Hướng dẫn lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

Nhà văn hóa cộng đồng tránh lũ tại thôn Trung Tiến (xã Điền Mỹ, huyện Hương Khê) dự kiến đưa vào sử dụng vào tháng 7/2021 sẽ là nơi tránh trú bão lũ an toàn cho người dân vùng "rốn lũ". Ảnh: Hoàng Ngà - TTXVN
Nhà văn hóa cộng đồng tránh lũ tại thôn Trung Tiến (xã Điền Mỹ, huyện Hương Khê) dự kiến đưa vào sử dụng vào tháng 7/2021 sẽ là nơi tránh trú bão lũ an toàn cho người dân vùng "rốn lũ". Ảnh: Hoàng Ngà - TTXVN

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Bộ này đã xây dựng dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 05/2016/TT-BKHĐT ngày 06/6/2016 về hướng dẫn lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội.

Hướng dẫn lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ảnh 1 Nhà văn hóa cộng đồng tránh lũ tại thôn Trung Tiến (xã Điền Mỹ, huyện Hương Khê) dự kiến đưa vào sử dụng vào tháng 7/2021 sẽ là nơi tránh trú bão lũ an toàn cho người dân vùng "rốn lũ". Ảnh: Hoàng Ngà - TTXVN

Theo đó, dự thảo Thông tư được ban hành sẽ hướng dẫn lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia (gọi chung là Quy hoạch) và các kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội (gọi chung là Kế hoạch) được quy định tại Điều 16, Luật Phòng, chống thiên tai; áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện Quy hoạch, Kế hoạch.

Dự thảo Thông tư quy định việc thực hiện lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai là một phần nội dung của Quy hoạch nên việc lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào Quy hoạch được thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Quy hoạch.

Đồng thời cũng đưa ra quy trình thực hiện lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào Kế hoạch gồm 4 bước sẽ giúp các bộ, ngành và địa phương không bị nhầm lẫn giữa việc phải tự xây dựng các biện pháp phòng, chống thiên tai hay chỉ lựa chọn trong Kế hoạch phòng, chống thiên tai cùng cấp đã có.

Dự thảo Thông tư yêu cầu các bộ, ngành và địa phương phải thiết lập quan điểm, định hướng thể hiện rõ mục tiêu, nội dung, định hướng lựa chọn biện pháp phòng, chống thiên tai để lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai và kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội ngay trong các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trung hạn và hàng năm; trong Quyết định của các ngành, địa phương về xây dựng kế hoạch phát triển ngành, phát triển kinh tế - xã hội trung hạn và hàng năm…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Thông tư số 05/2016/TT-BKHĐT được ban hành đã góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc phòng chống thiên tai ngay khi xây dựng các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội; đồng thời, tăng thêm tính liên thông, kết nối giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với nhiệm vụ phòng chống thiên tai; hình thành các biện pháp phòng chống thiên tai vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, định hướng huy động được các nguồn lực để thực hiện các biên pháp phòng chống thiên tai khi đã lồng ghép vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Thông tư có một số bất cập, vướng mắc như: lúng túng trong việc lựa chọn các biện pháp lồng ghép; không yêu cầu các bộ, ngành phải thiết lập quan điểm, định hướng lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai và Kế hoạch; không hướng dẫn cách thức lựa chọn các biện pháp phòng chống thiên tai để sử dụng lồng ghép; không hướng dẫn cụ thể cách thức đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện lồng ghép; không chỉ rõ vai trò, trách nhiệm của từng đơn vị.

Để khắc phục những hạn chế và bất cập đó, việc ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 05/2016/TT-BKHĐT là cần thiết. Dự thảo Thông tư gồm 3 chương, 12 điều và đang được lấy ý kiến rộng rãi trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thúy Hiền

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm