- TTXVN

Vì thế, việc thực hiện duy tu bảo dưỡng đối với các công trình sau đầu tư của Chương trình 135 trong thời gian qua đã đạt được những kết quả thiết thực, góp phần nâng cao tuổi thọ, phát huy hiệu quả lâu dài của các công trình được triển khai tại các xã ĐBKK. Hoạt động duy tu, bảo dưỡng được thực hiện ở tất cả các công trình quy mô nhỏ như: công trình nước sinh hoạt, trường lớp học, trạm y tế, đường giao thông, kênh mương nội đồng... Việc duy tu, bảo dưỡng chủ yếu do xã làm chủ đầu tư và được giao cho các nhóm thợ thuộc cộng đồng dân cư trực tiếp thực hiện. Nhờ vậy, chất lượng công trình được đảm bảo, huy động được nguồn lực từ cộng đồng và nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng dân cư đối với các công trình dân sinh tại địa phương.

 

Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm của các địa phương huy động được sự tham gia của cộng đồng dân cư, huy động được các nguồn lực; Kinh nghiệm thúc đẩy phân cấp cho các xã; Cộng đồng làm chủ đầu tư, duy tu bảo dưỡng công trình quy mô nhỏ... Các đại biểu cũng thảo luận, nêu rõ những vướng mắc về cơ chế, chính sách trong việc tổ chức cộng đồng thực hiện duy tu bảo dưỡng công trình hạ tầng nông thôn; Đồng thời, đề xuất các giải pháp tháo gỡ những rào cản về cơ chế, chính sách cũng như các biện pháp nâng cao vai trò, năng lực của cộng đồng... nhằm đề xuất điều chỉnh chính sách thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020.

Theo VOV4

Có thể bạn quan tâm