Huyện miền núi Tam Đảo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, hướng tới giảm nghèo bền vững

Tam Đảo là huyện miền núi, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, thời gian qua, các cấp của huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp giảm nghèo, phát huy thế mạnh nội lực của địa phương để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Huyen mien nui Tam Dao thuc hien dong bo nhieu giai phap, huong toi giam ngheo ben vung hinh anh 1Gia đình chị Bùi Thị Tính, thôn Đồng Thanh, xã Hồ Sơn (Tam Đảo) chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng rau su su, mỗi năm thu nhập từ 40-50 triệu đồng/vụ. Ảnh: baovinhphuc.com.vn

Thị trấn Hợp Châu, huyện Tam Đảo là địa phương có tỷ lệ đồng bào dân tộc chiếm hơn 38%. Chính quyền xã rất coi trọng việc tuyên truyền, phổ biến các chế độ chính sách giảm nghèo, phát triển kinh tế đối với người dân. Gia đình chị Nguyễn Thị Hà, thôn Tích Cực, thị trấn Hợp Châu là một trong những hộ điển hình về việc sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả vươn lên thoát nghèo.

Dẫn chúng tôi đi thăm căn nhà 2 tầng đang dần hoàn thiện, chị Nguyễn Thị Hà chia sẻ: Ngôi nhà này là sự cố gắng trong gần 5 năm của hai vợ chồng. Trước đây, gia đình chị chỉ trông vào vài sào ruộng, hai con bị bệnh tim bẩm sinh nên điều kiện kinh tế gia đình hết sức khó khăn, nhiều năm người dân trong thôn bình xét là hộ nghèo. Năm 2016, khi được hỗ trợ vay 50 triệu đồng từ vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tam Đảo, vợ chồng chị bàn nhau mua bò về phát triển chăn nuôi. Nhờ chăm chỉ cần cù cùng với sự học hỏi, gia đình vợ chồng chị đã thoát nghèo. Để có thêm điều kiện chăm sóc cho hai con bị bệnh, chị bàn với chồng tiếp tục vay vốn thêm 100 triệu đồng để đầu tư máy móc về sản xuất mì. Hiện nay, kinh tế dần ổn định, gia đình chị Hà xây dựng nhà cửa, chăm sóc và nuôi các con ăn học.

Ông Đào Xuân Định, Chủ tịch UBND thị trấn Hợp Châu, huyện Tam Đảo cho biết: Cùng với công tác tuyên truyền cho nhân dân tự cố gắng vươn lên thoát nghèo bằng chính nội lực của gia đình mình, chính quyền xã phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận nguồn vốn vay chính sách để đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt, học nghề, xuất khẩu lao động để người dân tham gia xóa đói giảm nghèo. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của thị trấn giảm còn 1,8%.

Theo số liệu thống kê, hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Tam Đảo chiếm 3,33%, hộ cận nghèo chiếm 7,77%. Để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, huyện Tam Đảo tạo điều kiện cho hộ nghèo được tiếp cận với các dịch vụ xã hội và chính sách ưu đãi tín dụng, từ đó có vốn đầu tư phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, huyện lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ chương trình giảm nghèo với xây dựng nông thôn mới, gắn công tác đào tạo nghề với giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững.

Huyện Tam Đảo chỉ đạo các xã tiến hành điều tra từng thôn, từng hộ, qua đó, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến nghèo để có biện pháp hỗ trợ phù hợp; ưu tiên đối tượng thuộc hộ nghèo ở các xã, thôn khó khăn, khu vực miền núi. Huyện Tam Đảo triển khai nhiều giải pháp tích cực đối với công tác dạy nghề, giải quyết việc làm, trong đó, ưu tiên cho xuất khẩu lao động. Hàng năm, hơn 3.000 lao động trên địa bàn được tạo việc làm mới, trong đó, mỗi năm có gần 100 trường hợp đi xuất khẩu lao động.

Trao đổi về công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện, ông Nguyễn Hồng Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đảo cho biết: Huyện Tam Đảo có 42,6% đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn cao (chiếm khoảng 32,12% số hộ nghèo toàn huyện) do đó, huyện luôn chú trọng tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác giảm nghèo đến từng người dân.

Huyện Tam Đảo khuyến khích nhân dân tận dụng tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng để phát triển kinh tế hộ gia đình. Các hộ nghèo được tạo điều kiện áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất, thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng nhiều mô hình kinh tế gia trại, trang trại... Cùng với đó, huyện Tam Đảo tiếp tục duy trì các vùng sản xuất chuyên canh có giá trị kinh tế cao như rau su su an toàn tại xã Hồ Sơn và thị trấn Tam Đảo, mở rộng vùng trồng cây na dai, vùng cây dược liệu ven chân núi Tam Đảo như cây trà hoa vàng, cây ba kích…

Huyện Tam Đảo phấn đấu đến năm 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 1,5%. Thời gian tới, huyện Tam Đảo tập trung chỉ đạo thực hiện triệt để các cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo gắn với các giải pháp nâng cao chất lượng giảm nghèo bền vững; lồng ghép mục tiêu giảm nghèo bền vững vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; chú trọng công tác đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ hộ nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả.

Bên cạnh đó, huyện Tam Đảo thực hiện đầy đủ các chính sách an sinh xã hội cho hộ nghèo, hộ đồng bảo dân tộc thiểu số như: chính sách cấp thẻ bảo hiểm y tế , khám, chữa bệnh miễn phí, chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo hay các chính sách về giáo dục, y tế...

Nguyễn Thảo

Tin liên quan

Gương “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020": Nữ tỷ phú nuôi lợn ở tỉnh Vĩnh Phúc

Tốt nghiệp Đại học năm 2009 và đã có một công việc ổn định nhưng chị Nguyễn Thị Thúy ở xã Minh Quang, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định từ bỏ công việc hiện tại để theo đuổi nghiệp chăn nuôi. Với mức thu nhập 5-6 tỷ đồng/ năm, chị Thúy được nhiều người gọi là “nữ tỷ phú nuôi lợn” của tỉnh Vĩnh Phúc.


Triển vọng phát triển cây dược liệu ở Tam Đảo

Vùng núi huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc là một trong những nơi lưu giữ nhiều cây dược liệu quý hiếm. Những năm gần đây, tận dụng lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, người dân Tam Đảo đã phát huy để nhân giống, mở rộng diện tích trồng một số cây dược liệu góp phần bảo tồn nguồn gen và giúp tăng thu nhập cho người dân.


Khởi sắc bộ mặt nông thôn mới ở Tam Đảo

Theo kế hoạch xây dựng nông thôn mới năm 2017, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu trong năm 2017 có 100% xã về đích nông thôn mới và trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2018. Với cách làm có trọng tâm, trọng điểm, cùng sự chỉ đạo sát sao suốt quá trình thực hiện, mục tiêu này đang dần trở thành hiện thực.


Trang trại nuôi lợn trên núi Tam Đảo

Duy trì thường xuyên 300 con lợn nái, cả nghìn con lợn thịt, anh Trần Chí Đông, dân tộc Sán Dìu, là một trong những tỷ phú đi lên từ nghèo khó.


Dược liệu làm giàu cho người Tam Đảo

Trồng cây lương thực, hoa màu không hiệu quả lắm, một số hộ ở các xã vùng cao thuộc huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc chuyển sang trồng cây dược liệu. Thế mạnh của địa phương được phát huy, đã mang lại sung túc cho nhiều gia đình.



Đề xuất