Hợp tác xã liên kết sản xuất, kinh doanh theo chuỗi ở Cao Bằng

Hợp tác xã liên kết sản xuất, kinh doanh theo chuỗi ở Cao Bằng

Kinh tế tập thể, hợp tác xã ở tỉnh Cao Bằng đã có nhiều sự phát triển, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường. Hiện nay, các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục thay đổi tích cực với những cách làm mới, sáng tạo, hướng đến phát triển lâu dài, bền vững.

Gia đình anh Nguyễn Trung Hiếu (xóm Phia Đén, xã Thành Công, huyện Nguyên Bình) có truyền thống sản xuất miến dong lâu đời. Trước đây, khi chưa thành lập hợp tác xã, việc sản xuất miến dong chỉ ở quy mô hộ gia đình, manh mún, nhỏ lẻ, lượng miến sản xuất ra không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Hợp tác xã liên kết sản xuất, kinh doanh theo chuỗi ở Cao Bằng ảnh 1Người dân ở Phia Đén phơi miến dưới nắng trên độ cao gần 2000 mét so với mực nước biển. Ảnh: Chu Hiệu-TTXVN

Năm 2020, anh Hiếu vay 300 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam để thành lập Hợp tác xã dong riềng Trung Hiếu; chủ động liên kết các hộ sản xuất nhỏ lẻ trên địa bàn, tạo dựng thương hiệu, tìm kiếm mở rộng thị trường, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm miến.

Anh Hiếu cho biết, hợp tác xã gồm 7 thành viên, sản lượng miến trung bình đạt khoảng 15 - 20 tấn/năm, giá bán dao động từ 75 - 80 nghìn đồng/kg, giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 - 10 lao động. Sản phẩm miến của Hợp tác xã Trung Hiếu từng bước khẳng định chỗ đứng ở địa phương và một số tỉnh như: Thái Nguyên, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Nam Định, Lâm Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh…

Thành lập từ tháng 11/2021, Hợp tác xã nông nghiệp Tiến Bộ (xã Minh Tâm huyện Nguyên Bình) có 12 thành viên, tổng số vốn điều lệ 5 tỷ đồng. Với mô hình khép kín từ tạo giống đến chăn nuôi, tiêu thụ, Hợp tác xã nông nghiệp Tiến Bộ đã chủ động sản xuất, cung ứng đủ nhu cầu thịt lợn sạch cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Anh Đàm Tiến Bộ, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tiến Bộ cho biết, mô hình chăn nuôi với các khu xử lý thức ăn, khu nuôi và khu liên hợp hầm biogas xử lý phân, nước thải được phân chia riêng biệt, đồng thời trang bị hệ thống đèn sưởi và làm mát giúp đàn lợn tăng trưởng ổn định, ít tốn công chăm sóc và hạn chế khả năng bị nhiễm dịch bệnh.

Hiện nay, Hợp tác xã nông nghiệp Tiến Bộ duy trì nuôi 80 con lợn nái, 400 con lợn thịt; trung bình hợp tác xã xuất bán khoảng 100 con lợn thịt/tháng, đạt doanh thu hơn 100 triệu đồng/tháng; giải quyết việc làm tại chỗ cho 12 lao động…

Ông Lại Đức Thứ, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Ba sạch Hưng Đạo chia sẻ, Hợp tác xã nông nghiệp Ba sạch Hưng Đạo (xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng) được thành lập năm 2017, với mục tiêu là bao tiêu các sản phẩm nông sản theo tiêu chí ba sạch (sản xuất sạch, phân phối sạch,tiêu dùng sạch).

Thị trường tiêu thụ sản phẩm của hợp tác xã là một trong những yếu tố quan trọng trong chuỗi giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, vì vậy hợp tác xã luôn đi trước trong xây dựng và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Những ngày đầu thành lập hợp tác xã, ông Thứ đã chủ động đến các chuỗi siêu thị, cửa hàng lớn ở tỉnh, thành phố trong cả nước để quảng bá, chào bán các sản phẩm.

Từ năm 2020, hợp tác xã kết nối với một số doanh nghiệp trong cả nước triển khai thực hiện các mô hình trồng đậu tương, ngô ngọt, ngô bao tử tại thành phố Cao Bằng, huyện Quảng Hòa. Vì vậy, từ vài chục tấn nông sản bao tiêu năm 2017, đến năm 2021, hợp tác xã đã bao tiêu gần 1.000 tấn nông sản, đặc sản các loại; thu nhập đạt hơn 1 tỷ đồng, tạo việc làm thời vụ cho 25 - 30 lao động địa phương.

Hiện nay, hợp tác xã bao tiêu, cung cấp hơn 30 mặt hàng nông sản trên thị trường; trong đó, có 6 sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh. Một số mặt hàng của Hợp tác xã nông nghiệp Ba sạch Hưng Đạo được một số doanh nghiệp đặt bao tiêu toàn bộ để xuất khẩu sang các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản…

Hiện nay, tỉnh Cao Bằng có 387 hợp tác xã, 581 tổ hợp tác với tổng số vốn điều lệ trên 850 tỷ đồng, trên 7.900 thành viên. Quy mô và hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ hợp tác, hợp tác xã được cải thiện; nhận thức của người dân, doanh nghiệp về tổ chức sản xuất theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã ngày càng nâng lên; hạ tầng cơ sở của nhiều hợp tác xã cơ bản đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ, phục vụ sản xuất, kinh doanh...

Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Cao Bằng Hà Ngô Tuấn cho biết, thời gian tới, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Cao Bằng tiếp tục tạo động lực để thúc đẩy hợp tác xã phát triển bền vững bằng việc đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò, vị trí của kinh tế tập thể, hợp tác xã. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành chức năng tập trung nâng cao công tác quản lý, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho kinh tế tập thể và hợp tác xã.

Bên cạnh đó, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Cao Bằng tiếp tục hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, kết nối thị trường tiêu thụ; tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của các hộ nông dân khi tham gia hợp tác xã, kinh tế tập thể và các hình thức tổ chức liên kết hợp tác sản xuất, kinh doanh theo chuỗi.

Chu Hiệu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm