Huyện vùng núi Nam Đông thiếu nước sạch trầm trọng

Diễn ra đã nhiều năm nhưng năm nay tình trạng thiếu nước sạch tại huyện vùng núi Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế càng trầm trọng hơn. Khoảng 3.000 hộ dân nơi đây đang phải chật vật tìm nguồn nước dùng, thậm chí chấp nhận sử dụng nguồn nước “bẩn” để rồi đối mặt với nhiều bệnh tật liên quan đến tiêu hóa, gan.

Huyen vung nui Nam Dong thieu nuoc sach tram trong hinh anh 1Người dân xã Hương Hữu, huyện Nam Đông sử dụng một nguồn nước duy nhất để nấu ăn và tắm rửa. Ảnh: Mai Trang-TTXVN

Dù chưa đến đỉnh điểm nhưng nắng nóng tại vùng núi Nam Đông - “chảo lửa” của tỉnh Thừa Thiên - Huế - đang diễn ra rất khắc nghiệt, nhiệt độ luôn giữ ở mức cao từ 39 - 42 độ C. Mưa dông chỉ rải rác xuất hiện sau 7-10 ngày nắng lớn. Vấn đề đặt ra hiện nay là 5 xã (Thượng Long, Thượng Quảng, Hương Hữu, Hương Giang và Hương Nhật) thuộc huyện đang thiếu nước sạch sử dụng trầm trọng. Thời tiết khắc nghiệt đã khiến nguồn nước tự chảy - nguồn nước duy nhất mà bà con sử dụng sinh hoạt, tưới tiêu những năm qua - cạn kiệt và ô nhiễm.

Mùa nắng năm nay, để có nước sạch nấu ăn, từ sáng sớm, anh Nguyễn Văn Xom ( thôn 6, xã Hương Hữu) đã phải xách can nhựa vào Khe Vôn trong thôn để lấy nước sử dụng. Đây là nguồn nước duy nhất mà khoảng 80 hộ dân, hơn 350 nhân khẩu nơi đây phải “bám víu” để dùng tạm qua ngày. Chừng ấy hộ dân phải phân chia nhau thời gian đi lấy để tránh phải “rồng rắn” đợi chờ.

Nước khe Vôn không chỉ để nấu ăn, làm thức uống mà còn được bà con thôn 6 tận dụng làm nước giặt áo quần, tắm rửa. Dân cư ngày càng đông lại thêm người và gia súc cùng sử dụng nên chẳng mấy chốc nguồn nước hạn chế ở đây dần trở nên nhiễm bẩn, mất vệ sinh. “Biết là bẩn rồi nhưng chẳng còn nước nơi nào khác để nấu ăn nên mọi người đành phải sử dụng nước khe Vôn mà thôi. Chừng ấy nước chưa đủ để sinh hoạt nên cây cối trong thôn cũng chết dần. Giờ trong thôn cũng chẳng ai còn mặn mà trồng cây hay làm ruộng nữa” - anh Xom chia sẻ.

Hương Hữu là xã không có sông ngòi, mưa lại hiếm, các giếng khoan lâu năm cũng khô cạn, bà con các thôn 4, 5, 6 và 7 phải xuống các kênh mương nước tưới tiêu cho ruộng để lấy nước đưa về sử dụng sinh hoạt, phục vụ ăn uống. Một số vùng trên nguồn từ trước đến nay phụ thuộc vào công trình nước tự chảy nhưng do lâu ngày không được duy tu, bảo dưỡng cũng trở nên xuống cấp, vỡ nhiều đường ống. Nước đã hiếm, gia súc lại hay đến uống nên người dân phải tranh thủ từ sáng sớm đến được các khe suối xa vùng lân cận để lấy nước. Nước đưa về, bà con phải sử dụng dè chừng từng chút sao cho vừa đủ nấu ăn và uống.

Khổ cực không kém người dân xã Hương Hữu, bà con 4 xã còn lại với hơn 2.000 hộ dân đang phải sử dụng nước sinh hoạt lấy từ khe suối, giếng đào chưa qua xử lý, thường xuyên bị nhiễm phèn, chua. Để đối phó tạm thời với vấn nạn thiếu nước này, huyện Nam Đông đã phải bỏ kinh phí ra để đào, khoan giếng phục vụ ưu tiên tại trạm y tế và các học sinh bán trú trong các trường học. Đối với các hộ dân, huyện tích cực vận động người dân nạo vét, cải tạo các giếng nước đã có để giải quyết nhu cầu cấp thiết hiện nay. Tuy nhiên, dù khoan giếng sâu vẫn không thể tìm được mạch nước nào phục vụ cơn “khát” của bà con.

Ông Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Nam Đông cho biết, những năm gần đây, cứ vào cao điểm nắng nóng, các bệnh như đột quỵ, tim mạch, gan, tiêu chảy và ngộ độc trong nhân dân diễn ra rất nhiều. Dù biết bệnh tật, người dân vẫn phải chấp nhận sử dụng những nguồn nước không đảm bảo để sử dụng.

Không chỉ người dân điêu đứng vì nước, 94 ha lúa nước của huyện Nam Đông đang bị ảnh hưởng bởi nắng nóng, thiếu nước; trong đó, 17 ha lúa không có hệ thống nước tưới tiêu và phải phụ thuộc hoàn toàn vào mưa. Vì vậy, địa phương đã chuyển đổi 43 ha lúa nước sang trồng cây hoa màu như đậu, ngô... và rà soát, xem xét những nơi có nguồn nước, cải tạo kênh mương giúp bà con trồng trọt hiệu quả, đảm bảo nước tưới tiêu. Với những ruộng lúa Đông Xuân, huyện phải tổ chức điều tiết nước, luân phiên tưới tiêu cho các ổ ruộng của bà con.

Huyen vung nui Nam Dong thieu nuoc sach tram trong hinh anh 2 Đồng ruộng nứt nẻ vì nắng hạn, thiếu nước tại xã Hương Hữu, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ảnh: Mai Trang-TTXVN

Theo ông Hồ, qua các đợt tiếp xúc cử tri, bà con phản ánh rất nhiều về vấn đề thiếu nước. Tỉnh đã quan tâm, phê duyệt dự án Nhà máy nước Thượng Long nhằm cung cấp nước sạch cho xã Thượng Long và các xã lân cận. Để góp phần nhanh chóng đảm bảo an sinh cho người dân, huyện đã chủ động giải phóng xong mặt bằng và cây cối với diện tích khoảng 1 ha phục vụ dự án. Các đường ống dẫn về các xã đã được đào, lắp chờ nhà máy nước hoạt động. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn chưa triển được triển khai.

Dự án đầu tư, xây dựng Nhà máy nước Thượng Long được Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt từ năm 2018 với tổng mức đầu tư hơn 50 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn còn trên giấy tờ do khó khăn thủ tục. Tháng 2/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh đã điều chỉnh dự án Nhà máy nước Thượng Long, công suất 2.000 m3 ngày/đêm và mạng lưới cấp nước cho các xã lân cận của huyện Nam Đông. Đây là một trong những dự án trọng điểm của năm nay đối với huyện Nam Đông nhằm đưa nước sạch về dân bản. Đến nay, Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư để thực hiện.

Hiện nay, tỉnh đã bố trí 13 tỷ đồng cho dự án này. Dự kiến, muộn nhất trong tháng 8/2020, dự án sẽ được khởi công đảm bảo có nước sạch cho bà con vùng cao 5 xã huyện Nam Đông.

Mai Trang

Tin liên quan

Phản hồi thông tin của TTXVN: UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo khắc phục thiếu nước sinh hoạt tại xã miền núi Ea Bar ​

Sau khi Thông tấn xã Việt Nam có thông tin phản ánh tình trạng hàng trăm hộ dân xã miền núi Ea Bar, huyện Sông Hinh (Phú Yên) "khát" nước sinh hoạt do phần lớn giếng đào của người dân đã cạn kiệt trước tình trạng nắng hạn kéo dài, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp với UBND huyện Sông Hinh khảo sát thực tế, lập phương án khắc phục thiếu nước sinh hoạt tại địa phương.


Bất đồng giữa chính quyền xã và doanh nghiệp, hơn 500 hộ dân thôn Sơn Trà thiếu nước sinh hoạt

Hai năm trở lại đây, nguồn nước sinh hoạt của người dân thôn Sơn Trà, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, bị nhiễm phèn, nhiễm mặn nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của hơn 500 hộ dân. Dù đã có hệ thống dẫn nước sạch về thôn, nhưng bất đồng giữa chính quyền và doanh nghiệp lắp đặt hệ thống cấp nước chưa được giải quyết khiến người dân vẫn chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt.


Phú Yên: Người dân xã vùng cao Ea Bar "khát" nước sinh hoạt

Xã vùng cao Ea Bar, huyện Sông Hinh (Phú Yên) có 1.500 hộ chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số Ê Đê, Tày, Dao, Nùng cùng sinh sống. Do nắng hạn kéo dài đã khiến hơn 200 giếng đào của người dân 4 buôn đặc biệt khó khăn của xã (các buôn Thứ, Chung, Quen, Trinh) bị cạn kiệt, người dân đang phải chật vật từng ngày tìm kiếm nguồn nước sinh hoạt.


Gia Lai nỗ lực để người dân không thiếu nước sinh hoạt do hạn hán

Hiện nay, Gia Lai đang bước vào giai đoạn chuyển mùa, từ mùa khô sang mùa mưa. Tuy nhiên, do thời gian mùa khô nhiều nên tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người dân. Trước tình trạng đó, tỉnh Gia Lai đã có những giải pháp về trước mắt và lâu dài nhằm cung cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân, đảm bảo không để hộ dân nào bị thiếu nước sinh hoạt do hạn hán.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Xử lý kịp thời tình hình hạn mặn, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân

Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đã xuất hiện sớm hơn so với mùa khô năm 2015-2016, ở mức độ gay gắt và sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian còn lại của mùa khô, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Trước tình hình đó, chiều 8/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có chuyến thị sát tại Bến Tre và làm việc với lãnh đạo một số bộ, ngành và các tỉnh: Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Cà Mau.


Kon Tum khan hiếm nguồn nước tưới, nước sinh hoạt

Mặc dù mới bước vào đầu mùa khô, nhưng tỉnh Kon Tum đã xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước sinh hoạt, người dân tại nhiều địa phương ở Kon Tum đang phải chật vật đi tìm nguồn nước sinh hoạt, hàng ngàn hecta cây công nghiệp, lúa và hoa màu đang đứng trước nguy cơ thiếu nước tưới.


Khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người dân huyện Hòn Đất

Trước và trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 vừa qua, gần 100 hộ dân sinh sống tại khu phố Tri Tôn, thị trấn Hòn Đất, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, rơi vào tình trạng thiếu nước cục bộ, gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hàng ngày. Hiện Chi nhánh Cấp nước Hòn Đất (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Cấp thoát nước Kiên Giang) đã khắc phục và ổn định nguồn nước sinh hoạt cho người dân.



Đề xuất