Huyện Buôn Đôn hỗ trợ người dân vùng biên nâng cao hiệu quả sản xuất

Anh Y Ken Lưk (dân tộc M’Nông), trú buôn Trí B, xã biên giới Krông Na, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) chăm sóc vườn cam, quýt. Ảnh: Tuấn Anh
Anh Y Ken Lưk (dân tộc M’Nông), trú buôn Trí B, xã biên giới Krông Na, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) chăm sóc vườn cam, quýt. Ảnh: Tuấn Anh

Những năm gần đây, Đề án “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển kinh tế trang trại giai đoạn 2016 - 2020” của huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk đã bước đầu mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế của nhân dân trên địa bàn huyện, đặc biệt nhiều hộ gia đình vùng biên giới, đồng bào dân tộc thiểu số đã thay đổi “cách nghĩ, cách làm” hướng đến nền sản xuất hàng hóa, mang tính bền vững.

Huyện Buôn Đôn hỗ trợ người dân vùng biên nâng cao hiệu quả sản xuất ảnh 1 Anh Y Ken Lưk (dân tộc M’Nông), trú buôn Trí B, xã biên giới Krông Na, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) chăm sóc vườn cam, quýt. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Hướng đi mới cho người dân vùng biên

Gia đình anh Y Ken Lưk (dân tộc M’Nông), trú buôn Trí B, xã biên giới Krông Na, huyện Buôn Đôn là một trong những hộ được hỗ trợ từ đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của huyện Buôn Đôn. Hiện anh Y Ken đang làm chủ mô hình trồng cây ăn trái có múi với quy mô 2ha và đang được đầu tư chăm sóc, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường tiêu thụ.

Anh Y Ken Lưk cho biết, đặc thù của vùng đất biên giới xã Krông Na là khí hậu khô nóng, đất đai cằn cỗi kém dinh dưỡng, thường xuyên thiếu nước sản xuất, do đó kinh tế nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có hướng đi đột phá trong phát triển kinh tế để cải thiện đời sống nhân dân.

Năm 2017, được sự hỗ trợ giống cây cam, quýt, bưởi, phân bón từ đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện Buôn Đôn, anh Y Ken đã mạnh dạn chuyển đổi 2 ha đất của gia đình để phát triển mô hình cây ăn trái có múi với hy vọng tìm hướng đi đột phá trong phát triển kinh tế gia đình.

Không chỉ hỗ trợ về giống cây trồng, chính quyền địa phương còn tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, chăm sóc cây trồng mới cho người dân tham gia đề án chuyển đổi cây trồng. Sau 3 năm canh tác, gia đình anh Y Ken đã sở hữu vườn cam sành, quýt đường và bưởi da xanh với quy mô 2 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP.

“Mặc dù chưa có nguồn thu từ mô hình trên, nhưng qua ba năm canh tác, nhận thấy các loại cây cam, quýt, bưởi rất phù hợp với điều kiện, khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương và sinh trưởng tốt, đem lại những tín hiệu tích cực trong phát triển kinh tế. Năm 2020, vườn cây có múi đã bắt đầu cho thu bói, chất lượng quả đã đạt tiêu chuẩn VietGAP, mùi vị ngon, ngọt, đến năm 2021 sẽ bắt đầu thời kỳ kinh doanh, do đó hiện nay gia đình vẫn tập trung chăm sóc theo đúng quy trình hướng dẫn, sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, ổn định về cả chất lượng và sản lượng hướng đến sự phát triển theo hướng hàng hóa và sản xuất bền vững”, anh Y Ken Lưk chia sẻ.

Một trong những gia đình “dám nghĩ, dám làm” trong thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng là chị Thái Thị Hương và anh Hoàng Văn Thanh (dân tộc Mường), trú buôn Ea Mar, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn khi nhiều lần chuyển đổi nhiều loại cây trồng để tìm hướng đi phù hợp trong phát triển kinh tế gia đình trên vùng đất khô cằn của biên giới.

Chị Thái Thị Hương cho biết, lập nghiệp tại xã Krông Ana từ năm 1999, gia đình đã canh tác nhiều loại cây trồng khác nhau như cà phê, điều… tuy nhiên đều thất bại do khí hậu, thổ nhưỡng khắc nghiệt. Qua tìm hiểu, nhận thấy cây bưởi da xanh phù hợp với vùng đất của gia đình. Sau một thời gian tự tìm hiểu và được sự hướng dẫn, tập huấn từ chính quyền địa phương, năm 2017, gia đình đã chuyển đổi 1ha đất sang trồng hơn 300 cây bưởi da xanh. Hiện vườn bưởi da xanh đang sinh trưởng và phát triển khá tốt, mùi vị và chất lượng bưởi tốt. Tết Nguyên đán năm 2021 vừa qua là thời điểm bắt đầu thu bói, gia đình thu được hơn 2.000 trái với giá bán từ 15.000 đến 17.000 đồng/trái.

Theo chị Hương, do bước đầu canh tác loại cây có múi nên phải vừa làm vừa học hỏi để hoàn thiện kỹ năng canh tác nhằm nâng cao năng suất, chất lượng hướng đến sản xuất hàng hóa chuyên nghiệp. Hiện nay, dưới dự hướng dẫn của chính quyền địa phương một số hộ gia đình cùng canh tác bưởi da xanh đang làm thủ tục để thành lập tổ hợp tác nhằm thống nhất quy trình canh tác, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm và tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định. Kỳ vọng cây bưởi da xanh nói chung và các loại cây có múi nói riêng sẽ mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp, góp phần cải thiện đời sống nhân dân vùng biên trong tương lai.

Huyện Buôn Đôn hỗ trợ người dân vùng biên nâng cao hiệu quả sản xuất ảnh 2 Vườn cam quýt đạt tiêu chuẩn VietGAP của gia đình anh Y Ken Lưk (dân tộc M’Nông), trú buôn Trí B, xã biên giới Krông Na, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk). Ảnh: Tuấn Anh

Đồng hành cùng nông dân

Mặc dù tìm được hướng đi mới trong phát triển kinh tế nhưng để đem lại hiệu quả lâu dài, bền vững đòi hỏi người nông dân tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, gắn vùng sản xuất với thị trường tiêu thụ và đáp ứng “mệnh lệnh” của thị trường tiêu thụ.

Theo chị Thái Thị Hương, buôn Ea Mar, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, trước ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 trong những năm qua, việc lưu thông hàng hóa khó khăn, nhu cầu tiêu thụ giảm cũng khiến các mặt hàng nông sản “bí đầu ra”. Bên cạnh đó, đối với những vùng mới chuyển đổi cơ cấu cây trồng người dân chưa nắm vững quy trình canh tác đạt hiệu quả tốt nhất, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật hạn chế nên đặt ra nhiều thách thức đối với nông dân.

Theo ông Lê Tiến Dũng, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Krông Ana (huyện Buôn Đôn), các loại cây trồng được chuyển đổi trong thời gian qua tại xã biên giới Krông Na đã sinh trưởng và phát triển tốt, đây là tín hiệu tích cực trong phát triển kinh tế của đồng bào các dân tộc tại địa phương.

Tuy nhiên, vấn đề đầu ra cho nông sản đang là khó khăn lớn nhất đối với người dân. Do đó, kiến nghị các cấp, ngành tạo mọi điều kiện để hỗ trợ người dân trong việc tiêu thụ nông sản, đặc biệt cần tạo môi trường liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất và doanh nghiệp thu mua. Ngoài ra, cần tăng cường tập huấn kỹ thuật canh tác đối với từng loại cây trồng, nâng cao khả năng ứng dụng khoa học công nghệ của người dân vào sản xuất để tăng chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường tiêu thụ.

Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Buôn Đôn Trần Thị Thủy cho biết, Buôn Đôn là vùng đất có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, thường xuyên xảy ra mưa lũ, hạn hán, đất đai cằn cỗi. Do đó, nền nông nghiệp luôn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh trên, Ủy ban Nhân dân huyện Buôn Đôn đã triển khai đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển kinh tế trang trại, thực hiện thí điểm các mô hình cây trồng phù hợp với chất đất của từng địa phương trong huyện và hỗ trợ, tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt đối với vùng biên giới có điều kiện kinh tế khó khăn và đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số.

“Riêng các loại cây ăn trái như cam, quýt, bưởi, mít… được đưa vào trồng với diện tích hơn 600 ha, bước đầu đã cho thấy cây trồng sinh trưởng tốt, chất lượng trái cây ổn định, nhiều hộ gia đình đã có thu bói sau 4 năm chuyển đổi cây trồng. Đặc biệt, đại đa số các hộ chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã thay đổi “cách nghĩ, cách làm”, tuân thủ quy trình canh tác đối với từng loại cây, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hiện sản phẩm của nhiều mô hình đã đạt tiêu chuẩn VietGAP và dần xây dựng được thương hiệu đối với thị trường trong tỉnh, điều này kỳ vọng sẽ mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế khi hầu hết diện tích cây trồng chuyển đổi chuẩn bị bước với thời kỳ kinh doanh”, bà Thủy chia sẻ.

Trong thời gian tới, huyện Buôn Đôn chủ trương không mở rộng diện tích các loại cây trồng đã chuyển đổi mà tập trung đẩy mạnh hỗ trợ người dân nâng cao chất lượng, sản lượng của các loại cây trồng, đồng thời đẩy mạnh khâu quảng bá thương hiệu, tìm kiếm các doanh nghiệp thu mua, chế biến nông sản và mở rộng thị trường nhằm giải quyết đầu ra cho sản phẩm, góp phần cải thiện đời sống kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân huyện Buôn Đôn.

Tuấn Anh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm