Hội thảo khoa học "Chiến thắng A Bia - Tầm vóc và dấu ấn lịch sử"

Hội thảo khoa học "Chiến thắng A Bia - Tầm vóc và dấu ấn lịch sử"
Trong trận đánh 'đồi thịt băm' nổi tiếng đẫm máu của Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam, đã có nhiều hơn một lần các chiến đấu cơ Mỹ dội bom và bắn phá trực tiếp vào chiến hào của đồng minh của mình. Nguồn ảnh: vn.sputniknews.com
Trong trận đánh 'đồi thịt băm' nổi tiếng đẫm máu của Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam, đã có nhiều hơn một lần các chiến đấu cơ Mỹ dội bom và bắn phá trực tiếp vào chiến hào của đồng minh của mình. Nguồn ảnh: vn.sputniknews.com
Nguyên viện trưởng Viện Khoa học Quân sự Việt Nam Trần Ngọc Long cho biết, 50 năm đã trôi qua, nhưng với một chiến thắng có tầm vóc, ý nghĩa to lớn như chiến thắng A Bia, thời gian càng lùi xa càng đòi hỏi việc nghiên cứu, đánh giá một cách khách quan, khoa học hơn về những giá trị lớn lao của chiến thắng này. Tiếp cận, nghiên cứu trận A Bia từ nhiều góc cạnh là để góp phần nhận thức một cách đầy đủ, toàn diện, khách quan hơn về trận đánh hết sức khốc liệt nhưng ý nghĩa và tác động rất mạnh mẽ, để chiến thắng A Bia được trả về đúng vị trí của nó không chỉ trong sử sách mà cả trong nhận thức cộng đồng. . Trận đánh đồi A Bia (hay còn gọi là trận Đồi thịt băm) là trận chiến đấu diễn ra trên cao điểm 937 (nay thuộc địa bàn xã Hồng Bắc, huyện A Lưới) giữa quân và dân ta với Mỹ vào những ngày tháng 5 năm 1969. Đối với quân đội ta, đây là trận đánh có ý nghĩa lịch sử quan trọng. Trận đánh đã tiêu diệt một lượng đáng kể lính Mỹ, đánh bại âm mưu của đế quốc Mỹ nhằm đẩy cơ quan chỉ huy và bộ đội chủ lực của ta ra sát biên giới Việt - Lào, phá kho tàng, cắt đường vận chuyển, tiếp tế từ Bắc vào Nam qua địa bàn A Lưới. A Bia là điểm cao nhất (937 mét so với mặt nước biển) nằm giữa vùng rừng núi trùng điệp gần biên giới Việt - Lào. Đỉnh A Bia có ba mỏm đứng thế chân kiềng cao xấp xỉ nhau, cách nhau khoảng 400 mét. Tại đây, sau thất bại trong Tổng tiến công Xuân Mậu Thân (1968), đế quốc Mỹ điên cuồng mở nhiều đợt tấn công vào khắp các địa bàn Thừa Thiên - Huế, đặc biệt là những cuộc càn quét vào thung lũng A Lưới. Địch chọn A Bia làm địa điểm tập kết quân, gồm 13 tiểu đoàn Mỹ - Ngụy kết hợp với lực lượng không quân, pháo binh, xe tăng yểm trợ hòng đẩy quân ta ra sát biên giới Việt - Lào, phá vỡ hành lang vận chuyển chiến lược 559. Song, lợi dụng địa thế hiểm trở cùng thời tiết khắc nghiệt rừng núi, các đơn vị bộ đội chủ lực của ta phối hợp với lực lượng bộ đội địa phương, dân quân du kích đã chủ động tấn công đập tan cuộc hành quân của địch, tiêu diệt gần 1.600 tên, phá hủy nhiều phương tiện, vũ khí chiến tranh. Đại tá Hồ Hữu Lạn, Cựu chiến binh Sư đoàn 324 nhớ lại: Trận chiến đấu trên động A Bia, điểm cao 937 của A Lưới vào ngày 10/5/1969 của Trung đoàn 3, Sư đoàn 324 với Sư dù 101 Mỹ là trận vận động tấn công kết hợp chốt, có quy mô lớn nhất của toàn trung đoàn. Trong trận này ta sử dụng một tiểu đoàn chốt trên động A Bia, hai tiểu đoàn vận động tấn công. Toàn Trung đoàn bí mật thay quân cho Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 9. Trong gần 10 ngày tấn công lên động A Bia của Mỹ ngụy, Trung đoàn 3, Sư đoàn 324 và quân dân huyện A Lưới đã kiên cường chiến đấu, mặc dù Sư dù 101 lính Mỹ đã sử dụng tối đa binh hỏa lực, vận dụng nhiều thủ đoạn tấn công lên chốt, nhưng chúng đã bị thất bại thảm hại. Sự phối hợp hỗ trợ nhịp nhàng của hai lực lượng chốt và cơ động tấn công của Trung đoàn 3, với lực lượng dân quân du kích, Bộ đội huyện A Lưới đã phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân đánh giặc, làm Sư đoàn lính dù Mỹ bị diệt 11 đại đội, thiệt hại nặng 5 tiểu đoàn Mỹ và 2 tiểu đoàn ngụy, bị bắn rơi, bắn cháy 37 máy bay các loại phần lớn là trực thăng chở quân, bị phá hủy 24 khẩu pháo với 1.600 quân, làm rung chuyển Lầu Năm Góc. Tại hội thảo, các đại biểu đều khẳng định: Chiến thắng A Bia bắt nguồn từ sự đúng đắn của đường lối chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, của quân và dân quân khu Trị Thiên, cũng như Trung đoàn 3 và nhân dân A Lưới. Những giá trị và ý nghĩa lịch sử của trận đánh đồi A Bia đã thể hiện chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí quyết tâm và lòng quả cảm, chịu đựng mọi gian khổ hy sinh của bộ đội và nhân dân ta, không bao giờ khuất phục vì mưa bom bão đạn của giặc Mỹ. Các đại biểu cho rằng, cần xây dựng A Bia trở thành biểu tượng sáng ngời của quân và dân ta nói chung, quân và dân A Lưới nói riêng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bí thư Huyện ủy A Lưới Nguyễn Thị Sửu cho biết, hội thảo là cơ sở để xây dựng và hoàn thiện "Kỷ yếu trận đánh đồi A Bia", làm nguồn tư liệu quý giá cho kỷ niệm 50 năm diễn ra trận đánh đồi A Bia (1969-2019), để có thêm thông tin cũng như nhìn nhận đúng đắn về giá trị và ý nghĩa lịch sử của trận đánh, xây dựng A Bia trở thành biểu tượng sáng ngời của quân và dân ta nói chung, quân và dân A Lưới nói riêng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Quốc Việt 

Có thể bạn quan tâm