Hỏi tuổi để bốc thuốc chữa bệnh

Hỏi tuổi để bốc thuốc chữa bệnh

Cây thuốc ở quanh ta

- Tôi bị khớp 2-3 năm rồi. Uống thuốc Tây nhiều lắm rồi nhưng nó không dứt. Thuốc nam uống 3 năm trở lại đây, hắn khỏi. - Anh Trần Văn Tám ở xóm 2, xã Nghĩa An, huyện Nghĩa Đàn, nói

- Tôi sinh được 2 cháu rồi. Mỗi lần sinh, tôi lấy thuốc ở đấy, đấy là thuốc khỏe. Uống thuốc đấy nó đỡ kiêng cữ hơn, mình được đi lại sớm hơn, ăn uống cũng không phải kiêng. Tôi đây 3 ngày là đi lại, làm việc bình thường. Bệnh đau mỏi tôi cũng lấy thuốc ở đấy thì cũng thấy đỡ đi. - Chị Nguyễn Thị Loan, ở khối 3, thị trấn Con Cuông, nói

Họ là những người từng gõ cửa nhà người Thái để xin thuốc chữa bệnh. Theo lời anh Tám và Chị Loan, ở thị trấn Con Cuông, địa chỉ bà con tin tưởng tìm đến nhất là tiệm thuốc Cường Việt của lương y Vi Xuân Cường.

  10295913_1604783796471689_5251109279268224364_o.jpg

Một vị thuốc của ông Vi Xuân Cường

Tiệm thuốc của ông Vi Xuân Cường, dân tộc Thái, nằm sâu trong một con ngõ ở khối 2, thị trấn Con Cuông. Trên tường nhà treo một tấm bảng lớn đề danh mục các loại bệnh mà ông Cường nhận chữa. Từ các bệnh nhẹ như ghẻ ngứa, hắc lào đến những bệnh nghiêm trọng như suy tim, thận... thậm chí cả các bệnh nan y như tiểu đường, guot cũng có tên trên bảng này.

 

Ngoài sân, mấy người thợ làm thuốc của ông Cường, liên tục tay dao, tay thuốc băm, chặt. Có những thân cây to bằng bắp chân người lớn, chẳng khác gì những khúc củi. Ông Cường cho rằng cây thuốc ở quanh ta, người có nghề thì biết là thuốc, vào tay người không biết thì chỉ là củi!

 

Các thày lang người Thái như ông Vi Xuân Cường quan niệm con người sinh ra đã là một hệ thống cân bằng, hoàn chỉnh. Qua thời gian, do quá trình ăn uống, ngoại cảnh tác động làm mất sự cân bằng vốn có thì mới sinh ra bệnh. Do đó, khi bốc thuốc, các thầy thuốc tuân thủ thuyết âm dương ngũ hành. Thí dụ như cách chữa bệnh tiểu đường, đầu tiên phải củng cố chức năng tim, thận.

 
Ông Vi Xuân Cường bảo: "làm nghề thuốc theo cách của người Thái rất vất vả. Các thầy thuốc phải thường xuyên vào rừng lấy thuốc nhưng không phải đi lúc nào cũng được. Thầy giỏi phải biết chọn thời điểm lấy thuốc sao cho dược lực của thuốc được mạnh nhất."
11412339_1604783849805017_7452373513371472187_n.jpg

Những người thợ làm thuốc của ông Cường

Người Thái đi lấy thuốc là phải xem giờ, xem ngày.  Ví dụ chữa tim, cây chủ chốt là cây mó há, quan trọng là hái ngày mùng 7, 17 âm lịch, là ngày con mọt không ăn quả, không hay đục cây. Xem thời tiết, mưa thì nhạt thuốc, nóng quá thì khô. 

Hành nghề y hơn 30 năm nay, ông Cường đã bốc thuốc cho không biết bao nhiêu người, nhưng thuốc cho mỗi bệnh nhân đều khác nhau:

- Độ tuổi liên quan đến chất lượng của thuốc. Ví dụ anh sinh năm 1975, anh là Ất Mão. Thì cái vị thuốc này anh phải lấy thêm mấy cành mấy ngọn mấy gói...

Theo ông Lang Vi Xuân Cường, với cách thức bốc thuốc linh hoạt như vậy, người bệnh dễ hợp thuốc.

Bí quyết truyền nghề và giữ nghề

.Ông lang Vi Xuân Cường kể: Theo phong tục từ xưa, các thầy thuốc dân tộc Thái sau khi đã ra hành nghề sẽ bắt đầu nhận đệ tử. Số đệ từ phải là số lẻ, tức là phải nhận 3, 5 hoặc 7 người. Nhưng trong số ấy, thường chỉ có một người được học hết bài của thầy. 

 

- Các thầy bảo là số lẻ nó còn thiếu thì dễ nhập vào. Ví dụ nhận 3 trong số đó thì chỉ có 1 người duy trì được còn 2 người kia thì học hao hao thôi, cũng biết nhưng được 30-40%. Người nào có năng khiếu, người nào chu đáo, chu tất thì người thầy thuốc cũng như bố mẹ truyền lại cho. Học truyền miệng nên có người yêu nghề, yêu ngành thì thường họ nắm chắc hơn nguyên tắc bài thuốc, cắt thuốc. - Ông Cường nói giải thích.

  11229893_1604783799805022_7237166881770439690_n.jpg

Ông Cường đang bốc thuốc

Đặc biệt, người Thái rất kiêng việc học mót, học lỏm trong nghề thuốc. Thầy dạy đến đâu, trò được biết đến đấy, không được nhìn trộm, học trộm. Đó là lí do vì sao mọi cây thuốc sau khi lấy về đều bị cạo sạch vỏ. Đó là cách để các thầy thuốc giữ được bí mật nghề, và bởi "nếu mà học mót thì cây giống cây, lấy về uống là sinh chuyện ra".

 

Ông Vi Xuân Cường bảo, từ ngày xưa, do chưa có chữ viết, những bài thuốc quý chỉ được truyền miệng, người đời trước dạy cho người đời sau. Vì thế, những thầy thuốc trẻ phải mất rất nhiều năm mới thông thạo hết hàng trăm vị thuốc. Để ghi nhớ và bảo tồn các bài thuốc quý, họ nghĩ ra cách đem các vị thuốc cho vào các túi nhỏ được đánh dấu, rồi ghi nhớ túi nào trộn với túi nào, dùng để chữa bệnh nào. Nhờ vậy các bài thuốc của người Thái vẫn được truyền đến ngày hôm nay.

 

Ngoài yếu tố con người, đồng bào Thái rất coi trọng việc giữ nguồn thuốc. Khi lấy thuốc, người Thái đặt ra nguyên tắc “không đào tận gốc, trốc tận rễ”, càng là thuốc quý càng phải bảo vệ để chúng phát triển.

 

- Khi đi hái người thầy thuốc hướng dẫn cho những người đi hái thuốc đúng theo quy trình bảo vệ, bảo quản tức là chặt phải để 20cm sau này nó mọc lại chứ không phải được chặt hết cả. Nếu lấy cả rễ , 2 cây mình chỉ được lấy 1 cây thôi. Có câyi thuốc hiện nay nó hiếm, mọc kẽ đá, trồng ở đất ta không hợp, cho nên mình cũng lấy về cất đi hoặc là mình vẽ sơ đồ ra. Ví dụ chỗ này có cây này rất quý, mình ghi trong sổ vàng cất đi, sau này báo cho con cháu của mình chỗ này không được đào về trồng, khi khai thác thì phải giữ gốc. - ông Cường chiêm nghiệm.

Theo VOV4

Có thể bạn quan tâm