Hướng tới xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh - Thành phố Văn hóa

Hướng tới xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh - Thành phố Văn hóa

Chiều 27/6, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức đối thoại văn hóa với chủ đề “Giải pháp giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, hướng tới xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh – Thành phố Văn hóa”. Đây là diễn đàn để lãnh đạo Thành phố, các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu và văn nghệ sĩ trao đổi, bàn luận những vấn đề cốt lõi, thực trạng của các mặt đời sống đang tác động đến môi trường văn hóa, đến đời sống của người dân nơi đây.

Hướng tới xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh - Thành phố Văn hóa ảnh 1Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi đối thoại. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, văn hóa là sức mạnh của quốc gia mang lại giá trị kinh tế vô cùng to lớn mà mỗi người Việt Nam đều ý thức và tự hào văn hóa lịch sử, truyền thống về văn hóa dân tộc đã trải qua nghìn năm, trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cũng nêu rõ, trong dự thảo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2020 – 2025 cũng đề ra mục tiêu xây dựng Thành phố Chí Minh thành Thành phố thông minh phát triển nhanh, bền vững, giữ vai trò kinh tế đầu tàu của cả nước; đẩy mạnh phát triển văn hóa tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao phúc lợi, xây dựng gia đình hạnh phúc, vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của nhân dân.

Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ có sức lan tỏa cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á; phát triển văn hóa xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, đồng thời phát triển nguồn nhân lực văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh…

Hướng tới xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh - Thành phố Văn hóa ảnh 2Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi đối thoại. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, phát huy sức mạnh văn hóa của đất nước, của Thành phố Hồ Chí Minh cũng là phát huy sức mạnh của mỗi người dân và dân tộc, của Đảng, chính quyền, của người Việt Nam ở nước ngoài...

Trong những năm gần đây, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân Thành phố ngày càng phát triển, tương xứng với những thành tựu mà Thành phố đã đạt được về phát triển kinh tế sau hơn 30 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới do Đảng ta lãnh đạo, khởi xướng. Phát huy những điều kiện thuận lợi, Đảng bộ Thành phố đã chọn chủ đề năm 2020 là Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị.

Về vấn đề này, ông Huỳnh Thanh Nhân - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đây là hoạt động thực hiện các chương trình, dự án, góp phần đưa vào Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ Thành phố nhiệm kỳ tới; trong đó, Sở chú trọng đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, góp phần giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa của Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong các giải pháp đẩy mạnh hoạt động văn hóa năm 2020, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố tập trung xây dựng theo 6 chương trình đề án gồm: Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; Xây dựng đề án phát triển văn hóa; Đề án xây dựng gia đình hạnh phúc; Đề án tổ chức lễ hội và sự kiện; Triển khai bộ tiêu chí ứng xử trong cộng đồng; Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình...

Cùng với chuỗi các hoạt động văn hóa, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố cho rằng cần tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh đô thị; thực hiện vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị, vận động người dân không xả rác ra đường; nâng cao văn hóa, văn minh, trong ứng xử cộng đồng; ứng xử văn minh tại cơ quan công sở; văn minh, văn hóa trong an toàn, giao thông; thực hiện đảm bảo an ninh, trật tự trong địa bàn Thành phố.

Cũng tại buổi đối thoại, nhiều đại biểu cho rằng bên cạnh những thành tựu đạt được về kinh tế, Thành phố đang phải đối diện với những thách thức từ mặt trái nền kinh tế thị trường, của quá trình toàn cầu hóa. Một bộ phận công chức, thanh thiếu niên đề cao chủ nghĩa cá nhân, coi trọng vật chất, tiền tài, sính ngoại; chạy theo danh vọng tầm thường; làm cho đạo đức, văn hóa xã hội có biểu hiện xuống cấp, trong khi tệ nạn xã hội chưa được kiểm soát chặt chẽ… Đây là một trong những yếu tố cơ bản tác động, kìm hãm sự phát triển bền vững của Thành phố.

Nhận định về thực trạng đời sống văn hóa của giới trẻ hiện nay, nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Chủ tịch Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật Thành phố cho rằng, với thế hệ 0x, khi những thể loại âm nhạc như Âu, Mỹ, EDM, các trang mạng xã hội Facebook, Youtube và các game show truyền hình bùng nổ thì sự hiểu biết của giới trẻ về âm nhạc dân tộc càng trở nên hạn hẹp hơn.

Chủ tịch Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật Thành phố nhận định, thế hệ trẻ phải có sự hiểu biết sâu rộng về văn học dân tộc Việt Nam. Vì vậy cần tổ chức những cuộc thi văn hóa nghệ thuật hàng năm mang tính chuyên nghiệp, định kỳ, phổ biến cho công chúng về nhạc cụ dân tộc.

Hướng tới xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh - Thành phố Văn hóa ảnh 3Phó Giáo sư – Tiến sĩ Huỳnh Quốc Thắng phát biểu tại buổi đối thoại. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN

Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam hiện ngày càng hội nhập sâu rộng với khu vực, thế giới, việc nâng cao nền tảng văn hóa, tinh thần cho người dân được xem là sức mạnh nội sinh, điều kiện bắt buộc phải có của một Thành phố đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ./.

Thu Hương - Thanh Vũ

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm