Hướng đi mới cho sản phẩm truyền thống ở Cà Mau

Hướng đi mới cho sản phẩm truyền thống ở Cà Mau

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã góp phần nâng tạo việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững, tăng chất lượng cuộc sống… cho người dân khu vực nông thôn tại Cà Mau. Thực tế cho thấy, chương trình không chỉ mang lại hiệu quả rõ nét trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần thay đổi nhận thức của người dân, từ tập quán lạc hậu sang kinh tế thị trường. Nhưng, đáng kể hơn cả là tạo hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống ở khu vực nông thôn.

Cú "huých" tích cực


Với điều kiện tự nhiên phong phú, đa dạng, Cà Mau được đánh giá có nhiều tiềm năng trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp để hình thành các sản phẩm OCOP. Do đó, kể từ khi Chương trình OCOP được triển khai đã và đang tạo ra một cú "huých" mạnh mẽ, nhiều triển vọng cho các thành phần kinh tế nông thôn ở Cà Mau cùng tham gia.

Thực tế năm 2020, tỉnh Cà Mau có 33 sản phẩm được công nhận OCOP (3 sản phẩm đạt 4 sao và 30 sản phẩm đạt 3 sao) thì trong có chiếm 60% sản phẩm do phụ nữ thực hiện. Theo đó, có không ít các mô hình sản xuất, kinh doanh ở địa phương nhờ tận dụng có hiệu quả các chương trình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp… tạo ra những sản phẩm OCOP, vừa nâng cao thu nhập cho gia đình, vừa góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm đặc trưng tại địa phương.

Từ cơ sở thu mua, chế biến tôm sẵn có của gia đình và khuyến khích, động viên của các cấp hội phụ nữ, năm 2019, chị Trương Ngọc Giàu, xã Tân Tiến, huyện Ðầm Dơi đã đăng ký thương hiệu cho các sản phẩm của mình. Năm 2020, hai sản phẩm tôm chà bông và tôm rang của chị được công nhận OCOP chuẩn 3 sao. Với kết quả tích cực đó, chị Giàu tiếp tục đầu tư trên 300 triệu đồng làm nhà lưới phơi tôm khô, tủ sấy, tủ đông bảo quản sản phẩm để thực hiện dự định đăng ký thêm 2 sản phẩm OCOP vào năm 2021 gồm: khô tôm đất và chả tôm.

Chị Trương Ngọc Giàu cho biết, từ nghề truyền thống của gia đình, sản phẩm làm ra giờ đây đã có thương hiệu rõ ràng trên thị trường và được người tiêu dùng đón nhận. Mục tiêu của chị đặt ra là chế biến các sản phẩm sạch, ngon, giữ được hương vị đặc trưng của đặc sản quê hương. Một mặt tạo thương hiệu riêng cho sản phẩn của mình, giúp gia đình có thêm thu nhập, mặt khác, góp phần cùng địa phương nâng chất lượng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Cà Mau nói chung.

Bên cạnh tiềm năng to lớn, Cà Mau đã chủ động xây dựng nền “nông nghiệp sạch” tạo tiền đề quan trọng để các mặt hàng nông sản của địa phương có cơ hội tiếp cận nhanh với thị trường. Thực tế triển khai tại huyện Thới Bình cho thấy, với lợi thế là địa phương có diện tích sản xuất lúa trên đất nuôi tôm chiếm gần 50% tổng diện tích của tỉnh, huyện Thới Bình đang xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất lúa sạch, hữu cơ kết hợp với nuôi tôm an toàn, chất lượng cao.

Hiệu quả mang lại là địa phương đã xây dựng đề án bảo hộ nhãn hiệu "Lúa sạch Thới Bình" được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận và cấp chứng nhận với mục tiêu sản xuất đạt từ 10.000-20.000 ha/năm. Giá lúa cũng vì thế được các doanh nghiệp thu mua bao tiêu với đầu ra ổn định.

Nói về phương hướng sắp tới, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình Lý Minh Vững cho biết, địa phương đang từng bước xây dựng thành sản phẩm đặc thù của huyện, để người dân yên tâm sản xuất và tăng thu nhập từ chính mô hình của mình.

Ngoài ra, địa phương đã và đang định hướng ưu tiên phát triển kinh tế tập thể, các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn nhằm thúc đẩy các sản phẩm đặc trưng đạt chuẩn OCOP, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Ðây là cơ hội giúp sản phẩm làng nghề được chuẩn hoá theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm nâng cao giá trị, tạo sức bật lớn cho xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững.

Hứa hẹn nhiều đột phá

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Châu Công Bằng cho hay, Chương trình OCOP đã tạo sức bật mới cho nền sản xuất nông nghiệp, qua đó dần thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, hình thành các liên kết sản xuất, mở rộng quy mô và xây dựng các hệ thống sản phẩm chủ lực của địa phương.

Kinh tế hộ nông thôn sẽ chuyển dịch theo hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá. Đây còn là giải pháp hiệu quả để phát triển nhóm sản phẩm cấp xã, huyện, đồng thời đưa thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững”,

Ông Bằng thông tin thêm, Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 sẽ góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp theo tư duy mới, góp phần quan trọng phát triển kinh tế nông thôn, thúc đẩy Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Không những vậy, nhiều hợp tác xã trên địa bàn tỉnh làm ra nhiều sản phẩm hàng hóa đặc trưng, có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước. Đánh giá về vấn đề này, đại diện Liên minh Hợp tác xã Cà Mau cho rằng, kể từ khi được triển khai thì chương trình OCOP sẽ tạo ra chuyển biến lớn trong khu vực kinh tế tập thể. Đây cũng là cơ hội để tỉnh Cà Mau tái cấu trúc lại quy hoạch sản xuất theo hướng gia tăng chuỗi liên kết giá trị.

Vì vậy, đã đến lúc các chủ thể kinh tế nông thôn Cà Mau nghiên cứu giữa nội lực, điều kiện thị trường, cân bằng sản xuất những cái mình có và thị trường cần; sáng tạo những mặt hàng, sản phẩm độc đáo, có giá trị, hình ảnh, thương hiệu và sức hút riêng biệt, từ đó, đưa những chủ thể kinh tế nông thôn hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, hội nhập.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Cà Mau phấn đấu có ít nhất 5 sản phẩm OCOP đạt 5 sao và 90 sản phẩm đạt từ 3 - 4 sao; trong đó, địa phương sẽ chú trọng việc dựa vào các sản phẩm đó để xây dựng và phát triển các mô hình du lịch như: du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng...

Để thực hiện tốt chương trình giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng nguồn lực đầu tư cho chương trình OCOP thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời, đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu, nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hiện chương trình, nhất là cấp cơ sở, chủ thể.

Ngoài ra, địa phương sẽ kiến nghị Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan xây dựng chính sách tín dụng đặc thù hỗ trợ các chủ thể tham gia chương trình OCOP. Theo dự kiến, nguồn kinh phí để thực hiện giai đoạn này là hơn 302 tỷ đồng; trong đó, vốn chủ thể tham gia là hơn 102 tỷ đồng.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, Chương trình OCOP là chương trình không thể thiếu cho sự thành công của chương trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Chính vì vậy, Chương trình OCOP phải lựa chọn sản phẩm đặc trưng của từng vùng, từng địa phương đáp ứng yêu cầu trong nước và mục tiêu xuất khẩu...

Để cụ thể hóa các mục tiêu đã đề ra, các địa phương trong tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền đến tất cả cán bộ, đảng viên và người dân hiểu rõ mục đích, yêu cầu của Chương trình OCOP, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, lâu dài để huy động, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng tham gia thực hiện.

Huỳnh Anh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm