Huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) di dời 870 hộ dân vùng có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn

Huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) di dời 870 hộ dân vùng có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn

Huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi là một trong 4 địa phương được UBND tỉnh chỉ đạo phải di dời, sơ tán người dân ở những khu vực đã và đang xảy ra sạt lở đến nơi tránh trú an toàn để ứng phó với bão số 10 và mưa lớn.

Huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) di dời 870 hộ dân vùng có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn ảnh 1 2 nhịp cầu dân sinh tại xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây bị nước lũ cuốn chia cắt nhiều khu dân cư. Ảnh: Lê Ngọc Phước

Ông Nhâm Xuân Sỹ, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Ngãi cho hay, từ đêm mùng 4/11, tỉnh Quảng Ngãi có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 250- 350 mm/đợt. Do vậy, nguy cơ lớn xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở núi ở các huyện vùng cao.

Quyền Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Đinh Quang Ven cho biết, qua khảo sát, đánh giá, toàn huyện hiện có 52 điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở núi. Chính vì thế, công tác sơ tán, di dời người dân là rất cấp thiết. Huyện luôn sẵn sàng phương án “4 tại chỗ” trong mọi tình huống; đi từng ngõ, gõ từng nhà để tuyên truyền, vận động người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Nhờ đó, tính mạng được đảm bảo an toàn.

Quyền Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây dẫn chứng về vụ sạt lở núi kèm theo lũ quét kinh hoàng vừa xảy ra vào cuối tháng 10/2020 tại khu dân cư Mang Rin, thôn Mang He, xã Sơn Bua. 6 nhà dân bị cuốn phăng, nhiều nhà khác bị hư hỏng nặng, ruộng đồng bị bồi lấp nhưng rất may không có thiệt hại về người. Điều đó không phải là may mắn mà là vì Trưởng thôn và lực lượng chức năng của xã đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, luôn đề cao tinh thần cảnh giác, kịp thời kêu gọi bà con chạy lánh nạn khi có thiên tai xảy ra, còn người thì còn tất cả.

Dù sạt lở núi, lũ ống, lũ quét đã qua đi nhưng nguy hiểm vẫn còn tiềm ẩn. Ảnh hưởng của bão số 10 tiếp tục gây mưa lớn nên không ai đoán trước được hậu quả của thiên tai. Xã Sơn Bua nhất quyết di dời 36 hộ dân với 179 nhân khẩu tại khu vực này đến ở tập trung tại nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, tuyệt đối không để ai quay trở về làng cũ khi mưa bão chưa ngớt.

Ông Nguyễn Hồng Tiến, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Sơn Bua chia sẻ, xã đã cắt cử lực lượng thường xuyên túc trực tại con đường dẫn vào khu dân cư Mang Rin để ngăn chặn người dân nào cố tình về nhà.

Tại xã Sơn Long, rút kinh nghiệm từ vụt sạt lở núi với hơn 22.000 m3 đất đá tràn xuống vùi lấp nhà cửa bên đường Trường Sơn Đông, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng người dân, chính quyền địa phương đã gấp rút triển khai ngay phương án sơ tán 86 hộ dân với hơn 310 nhân khẩu trong vùng bị ảnh hưởng đến vị trí an toàn hơn để tránh trú.

Ông Đỗ Thanh Vượt, Chủ tịch UBND xã Sơn Long thông tin, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, xã đã nhanh chóng hoàn tất việc sơ tán, di dời dân trước 17 giờ ngày 3/11. Phương án chủ yếu là huy động mọi phương tiện sẵn có cùng với nhân lực để giúp người dân vận chuyển đồ đạc đến ở xen ghép tại những nhà kiên cố hơn, không bị sạt lở đe dọa và lưu ý người dân chỉ nên mang theo những vật dụng cần thiết.

Đợt này, toàn huyện Sơn Tây tiến hành di dời, sơ tán 870 hộ dân với hơn 3.400 nhân khẩu. Đến thời điểm hiện tại, nhiệm vụ này gần như đã hoàn thành. “Tập quán của đồng bào là thường thích sống dưới chân núi, chân đồi và cạnh những dòng suối nên rất nguy hiểm. Do vậy, huyện không thể chủ quan, lơ là. Sơ tán, di dời là việc trước mắt. Về lâu dài, huyện đã báo cáo, kiến nghị tỉnh cho chủ trương, bố trí nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng khu tái định cư cho người dân tại những khu vực an toàn hơn”- Quyền Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Đinh Quang Ven nói.

Điều đó cũng là nguyện vọng, niềm mong mỏi của người dân ở đây bởi sau những tai họa giáng xuống, họ đã quá lo sợ với lần “thoát chết trong gang tấc”. Anh Đinh Văn Liu, thôn Mang He bộc bạch, giờ mình chỉ muốn đến nơi khác ở thôi, không dám ở đây nữa, nghĩ lại vẫn không thể tin mình còn sống.

Lê Ngọc Phước

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm