Huyện miền núi xứ Thanh phát triển nghề nuôi cá lồng mặt nước lòng hồ thủy điện

Huyện miền núi xứ Thanh phát triển nghề nuôi cá lồng mặt nước lòng hồ thủy điện

Tận dụng tiềm năng, lợi thế về diện tích mặt nước vùng lòng hồ thủy điện, những năm gần đây, các địa phương ở tỉnh Thanh Hóa đã vận động nhân dân phát triển nghề nuôi cá lồng để có thêm thu nhập. Hiệu quả từ việc nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện đã mở ra hướng đi mới góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân ở các huyện miền núi xứ Thanh.

Là một trong những hộ tiên phong của phong trào nuôi cá lồng hồ thủy điện Bá Thước 2, gia đình ông Trương Văn Tấn (thôn Chiềng Ai, xã Hạ Trung, huyện Bá Thước) đã vươn lên thoát nghèo thành công. Trước đây, gia đình ông Tấn nuôi 2 lồng cá tự phát, giống cá được thả nuôi không có nguồn gốc nên cá chậm lớn, hiệu quả không cao. Năm 2019, Hội Nông dân xã Hạ Trung đã hướng dẫn các hộ nuôi cá như gia đình ông Tấn tham gia Chi hội Nông dân nghề nghiệp nuôi cá lồng theo hình thức liên kết, nhằm chuyển đổi phương thức sản xuất từ đơn lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung đem lại thu nhập cao. Nhờ học hỏi kinh nghiệm nuôi từ các hội viên và tìm tòi kỹ thuật nuôi cũng như quy trình chăm sóc hiện gia đình ông Tấn có 3 lồng nuôi với gần 300 con cá trắm. Đàn cá của gia đình ông Tấn phát triển khỏe mạnh. Theo tính toán, sản lượng cá nuôi lồng của gia đình ông Tấn mỗi năm đạt gần 6 tạ, thu nhập trung bình hơn 70-80 triệu đồng/năm.

Ông Trương Văn Tấn cho biết: "Nuôi cá lồng không khó, chủ yếu như lá cây, rau cỏ có sẵn, cá bán cũng được giá. Hiện các thương lái đã đến đặt hàng cho dịp Tết Nguyên đán. Thời điểm này gia đình chúng tôi đang tích cực chăm sóc, phòng rét cho đàn cá. Cái Tết ấm no nhìn hết cả vào đàn cá này.”

Từ việc nuôi cá lồng của hộ ông Trương Văn Tấn, các hộ dân trong thôn đã học làm theo, đến nay toàn xã Hạ Trung đã có 48 hội viên hội nông dân mạnh dạn đầu tư đóng lồng nuôi cá, với tổng số lồng nuôi lên tới 104 lồng, hộ nuôi nhiều nhất từ 4 đến 5 lồng cá, mỗi lồng nuôi khoảng 100 con. Sản lượng trung bình mỗi năm đạt 12-15 tấn cá. Với giá bán khoảng 90.000-100.000 đồng/kg, các hội viên trong Tổ hội thu về từ 1,1-1,5 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân mỗi hộ 80-120 triệu đồng/năm.

Huyện miền núi xứ Thanh phát triển nghề nuôi cá lồng mặt nước lòng hồ thủy điện ảnh 1Khu nuôi cá lồng được thực hiện các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: baothanhhoa.vn

Tương tự, tại huyện Quan Hóa, kể từ khi Nhà máy thuỷ điện Trung Sơn đi vào hoạt động, người dân nơi đây cũng du nhập nghề nuôi cá lồng trên diện tích mặt nước hồ thủy điện để phát triển kinh tế. Hiện xã Trung Sơn đã có 42 hộ dân sống ven vùng ngập Nhà máy Thủy điện Trung Sơn phát triển nghề nuôi cá lồng, với hơn 72 lồng nuôi. Có gia đình đầu tư nuôi từ 4-5 lồng, chủ yếu các loại cá trắm, chép, lăng đen, lăng hoa, dốc, ké… Năm 2022, sản lượng thu hoạch cá lồng hồ thuỷ điện đạt 15 tấn các loại.

Để người dân có nguồn vốn ổn định, từ đầu năm đến nay, xã Trung Sơn đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Quan Hoá đã cho người dân vay vốn hơn 800 triệu đồng để đầu tư mô hình nuôi cá lồng. Cùng đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho người dân, như: ứng phó với biến đổi khí hậu; kỹ thuật đóng lồng nuôi bằng lưới quây thay cho cách đóng lồng bằng tre, luồng truyền thống; cách chăm sóc, thu hoạch cá...

Anh Đinh Công Chức một hộ nuôi cá lồng có thâm niên ở xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa khẳng định: "Sau hơn 3 năm đầu tư mô hình nuôi cá lồng, đến nay gia đình tôi có hơn 10 lồng nuôi cá, chủ yếu là cá trắm cỏ, lăng đen… Tôi thấy việc nuôi cá trên diện tích mặt nước hồ thủy điện đem về nguồn thu nhập khá ổn định. Chúng tôi mong các cấp chính quyền thường xuyên mở các lớp tập huấn, giúp bà con có thêm kiến thức nuôi cá lồng hiệu quả".

Qua hiệu quả khả quan đem lại từ nghề nuôi cá lồng của người dân các huyện miền núi Quan Hóa, Bá Thước, có thể khẳng định đây là hướng phát triển kinh tế mới cho người dân ở các xã ven lòng hồ thủy điện. Việc phát triển nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện đã giải quyết việc làm và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều người dân ở các xã, huyện vùng cao của tỉnh Thanh Hóa.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, việc khai thác tiềm năng, dư địa nuôi trồng thủy sản trên các hồ chứa thủy lợi, thủy điện sẽ giúp chuyển đổi cơ cấu sản xuất, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn bền vững, xóa đói, giảm nghèo. Những hồ này có khả năng phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa và bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nuôi trong ao, trong bể.

Để nghề nuôi trồng thủy sản trên các lòng hồ thủy điện phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao, ngành nông nghiệp Thanh Hóa yêu cầu các địa phương cần thu hút các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, bảo đảm vệ sinh môi trường và hướng tới thả nuôi các loại cá đặc sản có giá trị kinh tế cao, như: cá lăng, cá ké, cá trắm đen... cũng như áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới nhằm đa dạng sản phẩm, tăng năng suất trên đơn vị diện tích, tăng giá trị thu nhập. Bên cạnh đó, các địa phương cần xây dựng kế hoạch phát triển thành các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; hạn chế tình trạng nuôi tự phát khó kiểm soát, ô nhiễm môi trường...

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 610 hồ chứa nước lớn nhỏ và 11 dự án thủy điện đã vận hành phát điện. Các công trình thủy lợi, thủy điện được đầu tư và đưa vào sử dụng đã tạo ra diện tích mặt hồ lớn là điều kiện thuận lợi để người dân sống ven các lòng hồ phát triển nghề nuôi trồng thủy sản.

Hoa Mai

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm