Hơn 49.000 ha đạt đủ các tiêu chí của quy trình sản xuất cà phê bền vững

Hơn 49.000 ha đạt đủ các tiêu chí của quy trình sản xuất cà phê bền vững

Chiều 4/1, tại thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị thúc đẩy tiến độ thực hiện hợp phần cà phê năm 2022 và công bố kết quả triển khai hoạt động hạ tầng kỹ thuật cà phê đặc sản và cà phê cảnh quan - thuộc Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT).

Hơn 49.000 ha đạt đủ các tiêu chí của quy trình sản xuất cà phê bền vững ảnh 1Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN

Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam được thực hiện từ năm 2015 – 30/6/2022. Phạm vi thực hiện tại 13 tỉnh, thành là Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng và Tiền Giang.

Có 7 tỉnh được lựa chọn thí điểm tái cơ cấu là Vĩnh Phúc, Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bình Định, Đồng Tháp, Lâm Đồng. Tổng mức đầu tư 6.629 tỷ đồng.

Dự án có 4 hợp phần gồm tăng cường năng lực thể chế phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển lúa gạo bền vững, phát triển cà phê bền vững, quản lý dự án.

Kết quả thực hiện hợp phần phát triển cà phê bền vững, từ năm 2015 đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã đào tạo quy trình sản xuất cà phê cho 52.461 hộ; hiện có 49.083 ha đã được áp dụng đủ các tiêu chí của quy trình sản xuất cà phê bền vững. Lũy kế đến hết năm 2021, các tỉnh Tây Nguyên đã đào tạo quy trình tái canh bền vững cho 29.234 hộ; đã có 24.088 hộ tiến hành tái canh với diện tích 21.574 ha.

Hơn 49.000 ha đạt đủ các tiêu chí của quy trình sản xuất cà phê bền vững ảnh 2Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN

Để hỗ trợ nâng cấp vườn ươm và chứng nhận vườn ươm, Ban quản lý dự án Trung ương đã nâng cấp cơ sở hạ tầng 2 vườn ươm giống cho Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên tại tỉnh Đắk Lắk và Trung tâm Lâm nghiệp nhiệt đới Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam tại tỉnh Gia Lai; tổng vốn hơn 21,3 tỷ đồng. Ban Quản lý dự án 5 tỉnh Tây Nguyên đã chứng nhận vườn ươm đạt chuẩn cho 51 vườn, hỗ trợ nâng cấp 32 vườn ươm. Các vườn ươm được nâng cấp đã cung cấp ra thị trường hơn 11,6 triệu cây giống đảm bảo chất lượng cho tái canh cà phê.

Bên cạnh đó, từ năm 2015 đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã xây dựng được 110 mô hình tưới nhỏ giọt và 206 mô hình tưới phun mưa sử dụng nguồn vốn từ dự án. Qua tuyên truyền, các hộ dân trong vùng dự án đã tự đầu tư 555 ha tưới nhỏ giọt và 5.710 ha tưới phun mưa tại gốc.

Về cơ sở hạ tầng, dự án đã hỗ trợ cho 42 tổ chức nông dân, hợp tác xã cơ sở hạ tầng và thiết bị phục vụ sản xuất với tổng vốn 204,6 tỷ đồng. Trong giai đoạn gia hạn (tháng 1/2021 đến nay), các tỉnh Tây Nguyên đã triển khai 30 tiểu dự án đầu tư công với tổng vốn 510 tỷ đồng. Các ngân hàng đã cho 5.327 hộ vay vốn để tái canh 11.465 ha cà phê.

Hơn 49.000 ha đạt đủ các tiêu chí của quy trình sản xuất cà phê bền vững ảnh 3Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên chia sẻ về kinh nghiệm, giải pháp thực hiện dự án. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN

Từ đầu dự án đến nay, tổng giải ngân của 5 tỉnh Tây Nguyên là 698 tỷ đồng, đạt 70% kế hoạch tổng thể. Kế hoạch vốn năm 2022, các tỉnh Tây Nguyên dự kiến sử dụng hơn 242,8 tỷ đồng để thực hiện dự án. Các tỉnh tiếp tục bố trí vốn đối ứng cho hoạt động kỹ thuật để duy trì tính bền vững các chỉ số mục tiêu dự án, xây dựng vùng cà phê đặc sản và mô hình cảnh quan cà phê, liên kết chuỗi giá trị, xây dựng vùng nguyên liệu cà phê bền vững.

Tại hội nghị, đại diện các cơ quan của Bộ và 5 tỉnh Tây Nguyên đã trao đổi, thảo luận về kết quả thực hiện dự án cũng như bàn giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Y Giang Niê Knơng, tỉnh hiện có khoảng 210.000 ha cà phê, năng suất bình quân đạt 26 tạ/ha, sản lượng đạt khoảng 510.000 tấn cà phê nhân/năm. Được sự hỗ trợ, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cà phê Đắk Lắk đã phát triển bền vững thành các vùng cảnh quan, vùng cà phê đặc sản, được sản xuất và chế biến đúng quy trình, không phát triển diện tích ngoài vùng quy hoạch, tập trung tái canh, thâm canh. Hội nghị là cơ hội để tỉnh Đắk Lắk trao đổi, học tập, đánh giá về thực trạng, các nhân tố ảnh hưởng đến ngành cà phê nhằm đúc kết những bài học kinh nghiệm, các giải pháp thực hiện dự án đạt hiệu quả trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, sau thời gian dài thực hiện dự án, Việt Nam đang có những giống cà phê chịu được hạn hán, năng suất cao đồng đều và rải vụ được, giúp giãn lao động, giãn thị trường không dồn dập vào một thời điểm. Những năm qua, mặc dù giá cà phê giảm sâu song vẫn giữ được sức khỏe vườn cây, năng suất tiếp tục tăng. Đặc biệt, về tái canh cà phê, các tỉnh Tây Nguyên thực hiện bài bản, thay giống mới nhưng năng suất không giảm. Kết quả nổi bật nhất trong thực hiện dự án là các tiểu dự án đạt và vượt kế hoạch đặt ra.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị, cần tiếp tục triển khai đồng bộ các hợp phần dự án lồng ghép với kế hoạch của các tỉnh, nâng cao giá trị gia tăng và phát huy hiệu quả dự án. Công tác trồng xen cây ăn quả với cà phê phải đảm bảo hiệu quả kinh tế của cây cà phê. Các tỉnh đẩy nhanh tiến độ thi công các tiểu dự án, hoàn thành công trình trước ngày 30/6/2022 đảm bảo chất lượng, phát huy hiệu quả nguồn vốn; thường xuyên đôn đốc, giám sát, báo cáo tiến độ cho Bộ để kịp thời tháo gỡ vướng mắc nếu có.

Hoài Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm