Hợp tác xã nông nghiệp - cầu nối liên kết sản xuất hiệu quả ở Sơn La

Anh Vì Văn Doan, hộ thành viên HTX nông nghiệp Duy Lợi ở xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La, thu hoạch cam. Ảnh: Quang Quyết - TTXVN
Anh Vì Văn Doan, hộ thành viên HTX nông nghiệp Duy Lợi ở xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La, thu hoạch cam. Ảnh: Quang Quyết - TTXVN

Với tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp cũng như các chính sách hỗ trợ của tỉnh Sơn La, thời gian qua, các hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp đã có bước phát triển mạnh cả về số lượng, chất lượng và đang trở thành một đối tác kinh tế, tiếp nhận, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp; là cầu nối trong liên kết sản xuất giữa nhà nước – doanh nghiệp – hộ thành viên và nông dân.

Hợp tác xã nông nghiệp - cầu nối liên kết sản xuất hiệu quả ở Sơn La ảnh 1 Anh Vì Văn Doan, hộ thành viên HTX nông nghiệp Duy Lợi ở xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La, thu hoạch cam. Ảnh: Quang Quyết - TTXVN

Cùng đó, các hợp tác xã ở Sơn La đang góp phần quan trọng về phát triển vùng nguyên liệu hàng hóa nông sản tập trung, tăng cường chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất và là nhân tố đi đầu trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Sơn La.

Là điển hình của tỉnh Sơn La, Hợp tác xã Phương Nam ở bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu được thành lập năm 2016, với 7 thành viên, hoạt động chủ yếu trồng cây ăn quả và chăn nuôi lợn. Sau hơn 4 năm hoạt động, đến nay, Hợp tác xã Phương Nam có 10 thành viên, với 100 ha cây ăn quả; trong đó, 85 ha trồng nhãn ghép, 10 ha trồng xoài, 5 ha trồng chuổi, bưởi da xanh và mận hậu. Ngoài ra, Hợp tác xã Phương Nam còn có 4/10 hộ thành viên chăn nuôi hơn 2.500 con lợn thương phẩm theo quy trình khép kín; sản lượng đạt từ 35 đến 40 tấn lợn thịt hơi/tháng.

Anh Trần Như Kiên, Giám đốc Hợp tác xã Phương Nam chia sẻ, trong quá trình sản xuất, kinh doanh anh luôn giúp các thành viên tiếp cận tiến bộ kỹ thuật sản xuất; trong đó có việc áp dụng công nghệ tưới ẩm, chăm sóc, thu hoạch các loại quả đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo sản phẩm sạch đến với người tiêu dùng.

Anh và Ban quản trị hợp tác xã cũng hướng dẫn các xã viên ghép mắt nhãn chín muộn, cải tạo vườn tạo nên năng suất, chất lượng hơn hẳn giống địa phương. Đối với chăn nuôi, anh hướng dẫn các thành viên áp dụng quy trình khép kín, sử dụng quần áo bảo hộ lao động, có phòng sát trùng, phòng cách ly, sử dụng hệ thống biogas, hệ thống tách chất thải rắn và hệ thống camera giám sát từ xa.

Nhờ đó, doanh thu của hợp tác xã trong 2 năm gần đây đạt gần 20 tỷ đồng; thu nhập bình quân của các hộ thành viên đạt từ 500 đến 900 triệu đồng/năm. Hợp tác xã cũng giải quyết việc làm cho hơn 50 lao động, với tiền công từ 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn.

Một điển hình nữa thực hiện có hiệu quả trồng cây trên đất dốc, nâng cao thu nhập và đời sống của người lao động phải kể đến Hợp tác xã xây dựng và nông nghiệp Bảo Khánh, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn. Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Sơn La về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, Hợp tác xã xây dựng và nông nghiệp Bảo Khánh đã mạnh dạn tìm hiểu, học hỏi để trồng và phát triển cây na Thái trên địa bàn tiểu khu 32, xã Cò Nòi.

Anh Bùi Văn Lộc, Giám đốc Hợp tác xã Xây dựng và nông nghiệp Bảo Khánh cho biết, na Thái hay còn gọi na nữ hoàng có ưu điểm sinh trưởng, phát triển tốt và có khả năng kháng bệnh, chịu úng, chịu hạn cao, phù hợp với nhiều loại đất, khí hậu, cho năng suất cao, ít hạt và giá bán cao gấp 3 lần na dai địa phương. Trọng lượng mỗi quả na Thái trung bình từ 0,6 đến 1 kg.

Để liên kết các hộ trồng na Thái tập trung, tháng 8/2017, anh đã thành lập hợp tác xã. Hiện Hợp tác xã Xây dựng và nông nghiệp Bảo Khánh có 40 ha trồng na Thái; trong đó, 30 ha đã cho thu hoạch, bình quân đạt 10 tấn quả/ha. Giá na Thái bán bình quân 80.000 đồng/kg cho thu nhập bình quân từ 800 triệu đồng/ha. Sản phẩm na Thái của hợp tác xã được dán tem truy xuất để cung cấp thông tin về nguồn gốc.

Từ thực tế sản xuất nông nghiệp manh mún, quy mô nhỏ, thiếu sự gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ khiến giá nông sản luôn bấp bênh, điệp khúc “được mùa mất giá” cứ lặp đi lặp lại. Là người trực tiếp sản xuất, nhưng nông dân luôn bị thua thiệt. Chính vì thế, kinh tế tập thể với việc hình thành và phát triển các mô hình hợp tác xã với cách làm mới trong sản xuất, tiêu thụ nông sản ở Sơn La đã tạo ra những tư duy mới trong sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết, sản xuất bền vững.

Đến nay, số lượng, quy mô, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đều tăng. Toàn tỉnh Sơn La hiện có hơn 660 hợp tác xã, với trên 31.000 thành viên; trong đó, lĩnh vực nông lâm thủy sản có 567 hợp tác xã. Ngoài ra, còn có 5 liên hiệp hợp tác xã, với 46 thành viên.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sơn La Lò Minh Hùng, các hợp tác xã đã từng bước giữ vai trò quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Sơn La; hình thành chuỗi liên kết, thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu lao động, nâng cao hiệu quả trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Đặc biệt, các hợp tác xã đã làm tốt dịch vụ phục vụ thành viên, là đầu mối liên kết các hộ gia đình; hỗ trợ, giúp các hộ, thành viên kịp thời tiếp nhận chính sách hỗ trợ của Nhà nước và tỉnh Sơn La.

Cùng đó, các hợp tác xã đã hướng dẫn áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, tiếp cận nguồn vốn, tổ chức sản xuất; chế biến sản phẩm; tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho người dân nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Ông Lê Tiến Lợi, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Sơn La thông tin, hiện nay, hợp tác xã đóng vai trò then chốt đối với việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Sơn La. Vì đối với nông nghiệp, sự hình thành và phát triển hợp tác xã sẽ giải quyết hiệu quả các bài toán mà kinh tế hộ, kinh tế tư nhân trong nông nghiệp không giải quyết được.

Với những bước đi vững chắc, phù hợp, mô hình hợp tác xã đang tạo ra những đột phá của tỉnh miền núi Sơn La trong phát triển nông nghiệp. Đây cũng là cầu nối để đưa nông sản Sơn La không chỉ đến với thị trường trong nước mà còn vươn ra các thị trường nước ngoài.

Nguyễn Cường

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm