Huyện U Minh Thượng: Người nuôi tôm có thu nhập ổn định nhờ xen canh

Huyện U Minh Thượng: Người nuôi tôm có thu nhập ổn định nhờ xen canh
Độ mặn tăng cao ảnh hưởng đến người nuôi tôm . Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN
 Độ mặn tăng cao ảnh hưởng đến người nuôi tôm .
Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN
Vụ tôm nuôi này, bà con huyện U Minh Thượng thả nuôi tổng diện tích 8.908 ha với các loại tôm sú, thẻ chân trắng và tôm càng xanh. Đến thời điểm này đã thu hoạch xong hơn 50% tổng diện tích thả nuôi, năng suất bình quân đạt gần 200 kg/ha, giảm so cùng kỳ gần 100 kg/ha. Theo ông Phạm Duy Tân, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện U Minh Thượng, sản lượng sụt giảm là do thời tiết nắng nóng kéo dài, nước mặn về sớm hơn mọi năm. Do vậy, vào cuối tháng 3/2020, đã có 421 ha tôm bị chết một phần do thời tiến nắng nóng và 1,8 ha do bị đốm trắng trên tôm. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng dịch COVID-19, tình hình giá tôm có giảm. Thế nhưng bù lại, để không bỏ phí ở cùng diện tích, người dân nghĩ ra cách “nuôi tôm xen tôm với cua” nâng cao mức thu nhập trên cùng một diện tích. Theo đó, trên cùng diện tích nuôi tôm sú hoặc thẻ chân trắng, nông dân còn thả nuôi ghép các đối tượng khác, như tôm càng, cua hoặc thủy sản khác. Vì vậy, khi giá con tôm và năng suất sụt giảm, nông dân vẫn có thu nhập thêm các loài khác trên cùng diện tích ổn định. Ông Nguyễn Việt Triều, ngụ ấp Cạn Ngọn A, xã Thạnh Yên, thả nuôi 105.000 con tôm sú trên diện tích 5 ha theo hình thức xen kẻ tôm càng xanh, tôm thẻ chân trắng và cua biển. Do chọn con giống tốt, nên mặc dù thời tiết bất lợi nhưng tôm nuôi gia đình ông Triều phát triển tốt, thu hoạch năng suất đạt trên 220 kg/ha, giảm so với cùng kỳ năm trước khoảng 20%, nhưng vẫn còn lãi 50 triệu đồng/ha. Theo bà con nuôi tôm trên địa bàn huyện U Minh Thượng, ít nhiều cũng ảnh hưởng bởi thời tiết nắng nóng, nhưng vẫn ít thiệt hại hơn so với các huyện trong toàn vùng U Minh Thượng. Giá tôm sụt giảm từ 20.000 - 30.000 đồng/kg, hiện tại giá thương lái mua tôm sú loại 40 con/kg chỉ còn 135.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Tấn Đức, nông dân ấp Cạn Ngọn A, xã Thạnh Yên cho biết, giá tôm sụt giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19, xuất bán ra thị trường nội tỉnh, ngoài tỉnh cũng khó. Trước đây khi không có thương lái thu mua xuất khẩu thì vẫn bán thị trường nội tỉnh, ngoài tỉnh ở mức giá chấp nhận được. Nhưng nay, mỗi kg tôm nông dân mất từ 20.000 - 30.000 đồng là cao. Ông Phạm Duy Tân, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện U Minh Thượng cho biết, giá tôm sụt giảm là tình hình chung của cả tỉnh chứ không phải riêng khu vực vùng U Minh Thượng. Điều cần tập trung bây giờ là bà con còn diện tích nuôi tôm chưa thu hoạch cần bình tỉnh, tập trung quan trắc môi trường nước, lựa chọn thời điểm tích nước vào vuông nuôi phù hợp; thường xuyên theo dõi tôm nuôi, tuân thủ theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông để có hướng xử lý phù hợp. Dù giá tôm trên thị trường có giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước, nhưng nhờ chủ động chăm sóc tôm ngay từ đầu vụ nên sản lượng tôm không giảm nhiều so với cùng kỳ. Số diện tích bị thiệt hại tương đối nhiều nhưng chi phí không cao, do người dân chỉ thiệt hại phần con giống ban đầu. Số diện tích thiệt hại, bà con đang thả nuôi lại hơn tháng, hiện nay đang ổn định và mong sẽ có một mùa tôm nuôi đạt năng suất, giá cả cũng sẽ nhích lên khi dịch COVID-19 đang có dấu hiệu khả quan.
Lê Sen

Có thể bạn quan tâm