Huyện vùng cao Võ Nhai dồn lực để giảm 3% số hộ nghèo

Mô hình phát triển nghề nông thôn phục vụ xóa đói giảm nghèo của HTX mỳ bún khô Tiến Diện, xã Tràng Xá (huyện Võ Nhai). Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN
Mô hình phát triển nghề nông thôn phục vụ xóa đói giảm nghèo của HTX mỳ bún khô Tiến Diện, xã Tràng Xá (huyện Võ Nhai). Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN

Võ Nhai là huyện vùng cao duy nhất của tỉnh Thái Nguyên với hơn 70% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, địa hình chia cắt, chủ yếu là đồi núi cao, còn 59 xóm bản thuộc diện đặc biệt khó khăn. Việc áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật và phát huy lợi thế về địa hình để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, phát triển kinh tế trang trại trong khu vực nông thôn còn nhiều hạn chế, khiến triển khai chương trình xóa đói giảm nghèo trên địa bàn gặp không ít khó khăn, trở ngại.

Huyện vùng cao Võ Nhai dồn lực để giảm 3% số hộ nghèo ảnh 1Nông dân xã La Hiên chăm sóc vườn na sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN

Theo kết quả sơ bộ rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, số hộ nghèo của toàn huyện là 3600 hộ, chiếm 20,29%, số hộ cận nghèo gần 1.400 hộ, chiếm 7,71%.

Huyện vùng cao Võ Nhai dồn lực để giảm 3% số hộ nghèo ảnh 2Mô hình phát triển nghề nông thôn phục vụ xóa đói giảm nghèo của HTX mỳ bún khô Tiến Diện, xã Tràng Xá (huyện Võ Nhai). Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, huyện Võ Nhai đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong thực hiện công tác giảm nghèo, nâng cao năng lực và nhận thức cho cán bộ và người dân về giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới. Huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân vươn lên thoát nghèo, tập trung phát triển sản xuất, hỗ trợ dạy nghề, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất chuyên canh, hỗ trợ các hoạt động chuyển giao kỹ thuật để hướng dẫn cách làm ăn cho hộ nghèo. Đồng thời, huyện huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giảm nghèo bền vững... Bước đầu, một số mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bằng trồng cây ăn quả, phát triển chăn nuôi gia súc tại các xã: La Hiên, Phú Thượng, Tràng Xá... đã đem lại hiệu quả, mở ra nhiều hướng đi mới trong công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Huyện vùng cao Võ Nhai dồn lực để giảm 3% số hộ nghèo ảnh 3Người dân xóm Cầu Nhọ, xã Tràng Xá, Võ Nhai phát triển nghề làm mỳ, bún khô để tăng thu nhập. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN

Trong giai đoạn mới, huyện Võ Nhai đặc biệt chú trọng công tác đào tạo nghề, quan tâm phát triển các hoạt động sinh kế tại chỗ nhằm phát huy lợi thế của địa phương, ưu tiên đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động người dân tộc thiểu số, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tăng 1,4%/năm; tạo điều kiện cho lao động nông thôn làm việc tại các doanh nghiệp, hỗ trợ điều kiện sinh kế, tạo việc làm tại chỗ cho người dân. Huyện Võ Nhai cũng khuyến khích phát triển mô hình hợp tác xã tại các xã, thôn, bản bằng những chính sách cụ thể để các hợp tác xã có thể trở thành những hạt nhân hỗ trợ cho những hộ nghèo xung quanh, làm "bệ đỡ" cho người nghèo thông qua các hoạt động tiếp nhận lao động nghèo, đào tạo nguồn nhân lực cho hộ nghèo.

Huyện vùng cao Võ Nhai dồn lực để giảm 3% số hộ nghèo ảnh 4Mô hình nuôi bò sinh sản để xóa đói giảm nghèo của gia đình anh Hoàng Văn Luyện, xóm Cầu Nhọ, xã Tráng Xá (Võ Nhai). Ảnh: Hoàng Nguyên – TTXVN

Đặc biệt, huyện tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án "Phát triển du lịch huyện Võ Nhai giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030" và Đề án "Phát triển nông, lâm nghiệp huyện Võ Nhai giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030". Theo đó, huyện tiếp tục hỗ trợ xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế nông, lâm nghiệp, tiến tới sản xuất các sản phẩm hàng hóa an toàn, có sức cạnh tranh cao, đầu ra ổn định; phát triển các mô hình dịch vụ du lịch sinh thái, du lịch gắn với bảo tồn các di tích và các lễ hội truyền thống, ẩm thực, du lịch khám phá hang động, mạo hiểm... coi đây chính là bước đột phá trong công tác thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững tại địa phương...

Huyện vùng cao Võ Nhai dồn lực để giảm 3% số hộ nghèo ảnh 5

Nông dân xóm La Đồng, xã La Hiên, huyện Võ Nhai thu hoạch na sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Ảnh: Hoàng Nguyên – TTXVN

Ông Dương Văn Toản, Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai cho biết, huyện phấn đấu đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3%, hộ cận nghèo giảm 1%, đảm bảo người nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sinh hoạt và tiếp cận các thông tin, 100% người nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế, 100% số hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu vay vốn tín dụng ưu đãi được vay vốn, được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh... Để đạt được mục tiêu này, huyện triển khai có hiệu quả phong trào "Thái Nguyên chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau"; tuyên truyền cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo hiểu được trách nhiệm vươn lên thoát nghèo, loại bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên của mỗi hộ nghèo, giúp công tác giảm nghèo đạt hiệu quả cao…

Huyện vùng cao Võ Nhai dồn lực để giảm 3% số hộ nghèo ảnh 6Mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ tại thôn Hợp Nhất, xã Tràng Xá, Võ Nhai đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Hoàng Nguyên – TTXVN
Huyện vùng cao Võ Nhai dồn lực để giảm 3% số hộ nghèo ảnh 7Xây dựng đường giao thông nông thôn tại xã Thần Sa, huyện Võ Nhai. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN

Huyện Võ Nhai tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách phát triển kinh tế-xã hội theo hướng tập trung huy động các nguồn lực đầu tư theo phân kỳ giai đoạn 2022-2025 theo các chương trình mục tiêu quốc gia đã và đang thực hiện gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư một cách hiệu quả theo các chương trình, dự án cụ thể...

Hoàng Thảo Nguyên

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm