Hơn 56 nghìn hộ gia đình, cá nhân tại Yên Bái được hưởng dịch vụ môi trường rừng

Ông Tô Xuân Quý, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Yên Bái cho biết, sau hơn 8 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh Yên Bái, đã có 56.332 hộ gia đình, cá nhân được hưởng lợi, góp phần nâng cao thu nhập, chất lượng sống của người dân vùng cao.

Hon 56 nghin ho gia dinh, ca nhan tai Yen Bai duoc huong dich vu moi truong rung hinh anh 1Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Yên Bái đã phối hợp với các đơn vi tiến hành chi trả tiền DVMTR cho các chủ rừng  trên địa bàn tỉnh.Ảnh: yenbaifpdf.gov.vn

Ngoài ra, chính sách này cũng góp phần quan trọng chấm dứt tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép và cải thiện đời sống cho người dân địa phương.

Tại nhiều địa phương trong tỉnh, mô hình bảo vệ rừng theo cộng đồng dân cư thôn bản, đã và đang phát huy hiệu quả, nhất là sử dụng nguồn kinh phí từ dịch vụ môi trường rừng, nhiều thôn bản đã có thêm những công trình công cộng khang trang, thay đổi diện mạo vùng nông thôn miền núi.

Sau 8 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, qua rà soát diện tích, chủ rừng và ký hợp đồng cung ứng dịch vụ môi trường rừng đến các đơn vị, tổ chức cá nhân như các nhà máy thủy điện, nhà máy nước, các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng nguồn nước phục vụ sản xuất đã làm chuyển biến tích cực ý thức bảo vệ rừng của người dân.

Những năm trước đây khi chưa thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, mỗi ha rừng được chi trả rất thấp, mỗi năm khoảng 200 nghìn đồng/1 ha, nhưng từ khi thực hiện chính sách này số tiền chi trả đã tăng lên từ 600 đến 800 nghìn đồng/1 ha/năm.

Riêng trong năm 2020, số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng toàn tỉnh Yên Bái đã tăng lên 114 tỷ đồng từ nguồn thu được của 26 nhà máy thủy điện, 9 công ty cung cấp nước sạch và 23 cơ sở sản xuất công nghiệp.

Từ thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đã có 56.332 hộ gia đình, cá nhân trong tỉnh Yên Bái được hưởng lợi, gần 200 nghìn ha rừng được bảo vệ từ nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã mang lại nhiều đổi thay cho cuộc sống của người dân; trong đó có bà con dân tộc thiểu số hai huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải, giúp người dân nâng cao thu nhập từ rừng để gắn bó hơn với nghề rừng.

Thời gian tới, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Yên Bái tiếp tục chú trọng tuyên truyền, phổ biến chính sách và nâng cao hiểu biết tiếp cận chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng rộng rãi bằng nhiều hình thức như: Sưu tầm các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; phát tờ rơi tuyên truyền về quản lý bảo vệ rừng gắn với chi trả dịch vụ môi trường rừng cấp phát cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng, cán bộ thôn, xã và người dân; tổ chức các lớp tập huấn về quản lý, giao khoán bảo vệ rừng gắn với chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các địa phương trong tỉnh... 

Việt Dũng

Tin liên quan

Đắk Nông quản lý, bảo vệ rừng vẫn còn nhiều khó khăn

Nhiều đơn vị chủ rừng tại Đắk Nông đang “than thở” công tác quản lý, bảo vệ rừng ngày càng khó khăn. Nguyên nhân một phần do thủ đoạn của các đối tượng phá rừng, lấn chiếm đất rừng ngày càng tinh vi, khó xử lý, một phần do nguồn lực cho công tác quản lý bảo vệ rừng ngày càng eo hẹp.


Ninh Thuận phát triển rừng gắn với cải thiện sinh kế cho người dân

Xác định rừng và đất rừng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Ninh Thuận đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng thay thế, chi trả dịch vụ môi trường rừng gắn với xây dựng sinh kế cho người dân vùng đệm.


Đắk Nông: Dựa vào dân vùng đệm để quản lý, bảo vệ rừng

Giao khoán rừng cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và các hộ dân thuộc diện nghèo quản lý là một chính sách vừa hiệu quả trong bảo vệ rừng, vừa góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, giúp họ ổn định cuộc sống. Đây là hướng đi phù hợp, hiệu quả, trong bối cảnh rừng ngày càng quan trọng trong ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.



Đề xuất