Hướng đi mới giúp nông dân có thu nhập cao từ rừng ở Thanh Hóa

Hướng đi mới giúp nông dân có thu nhập cao từ rừng ở Thanh Hóa
Người dân vùng biên thoát nghèo nhờ trồng vầu. Ảnh: Nguyễn Đình Nam - TTXVN
Người dân vùng biên thoát nghèo nhờ trồng vầu.
Ảnh: Nguyễn Đình Nam - TTXVN
Đến nay, sau 1 năm triển khai, rừng luồng và vầu ở 2 xã Tam Thanh và Tam Lư được đánh giá đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt của quốc tế về quản lý rừng. Dự kiến, năm 2019, hơn 3.000 ha luồng và vầu ở Quan Sơn sẽ được cấp chứng chỉ rừng quốc tế FSC. Đây được xem là "tấm vé" thông hành vững chắc để sản phẩm của địa phương thâm nhập vào những thị trường khó tính, mang lại thu nhập ổn định cho đồng bào vùng cao nơi đây. Từ năm 2013, huyện Quan Sơn đã có chủ trương thúc đẩy các nhóm hộ xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và xin cấp chứng chỉ rừng FSC (chứng chỉ nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng). Tuy nhiên đến năm 2017, được sự hỗ trợ của Công ty cổ phần Ngọc Sơn Thanh Hóa chuyên về xuất khẩu đồ thủ công mỹ nghệ, chủ trương của huyện mới chính thức được hiện thực hóa. Theo đó, Công ty cổ phần Ngọc Sơn Thanh Hóa đã mời các chuyên gia quốc tế đến khảo sát và thống nhất chọn 2 xã Tam Lư và Tam Thanh thực hiện thí điểm quản lý rừng theo tiêu chuẩn quốc tế. Tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp thực hiện thí điểm tại 2 xã Tam Thanh và Tam Lư là 3.954,5 ha, với 637 hộ tự nguyện đăng ký tham gia. FSC là một trong những chứng chỉ khẳng định nguồn gốc nguyên liêu rõ ràng; quy trình sản xuất theo quy định quốc tế; chứng chỉ FSC được cấp đối với nhóm hộ có diện tích rừng trồng theo quy mô hộ gia đình; rừng trồng đã có sổ đỏ. Khi quản lý rừng bền vững theo FSC, trách nhiệm bảo vệ môi trường đối với người trồng rừng cũng đươc nâng lên, các sản phẩm từ rừng có chất lượng tốt, giá thành cao, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Bên cạnh đó, quyền lợi của người dân tham gia cũng được đảm bảo. Tam Lư là 1 trong 2 xã được huyện Quan Sơn chọn thực hiện thí điểm việc cấp chứng chỉ rừng quốc tế FSC. Dẫn chúng tôi vào cánh rừng Luồng và Vầu được phát quang sạch sẽ, thoáng đãng, ông Hà Văn Tựng, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Lư cho biết, ngay từ những ngày đầu triển khai, người dân rất có trách nhiệm trong việc hoàn thiện các tiêu chí để được cấp chứng chỉ. Sau 1 năm thực hiện, ngoài những lợi ích về mặt xã hội, môi trường thì lợi ích về kinh tế mang lại đáng ghi nhận nhất, góp phần tăng đáng kể nguồn thu từ sản xuất Vầu, Luồng cho các hộ thuộc nhóm từ 65 triệu đồng lên hơn 110 triệu đồng/hộ gia đình/năm. Trung bình 1 ha tăng từ 27,9 triệu đồng lên 46,7 triệu đồng/ha/năm. Toàn bộ khối lượng sản phẩm vầu, luồng khai thác của nhóm hộ sẽ được thu mua bởi Công ty cổ phần Ngọc Sơn Thanh Hóa. Dự kiến, sản lượng có thể lượng thu mua hàng năm của công ty này là 40.000 tấn vầu/năm và 35.000 tấn Luồng/năm. Do đó, đây sẽ là đầu mối tiêu thụ ổn định và hiệu quả của nhóm hộ tham gia dự án trong những năm tiếp theo. Các sản phẩm chế biến từ luồng, vầu sẽ được công ty xuất khẩu hướng đến các thị trường châu Âu, châu Mỹ, một số nước châu Á và đối tác lớn nhất hiện nay là Tập đoàn Ikea Thụy Điển. Vì vậy, việc nguồn gốc sản phẩm từ rừng có chứng chỉ sẽ không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất cho doanh nghiệp mà còn giúp mở rộng thị trường các nước khác trên thế giới. Ngoài việc hỗ trợ kinh phí thực hiện kế hoạch và bao tiêu sản phẩm, Công ty cổ phần Ngọc Sơn Thanh Hóa còn có kế hoạch xây dựng từ 2 - 3 cơ sở chê biến lâm sản tại chỗ ở mỗi xã, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, đồng thời giảm chi phí vận chuyển. Đầu tháng 1/2019, công ty sẽ xây dựng nhà máy chế biến lâm sản tại xã Trung Hạ, huyện Quan Sơn trên diện tích 3ha. Với công suất tiêu thụ khoảng 50.000 tấn nguyên liệu/năm. Nhà máy dự kiến sẽ tạo công ăn việc làm cho khoảng 200 lao động tại địa phương với mức thu nhập ổn định... Ông Hà Văn Inh, Trưởng bản Tình, xã Tam Lư cho biết, tham gia chương trình, người dân được tập huấn cách chăm sóc và bảo vệ rừng; được làm sổ đỏ vay tiền ngân hàng với lãi suất ưu đãi. Tham gia dự án này, người dân đã thay đổi hẳn tập quán trồng rừng trước kia. Thay vì sau khi phát rừng sẽ đốt, giờ đây những người trồng rừng đã không đốt nữa mà để lại dưới những gốc cây, nhằm tạo phân hữu cơ và hạn chế dòng chảy của nước mưa, nên không gây xói mòn rừng. Qua đó, có thể thấy, diện tích rừng tham gia dự án sinh trưởng và phát triển tốt hơn, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Theo ông Vi Văn On, Trưởng bản Hậu, xã Tam Lư, từ ngày tham gia dự án, người dân vào rừng phải mặc bảo hộ lao động; không được hút thuốc trong rừng, không đốt thực bì, không sử dụng hóa chất, khai thác đúng quy trình. Quá trình khai thác không được để lại rác thải; người dưới 18 tuổi không được vào rừng… Ông Hà Văn Toản, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quan Sơn cho biết, sau 1 năm thực hiện, quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế đã góp phần tăng đáng kể nguồn thu từ sản xuất cây vầu, luồng gần gấp 2,2 lần. Trung bình thu nhập từ vầu, luồng của các hộ gia đình sau khi tham gia chứng chỉ đạt 143,15 triệu đồng/hộ/năm, tăng gấp 2,8 lần so với các hộ không tham gia thực hiện phương án quản lý rừng bền vững là 50,9 triệu đồng/hộ/năm. Phương án được triển khai cũng đã tạo việc làm cho hơn 1.200 lao động là người dân sống gần rừng, tăng thu nhập, góp phần xoá đói giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế vùng. Dự kiến sau khi 2 xã Tam Lư và Tam Thanh được cấp chứng chỉ quốc tế cho rừng luồng và vầu, UBND huyện Quan Sơn sẽ nhân rộng ra một số xã lân cận để phát huy hơn nữa thế mạnh của địa phương trong phát triển lâm nghiệp...
Khiếu Tư

Có thể bạn quan tâm