Kaly Trần làm mới âm nhạc dân gian Tây Nguyên

Kaly Trần làm mới âm nhạc dân gian Tây Nguyên
Kaly Trần, chàng trai Ba na ở làng Kon klor, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Tốt nghiệp Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội, sở hữu giọng hát thiên phú, chơi thành thạo nhiều nhạc cụ, vậy nhưng thay vì trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp, Kaly lại chọn trở về quê hương tìm tòi, chế tác những nhạc cụ truyền thống.

"Vì chế tác hiện tại đang bị mai một. Đặc biệt, những người trẻ như tôi rất là ít. Nhiều người nói tôi tại sao đi học chuyên nghiệp xong, một nghệ sĩ biểu diễn chuyên nghiệp lại bỏ Sài Gòn về quê hương. Mình thấy văn hóa của mình đang cần có những người am hiểu về để phục hồi, làm sao phổ quát, chuyên, hay để mọi người thích. Vì thế Kaly quyết về với quê hương chứ không làm việc cho một đơn vị nào hết. Người ta cần thì Kaly cộng tác, còn lại dành thời gian nghiên cứu và chế tác".
 
Kaly Trần biểu diễn tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội)
Kaly Trần biểu diễn tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội)

Cha là nghệ nhân cồng chiêng có tiếng trong làng, từ nhỏ, Kaly đã được ông chỉn chu cho từng tiếng chiêng. Và cũng từ đó nhen nhóm trong anh tình yêu với âm nhạc dân tộc. Càng học cao, càng quan sát nhiều, Kaly thấy cồng chiêng truyền thống đã không còn thu hút giới trẻ, cần phải tạo ra sự tươi mới, lôi cuốn hơn, mới mong khơi được tình yêu của thế hệ trẻ với nhạc cụ các dân tộc Tây Nguyên.

Bộ cồng chiêng truyền thống chỉ có 3 cồng, 11 chiêng, thì Kaly cải tiến thành bộ gồm 16 chiêng, 12 cồng, kết hợp với nhiều loại nhạc cụ khác, âm thanh đa dạng hơn, thực hiện được nhiều giai điệu phong phú.
 
"Âm nhạc Tây Nguyên mình có 5 âm mà, nó na ná nhau. Mình muốn quảng bá trong và ngoài nước, để người ta biết được cồng chiêng Tây nguyên, thế là mình có gắng phát triển làm sao đánh được những tác phẩm nước ngoài, tất cả các loại bài hát" - Kaly nói.

Ngoài cồng chiêng, Kaly Trần còn có thể chế tác, cải tiến và chơi thông thạo gần 20 loại cụ khác nhau như đàn đá, đàn tơ-rưng, đinh-pút..v..v. Với Kaly Trần, để bảo tồn âm nhạc Tây Nguyên thì việc phục chế, làm mới nhạc cụ là chưa đủ mà còn cần tạo dựng được sân chơi, khơi dậy lòng tự hào và cảm hứng với vốn văn hóa truyền thống dân tộc. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp Đại học năm 2015, Kaly Trần bắt đầu xây dựng một nhóm nhạc dân gian thu hút không chỉ giới trẻ mà cả những người trung tuổi tham gia.

Nhóm nhạc do Kaly Trần thành lập có tên gọi là Nhóm nhạc dân gian Kaly band, chuyên sử dụng nhạc cụ dân tộc do anh chế tác, đã từng tham gia một số cuộc văn nghệ lớn, tiêu biểu là Tuần lễ Đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, Liên hoan nghệ thuật dân gian Tây Nguyên. Hiện, Kaly band có 120 thành viên, gồm 45 nhạc công và 85 diễn viên biểu diễn xoang, cà kheo, múa rối: "Họ là những người dân bình thường, làm nương làm rẫy thôi".
 
Kaly muốn tạo điều kiện cho bà con có sân chơi: "Kaly muốn quảng bá, phổ quát rộng rãi hơn để cho từ giới trẻ đến người lớn mới thấy rằng: à, âm nhạc Tây Nguyên mình phong phú, sân khấu cũng sử dụng được nó, không chỉ sử dụng trong buôn làng, mình có thể đánh được tất cả mọi nơi".

Những ngày đầu thành lập, không mấy người quan tâm. Động viên con cháu, anh em trong dòng tộc tham gia trước tiên, Kaly Trần bắt đầu đào tạo và đưa nhóm nhạc vào biểu diễn phục vụ bà con đến lễ nhà thờ và vào mỗi buổi tối rảnh rỗi, nhằm thu hút sự chú ý và tìm kiếm các thành viên tiềm năng. 
 
"Nhà thờ là nơi người ta đi lễ cầu nguyện, sẽ rất là đông. Đặc biệt nhà thờ ngày nào cũng lễ, nên âm nhạc của Kaly sử dụng trong nhà thờ là sân chơi chính. Hiện tại Kaly đang giúp một số nhà thờ dàn dựng các bài cho các em. Các thánh lễ mình không dùng piano, organ, mình dùng chính nhạc cụ của mình để hát".
 
Và ban nhạc của anh đã có đất diễn, có khán giả, có người yêu mến.
Theo vov4.vov.vn

Có thể bạn quan tâm