Hứa Trường Giang - Chàng trai dân tộc Khmer khởi nghiệp ấn tượng

Hứa Trường Giang, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ thanh niên Gò Quao giới thiệu mô hình trồng nấm rơm, nuôi trùn quế. Ảnh: lmhtx.kiengiang.gov.vn
Hứa Trường Giang, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ thanh niên Gò Quao giới thiệu mô hình trồng nấm rơm, nuôi trùn quế. Ảnh: lmhtx.kiengiang.gov.vn

Chính bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, niềm đam mê làm nông nghiệp theo hướng sạch, thân thiện với môi trường và sự tìm tòi, nỗ lực vượt khó, không ngừng sáng tạo đã giúp chàng thanh niên dân tộc Khmer Hứa Trường Giang, 24 tuổi, ngụ ấp Thạnh Hòa 2, xã Thủy Liễu, huyện Gò Quao (Kiên Giang) thành công trên mảnh đất quê hương.

Hứa Trường Giang - Chàng trai dân tộc Khmer khởi nghiệp ấn tượng ảnh 1Hứa Trường Giang, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ thanh niên Gò Quao giới thiệu mô hình trồng nấm rơm, nuôi trùn quế. Ảnh: lmhtx.kiengiang.gov.vn

Dám nghĩ, dám làm

Năm 2018, khi tốt nghiệp Đại học Cần Thơ chuyên ngành Bảo vệ thực vật, chàng kỹ sư trẻ Hứa Trường Giang bắt tay thực hiện dự án nuôi trùn quế trên diện tích 2.000 m2 đất. Khi trùn quế có thương hiệu, anh bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Sau thành công trong việc nuôi trùn quế lấy phế phẩm làm phân hữu cơ để bón cho cây lúa, trồng cây cảnh, đầu năm 2020, anh đứng ra thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ thanh niên Gò Quao do anh làm Giám đốc. Hợp tác xã đặt tại ấp Hòa Thiện, xã Định Hòa, huyện Gò Quao, với diện tích 4.000 m2 để trồng nấm rơm trong nhà và lấy phế phẩm làm phân hữu cơ, hướng tới tiếp tục mở rộng trồng rau sạch trong nhà lưới.

Theo anh Giang, ngay từ năm thứ hai học đại học, anh đã bắt đầu đi làm thêm ở một công ty chuyên về bảo vệ thực vật và tự trang trải mọi chi phí học tập, sinh hoạt ở thành phố Cần Thơ. Chính quá trình đi làm thêm đã giúp anh có cơ hội biết đến nghề nuôi trùn quế để bán phân hữu cơ. Thấy nghề này có tiềm năng, anh ấp ủ ý định thực hiện mô hình tại quê nhà và quyết định mua con giống về nuôi thử nghiệm tại gia đình. Lúc đầu ba mẹ không đồng ý cho anh nghỉ việc Công ty, nhưng vì quá đam mê nghề nuôi trùn quế và ước mơ phát triển các mô hình nông nghiệp sạch, anh thuyết phục ba mẹ và quyết tâm thực hiện mô hình.

Mô hình nuôi trùn quế được anh Giang thực hiện hơn hai năm nay và đã có sản phẩm bán hơn một năm. Anh Giang cho biết, nuôi trùn quế cũng đơn giản, hơn nữa vốn có chuyên môn về bảo vệ thực vật nên anh gặp nhiều thuận lợi trong khâu chăm sóc, quản lý, kỹ thuật nuôi trùn quế.

Hiện, anh đã xây dựng 3 địa điểm nuôi trùn quế với tổng diện tích các nhà nuôi khoảng 1.000 m2. Thức ăn chủ yếu của trùn quế là bùn bã hữu cơ như rơm mục, lục bình, phân trâu, bò… là những thứ dễ kiếm ở địa phương. Qua quá trình trùn quế phân hủy sẽ cho ra nguồn phân hữu cơ tự nhiên giàu đạm bón cho cây trồng rất tốt.

Có nguồn vốn từ việc bán con giống trùn quế và phân hữu cơ (trung bình hơn 120 triệu đồng/tháng), anh bắt tay vào thực hiện thêm mô hình trồng nấm rơm hữu cơ trong nhà.

Hứa Trường Giang - Chàng trai dân tộc Khmer khởi nghiệp ấn tượng ảnh 2Mô hình nuôi trùn quế của chàng Giám đốc HTX trẻ hiện tại. Ảnh: lmhtx.kiengiang.gov.vn

Đam mê làm nông nghiệp sạch

Anh Hứa Trường Giang cho biết, với định hướng sản xuất chuỗi giá trị nông nghiệp hữu cơ, ngoài nuôi trùn quế ở xã Thủy Liễu, Hợp tác xã mới thành lập ở xã Định Hòa trồng nấm rơm hữu cơ sạch cung ứng kịp thời với xu hướng sử dụng nấm của người tiêu dùng trong nước. Việc sản xuất ra sản phẩm phân bón hữu cơ tạo ra sản phẩm sạch, an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ môi trường; đồng thời tạo ra chuỗi quy trình trong sản xuất nông nghiệp khi tận dụng các phế phẩm tạo thành sản phẩm hữu cơ, mở rộng quy mô sản xuất của Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ thanh niên Gò Quao, đặc biệt là sản xuất được nguồn meo nấm rơm tại địa phương và đưa ra thị trường sản phẩm dưa lưới hữu cơ mang thương hiệu của Hợp tác xã.

Bước đầu, hợp tác xã sử dụng 3.000 m2 với tổng số 24 nhà trồng nấm, mỗi nhà có diện tích 75 m2. Loại nấm rơm cũng dễ trồng, từ ngày thành lập đến nay, anh Giang đã có hai đợt thu hoạch, mỗi đợt từ ủ meo đến thu hoạch khoảng 20 ngày, thu về trên 45 triệu đồng. Bên cạnh đó, phế phẩm từ trồng nấm rơm anh sản xuất phân hữu cơ bán ra trên 50 triệu đồng/tháng.

Sau thành công thu hoạch từ nấm tươi, hiện nay Hợp tác xã chuẩn bị ra mắt thêm hai dòng sản phẩm chế biến từ nấm rơm là nấm rơm sấy khô và nấm rơm hút chân không, dự kiến sản lượng cung cấp ra thị trường trung bình 20 kg/tháng.

Với mong muốn tạo việc làm cho thanh niên địa phương, anh Giang đang chuẩn bị thêm một máy trộn phân bón có năng suất làm việc 10 tấn/ngày để tăng tốc độ sản xuất phân bón, tăng hiệu suất làm việc và đáp ứng nhu cầu thị trường sử dụng phân bón hiện nay. Dự kiến, thời gian tới trung bình mỗi tháng hợp tác xã sản xuất được hơn 30 tấn phân bón bao gồm hơn 15 tấn phân HCGQ1 và 15 tấn phân HCGQ2.

Đặc biệt, anh Giang còn hướng tới sẽ ra mắt dòng sản phẩm meo giống nấm rơm mang thương hiệu Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ thanh niên Gò Quao. Theo đó, Hợp tác xã vừa cung cấp meo giống tại trại nấm góp phần giảm chi phí mua meo, vừa cung cấp meo nấm ra thị trường. Nguồn meo được sản xuất sẽ giúp cho việc sản xuất nấm rơm tại địa phương được thuận lợi, giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận. Ngoài ra, tận dụng nguồn phân hữu cơ, Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ thanh niên Gò Quao tiếp tục tiến hành trồng dưa lưới.

Hứa Trường Giang - Chàng trai dân tộc Khmer khởi nghiệp ấn tượng ảnh 3Phân hữu cơ được đóng thành bao bán ra thị trường. Ảnh: lmhtx.kiengiang.gov.vn 

Và những người bạn

Hiện nay, Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ thanh niên Gò Quao đang tạo việc làm cho hơn 10 lao động địa phương, trong đó có những người bạn học phổ thông, có người là kỹ sư nông nghiệp, cùng góp sức với anh Giang.

Danh Phúc Lộc - kỹ sư ngành Nông nghiệp trước đây là bạn học phổ thông, sau khi hay tin bạn thành lập Hợp tác xã và có hướng đi thích hợp, Lộc đã bỏ công ty về bắt tay cùng làm "bạn nhà nông" với anh Giang. Hiện tại, hai người bạn bắt tay thực hiện và đang thành công với mô hình sản xuất nấm rơm. Phế phẩm sau thu hoạch rơm được tận dụng để sản xuất phân bón hữu cơ, tiếp tục phục vụ quá trình sản xuất nông nghiệp. Kỹ sư Lộc cho hay, anh sẽ tiếp tục cùng với anh Giang thực hiện những dự định sắp tới và tin chắc rằng sẽ thành công.

Danh Dũng là bạn học của anh Giang tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Kiên Giang. Anh Danh Dũng bộc bạch: Học hết phổ thông, anh về nhà giúp cha mẹ làm nông nghiệp. Khi được bạn Giang mời về làm việc tại Hợp tác xã, anh nhận lời ngay bởi công việc này luôn gắn liền với nhà nông và làm ra những sản phẩm sạch rất ưng ý nên anh sẵn sàng giúp bạn.

Ngoài Danh Dũng, những người bạn khác như Danh Ly, Nguyễn Minh Nhanh... cũng hợp tác, làm việc, giúp Hợp tác xã của anh Giang lớn mạnh. Mỗi người được hưởng mức lương từ 5-7 triệu đồng/tháng, tùy theo công việc.

Chị Nguyễn Thị Huyền Trang, Bí thư Xã đoàn Định Hòa, huyện Gò Quao cho hay, với ý chí dám nghĩ, dám làm của một đoàn viên trẻ, năng động, sáng tạo, những năm qua, anh Trường Giang luôn được tuyên dương trong các phong trào thanh niên lập thân lập nghiệp. Năm 2019, anh được Huyện đoàn Gò Quao biểu dương về thành tích Thanh niên sống đẹp; Tỉnh đoàn biểu dương thành tích thanh niên làm theo lời Bác cấp tỉnh, giai đoạn 2018 - 2020; được chọn điển hình tham dự Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ VI/2020. Vinh dự hơn, mới đây anh Hứa Trường Giang là một trong những điển hình tham dự Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Kiên Giang lần thứ V.

Lê Sen

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm