Hòn Cau - Thắng cảnh độc đáo, hấp dẫn của Bình Thuận

Thắng cảnh Hòn Cau thuộc địa giới hành chính huyện Tuy Phong (tỉnh Bình Thuận) cách thành phố Phan Thiết khoảng 110 km. Nơi đây có Khu bảo tồn biển có tính đa dạng sinh học cao, hội tụ nhiều loài hải sản quý hiếm như trai tai tượng, tôm hùm, hải sâm… và các rạn san hô có độ bao phủ cao, đa sắc màu, hình dáng phong phú; sở hữu rạn san hô nguyên thủy với nhiều chủng loại khác nhau. Ngoài ra, trong Khu bảo tồn biển Hòn Cau còn có Đảo Hòn Cau (hay còn gọi là Cù Lao Câu) với cảnh quan thiên nhiên độc đáo, hấp dẫn.

Hòn Cau là hòn đảo nhỏ với diện tích khoảng 1,4 km2, cách bờ 9 km; được bao quanh bởi hàng vạn khối đá có nhiều màu sắc và hình thù khác nhau nằm thành cụm, nhóm hoặc riêng lẻ như có sự sắp đặt của bàn tay con người, đẹp như bức tranh.

Hon Cau - Thang canh doc dao, hap dan cua Binh Thuan hinh anh 1Bãi Tiên, một trong những điểm đến hoang sơ và đẹp của đảo Hòn Cau. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Đặc biệt, đảo Hòn Cau là một trong ba địa điểm trên cả nước có rùa biển - loài động vật nguy cấp, quý hiếm đang sinh sống và lên bờ sinh sản thường xuyên hàng năm. Bên cạnh đó, trên đảo còn giữ lại một số di tích như: Giếng Tiên (hay giếng Gia Long) theo truyền thuyết là nơi vua Gia Long từng ghé lại uống nước; đền thờ thần Nam Hải (Đền thờ cá Ông) là nơi ngư dân tại các xã ven biển của địa phương tổ chức Lễ hội Cầu Ngư hàng năm...

Năm 2019, Khu bảo tồn biển Hòn Cau được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án phát triển du lịch sinh thái bền vững có sự tham gia của cộng đồng. Mục tiêu của đề án là phát huy lợi thế của khu bảo tồn biển, phát triển các loại hình du lịch, dịch vụ phù hợp có sự tham gia của cộng đồng; từ đó tạo sinh kế cho người dân và nguồn tài chính phục vụ quản lý, bảo tồn biển, bảo vệ và phát triển nguồn lợi hải sản; đồng thời, góp phần quản lý chặt, đảm bảo hài hòa giữa phát triển du lịch, bảo tồn biển và tạo thêm điểm đến độc đáo cho du khách trong chuỗi các điểm đến hấp dẫn của địa phương để phát triển du lịch huyện Tuy Phong nói riêng và tỉnh Bình Thuận nói chung.

Hon Cau - Thang canh doc dao, hap dan cua Binh Thuan hinh anh 2Những bãi đá với hình thù lạ mắt bao quanh đảo Hòn Cau. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận ngày cho biết, Uỷ ban nhân dân tỉnh vừa có quyết định xếp hạng Di tích cấp tỉnh đối với Thắng Cảnh Hòn Cau tại xã Phước Thể, huyện Tuy Phong. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Uỷ ban nhân dân huyện Tuy Phong thực hiện việc quản lý Nhà nước đối với Thắng cảnh Hòn Cau theo quy định của pháp luật về Di sản văn hóa. Đây là cơ sở trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị thắng cảnh trong thời gian tới.

Trước đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Uỷ ban nhân dân huyện Tuy Phong xây dựng hồ sơ khoa học Thắng cảnh Hòn Cau tại xã Phước Thể, huyện Tuy Phong. Các thành phần hồ sơ khoa học đã được thiết lập hoàn chỉnh theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bao gồm: Tập lý lịch khoa học và ảnh khảo sát tả thắng cảnh; biên bản và bản đồ khoanh vùng bảo vệ thắng cảnh; bản đồ vị trí và chỉ dẫn đường đi đến thắng cảnh.

Hồng Hiếu

Tin liên quan

Bay dù lượn mạo hiểm tại Hòn Hồng

Nằm cách trung tâm thành phố Phan Thiết khoảng 45 km và cách Mũi Né (Bình Thuận) 25 km, Hòn Hồng đang là một trong những điểm thu hút đông đảo du khách tới tham gia môn thể thao mạo hiểm dù lượn. Nơi đây có ngọn núi cao hơn 200m và một phần được bao quanh bởi một eo biển hoang sơ, bên cạnh là một đồi cát vàng óng ánh. Nhờ lợi thế núi cao, thoáng đãng và dốc núi thoai thoải ít chướng ngại vật nên rất thích hợp với trò mạo hiểm này. ​


Thắng cảnh Bàu Trắng (Bình Thuận) được xếp hạng Di tích quốc gia

Sáng 30/4, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Bắc Bình tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đối với danh lam thắng cảnh Bàu Trắng tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận) theo Quyết định số 3040/QĐ-BVHTTDL ngày 3/9/2019 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.


Bảo vệ môi trường Khu bảo tồn biển Hòn Cau

Khu bảo tồn biển Hòn Cau thuộc địa phận xã Phước Thể, huyện Tuy Phong (Bình Thuận) được biết đến là đảo nhỏ có thắng cảnh thiên nhiên đẹp, có hệ sinh thái rạn san hô rất đa dạng; đặt biệt đây cũng là khu vực có rùa biển sinh sản, loại động vật quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng cao. Tuy nhiên, Khu bảo tồn biển Hòn Cau cũng đang đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường.


Nét đẹp huyền bí đồi cát Mũi Né - Phan Thiết

Từ trung tâm thành phố Phan Thiết đi ra Hòn Rơm trên tuyến đường 706, du khách sẽ nhìn thấy những đồi cát tựa hoang mạc Sahara. Trong đó, Đồi cát vàng là một điểm du lịch khá hấp dẫn, đã ban tặng cho các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp hoặc bán chuyên những tấm ảnh trữ tình được công chúng trong cả nước và thế giới trầm trồ ca ngợi với những nét đẹp thật kiêu sa và lãng mạn. Đồi cát này nối liền với một dãy cồn cát ven biển trên một cung bờ nhỏ Mũi Né – mũi Đá Ông Địa. Bước từng bước chậm lên đồi cát gợi cho du khách liên tưởng về các sa mạc lớn ở Trung Đông hay châu Phi.



Đề xuất