Hướng đi mới cho phát triển cây ăn quả

Hướng đi mới cho phát triển cây ăn quả

Nhận thấy tiềm năng trong phát triển cây ăn quả, huyện nghèo 30a Kông Chro, tỉnh Gia Lai đã tập trung xây dựng nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo của địa phương.

Phá thế độc canh

Trong nhiều năm qua, cây mía và sắn (mì) đã và đang trở thành cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân huyện Kông Chro. Tuy nhiên, trước tình cảnh cứ “được mùa, mất giá” khiến người dân chưa thể an yên với hai loại cây trồng này. Mặt khác, sau mỗi vụ thu hoạch, người dân lại phải tái đầu tư lại từ đầu nên với người dân nghèo đây cũng là một trở ngại lơn.

Hướng đi mới cho phát triển cây ăn quả ảnh 1Sau khi chuyển sang trồng cây ăn quả, gia đình bà Hồ Thị Hạnh (thôn 2, xã Kông Yang, huyện Kông Chro) có thu nhập cao gấp 5 lần so với cây mì. Ảnh: baogialai.com.vn

Gia đình anh Trịnh Xuân Anh (thôn 2, xã Kông Yang) dù đã bao năm gắn bó với cây mía, sắn. Tuy nhiên, khi bắt tay vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang cây ăn quả, gia đình anh mới có được hướng đi đúng. Dù mới bước vào trồng cây ăn quả, nhưng giá trị kinh tế và tính ổn định đã cho gia đình thêm động lực kiến tạo vườn cây.

Theo tính toán của anh Anh, gia đình anh đang có 4 ha trồng cây ăn quả chủ lực là nhãn 800 cây, na dai 500 cây, dừa xiêm lùn 400 cây… Chỉ sau 3 năm trồng và chăm sóc, vườn nhãn đã cho thu hoạch gần 3 năm với trung bình mỗi năm khoảng 4,5 tấn, đem về nguồn thu 120 triệu đồng/năm.

Cũng mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng thay cho những cây trồng truyền thống, gia đình anh Trần Đình Đạt (thôn 9, xã Chơ Long) đã hái được quả ngọt từ mô hình trồng thanh long ruột tím hồng. Theo anh Đạt, từ tìm hiểu thị trường và giống cây trồng phù hợp với chất đất Chơ Long, năm 2019, gia đình anh xây dựng mô hình vườn cây với 1.500 trụ thanh long ruột tím hồng trên diện tích 1,2 ha. Chỉ sau hơn 1 năm, cây thanh long đã bén rễ và bắt đầu bói quả.

“Hiện vườn thanh long của tôi cho năng suất ổn định từ 60-70 tấn/ha. Do lựa chọn được giống thanh long tốt, quả to, ngọt và màu rất đẹp nên thị trường tiêu thụ khá dễ dàng. Trung bình giá thanh long dao động từ 18-20 nghìn đồng/kg, gia đình tôi cũng đã có được khoản thu kha khá”- anh Đạt chia sẻ.

Thời gian gần đây, huyện Kông Chro đã hỗ trợ, khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng có lộ trình. Theo thống kê của huyện Kông Chro, tổng diện tích cây ăn quả của huyện trên 150 ha, chủ yếu tập trung tại các xã Chơ Long, Yang Trung, Kông Yang, An Trung, Đak Kơ Ning, Sró và thị trấn Kông Chro. Các loại cây trồng phù hợp và mang lại hiệu quả cao là nhãn, thanh long, na, mít và ổi.

Xây dựng thương hiệu cây ăn quả

Xác định hướng phát triển cây ăn quả, thị trường tiêu thụ và giá trị của sản phẩm là động lực để người dân gắn bó với vườn cây. Vì vậy, huyện Kông Chro đã hỗ trợ người dân xây dựng thương hiệu gắn với đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho mặt hàng trái cây của địa phương.

Hướng đi mới cho phát triển cây ăn quả ảnh 2Vườn na trĩu quả của gia đình ông Lê Văn Ất (thôn 2, xã Kông Yang, huyện Kông Chro) mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng. Ảnh: baogialai.com.vn

Theo anh Trần Đình Đạt, dù sản phẩm thanh long ruột tím hồng tiêu thụ ổn định, nhưng chủ yếu bán tại các chợ chứ chưa thể gia nhập vào các siêu thị, chuỗi cửa hàng trái cây ăn toàn trong và ngoài tỉnh, nên giá trị chưa cao và chưa ổn định được giá cả.

Nhận thấy được “điểm yếu” này, tranh thủ sự hỗ trợ của Hội Nông dân huyện Kông Chro, năm 2021, gia đình anh Đạt đã đăng ký và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thanh long ruột tím hồng. Từ đó mở ra cơ hội đưa loại trái cây này vươn xa hơn trên thị trường.

“Bên cạnh tranh thủ sự hỗ trợ của Hội Nông dân các cấp, tôi sẽ chủ động tìm hiểu các quy trình, thủ tục để có thể xây dựng và phát triển thương hiệu cho các mặt hàng nông sản thế mạnh của gia đình, trước mắt là bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho nhãn lồng Hương Chi (T6)”, anh Trịnh Xuân Anh cho biết.

Thống kê từ Hội Nông dân huyện Kông Chro cho thấy, huyện có trên 150 ha cây ăn quả các loại, tập trung chủ yếu ở các xã Chơ Long, Yang Trung, Kông Yang, An Trung, Đak Kơ Ning, Sró và thị trấn Kông Chro. Những năm qua, để nâng tầm giá trị của các sản phẩm đặc sản địa phương, huyện Kông Chro đã luôn chú trọng đến việc vận động, hỗ trợ hội viên, nông dân xây dựng thương hiệu gắn với đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Ông Ngỗ Hữu Luật, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kông Chro cho biết, qua khảo sát và lựa chọn, trong năm 2022, cơ quan sẽ hướng dẫn đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nhãn T6 của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Kông Yang (xã Kông Yang). Mọi thủ tục hoàn toàn miễn phí.

Ngoài ra, cơ quan sẽ phối hợp với các ngành, đoàn thể, địa phương liên quan để rà soát, hỗ trợ khoảng 5.608 hộ sản xuất nông nghiệp cập nhật thông tin lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn nhằm kết nối, quảng bá và tiêu thụ rộng rãi sản phẩm.

Quang Thái

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm