Huyện Xín Mần (Hà Giang) nỗ lực tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp

Huyện Xín Mần (Hà Giang) nỗ lực tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp

Xín Mần là một huyện khó khăn của tỉnh Hà Giang, điều kiện thời tiết, khí hậu và thổ nhưỡng không được thuận lợi. Để có thể phát triển nông nghiệp một cách bài bản, huyện đã tổ chức xây dựng chương trình trọng tâm và lựa chọn các cây, con có thế mạnh để tập trung chỉ đạo phát triển vùng sản xuất hàng hóa. Chuyển từ canh tác nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, thu hút đầu tư, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp đã giúp nông dân huyện Xín Mần tăng thu nhập.

Từ năm 2019, nông dân huyện Xín Mần mừng vui vì đã có đầu ra cho sản phẩm nông sản của địa phương. Trước kia, việc nuôi trồng chủ yếu phục vụ nhu cầu của gia đình, một phần cung cấp tại địa phương, nay các mặt hàng nông sản đã được xuất bán cho doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Huyện Xín Mần (Hà Giang) nỗ lực tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp ảnh 1Người dân thôn Xín Mần trồng Củ cải liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm. Nguồn: baohagiang.vn

Ông Sùng Văn Sinh, Trưởng thôn Suôi Thầu, thị trấn Cốc Pài, huyện Xín Mần cho biết, từ khi có các dự án liên kết bao tiêu sản phẩm nông nghiệp, cùng với nguồn vốn hỗ trợ cây, con giống và phân bón cho bà con, đời sống của người dân được cải thiện. “Gia đình tôi từ trước tới nay trồng gừng. Những năm trước, thương lái thu mua giá bấp bênh. Nay có được sự liên kết với các công ty, đầu ra của sản phẩm được giải quyết, tôi rất yên tâm” – ông Sinh chia sẻ.

Ông Ngô Văn Tăng, Phó Chủ tịch UBND huyện Xín Mần cho biết, sau 2 năm tổ chức thực hiện, huyện đã xây dựng và ban hành chương trình trọng tâm trong lĩnh vực nông nghiệp, tập trung vào những cây, con có thế mạnh, có thể tạo thành vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh. Cùng với đó, huyện xây dựng chuỗi liên kết trong giai đoạn tới. Trong năm 2021 và đầu năm 2022, huyện tiếp tục kết nối với các trường đại học, viện khoa học, doanh nghiệp để nâng cao chất lượng và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho người dân.

Bước đầu, huyện Xín Mần đã kết nối với hai doanh nghiệp thực hiện xây dựng chuỗi liên kết, thu mua và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Nam MISAKI và Công ty Cổ phần Nông nghiệp tốt để tập trung vào các cây rau màu có thế mạnh và có thể sản xuất trái vụ, đảm bảo vùng nguyên liệu phục vụ chế biến. Đánh giá bước đầu trồng củ cải và gừng cho hiệu quả kinh tế cao hơn trồng ngô từ 3 đến 4 lần.

Tính đến hết tháng 3/2022, huyện Xín Mần đã xây dựng 11 dự án với kinh phí hỗ trợ dự kiến trên 16 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách và sự đóng góp của người dân, doanh nghiệp. Trong đó điển hình là Dự án chăn nuôi trâu, bò vỗ béo theo chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tại các xã Bản Ngò, Tả Nhìu và Cốc Rế liên kết với Hợp tác xã Vai Lung và Hợp tác xã Cốc Rế; Dự án chăn nuôi lợn đen thương phẩm, lợn nái sinh sản theo hướng nông nghiệp sạch được liên kết theo chuỗi giá trị với Hợp tác xã Sông Chảy. Dự án trồng chuối tiêu, trồng mướp đắng rừng, trồng lúa Già Dui, chè Shan tuyết… đều theo chuỗi liên kết giá trị và bao tiêu sản phẩm với các hợp tác xã và doanh nghiệp.

Huyện Xín Mần (Hà Giang) nỗ lực tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp ảnh 2Người dân thôn Xín Mần trồng Củ cải liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm. Nguồn: baohagiang.vn

Đặc biệt, trong năm 2021 và đầu năm 2022, các dự án trồng rau hữu cơ, trồng củ cải và bắp cải được liên kết theo chuỗi giá trị với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Nam MISAKI và Công ty Cổ phần Nông nghiệp tốt đã tạo ra một triển vọng về đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của địa phương.

Dự án liên kết trồng rau hữu cơ, củ cải, bắp cải, súp lơ và gừng trâu theo chuỗi giá trị được liên kết với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Nam MISAKI với tổng diện tích trên 14 ha; Dự án trồng rau hữu cơ, củ cải, bắp cải, súp lơ, cải thảo và cà rốt theo chuỗi giá trị được liên kết với Công ty Cổ phần Nông nghiệp tốt với tổng diện tích trên 12 ha.

Nhận thấy đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp là mấu chốt để nông nghiệp phát triển bền vững, huyện Xín Mần đã tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, kêu gọi đầu tư, từng bước cải thiện chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo mối liên kết theo chuỗi giá trị, sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.

Huyện Xín Mần đã và đang vận dụng các chính sách, từ các chương trình mục tiêu, kêu gọi đầu tư của các doanh nghiệp để hỗ trợ người dân; đứng ra bảo tiêu sản phẩm thực hiện chuỗi liên kết đảm bảo ổn định và chặt chẽ.

Mặc dù thời gian qua, trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19, với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Xín Mần, đặc biệt với việc thực hiện Chương trình số 15-Ctr/HU của Đảng bộ huyện Xín Mần về phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, đến này bước đầu có sự chuyển biến nhận thức trong nhân dân về phát triển kinh tế, đặc biệt là việc áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất.

Ông Cháng Văn Kinh, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Xín Mần cho biết, toàn huyện có 17 sản phẩm OCOP, trong đó có 2 sản phẩm đạt 4 sao cấp tỉnh, còn lại đạt 3 sao. Ngành Nông nghiệp huyện đã và đang tiếp tục cùng chính quyền địa phương đẩy mạnh việc áp dụng khoa học, công nghệ và kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cho người dân nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.

Quan tâm đến quy trình, kỹ thuật gắn với liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm là hướng đi bền vững trong ngành Nông nghiệp đang được huyện Xín Mần thực hiện.

Các mô hình sản xuất mới, tập trung vào những cây, con có thế mạnh của từng địa phương, tạo vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh tại các xã trên địa bàn huyện Xín Mần đã mang lại hiệu quả nhất định, có sản phẩm xuất bán ra thị trường trong và ngoài nước, tạo động lực cho phát triển nông nghiệp, từ đó tăng thu nhập cho người dân.

Nguyễn Chiến

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm