Hội Soóng cọ ở Bình Liêu năm 2018

Hội Soóng cọ ở Bình Liêu năm 2018
Các nghệ nhân người dân tộc Tày biểu diễn mừng khai hội Soóng cọ năm 2018. Ảnh: Nguyễn Hoàng-TTXVN
Các nghệ nhân người dân tộc Tày biểu diễn mừng khai hội Soóng cọ năm 2018. Ảnh: Nguyễn Hoàng-TTXVN

Hội Soóng cọ hay còn gọi là Shặm nhịt hụi, Hội tháng ba diễn ra trong hai ngày 30/4 và 1/5 (tức ngày 15, 16 âm lịch). Mở màn đêm khai Hội là những tiết mục văn nghệ như: Em đi mở hội tháng 3; Khúc Soóng Cọ tháng 3; Lằm tàng Phiêng Lèo... do người Sán Chỉ, Tày biểu diễn.

Xưa hội Soóng cọ chỉ dành cho người đã trưởng thành, trẻ em không được phép tham gia, bởi mục đích chính là để cho đôi lứa tìm người tâm đầu ý hợp kết thành nhân duyên. Đồng thời dành cho những người yêu nhau say đắm mà không đến được với nhau có thể gặp lại nhau trong ngày Hội và chỉ trong ngày hội đó, họ mới được thoải mái hát ca, tâm tình, ở bên nhau mà không bị xã hội cười chê. Vào ngày hội, trai gái bản trên, bản dưới hát từ tối đến sáng, họ đứng hát với nhau ở trên các sườn đồi, đồng ruộng. Hội ngày nay, thu hút sự tham gia của đông đảo tầng lớp nhân dân địa phương,  trở thành điểm thu hút khách thăm quan du lịch thập phương.

Hát Soóng cọ là phát âm theo tiếng Sán Chỉ ở Bình Liêu, có nghĩa là ca hát, hát xướng, hát giao duyên. Đây là một hình thức diễn xướng bao gồm những khổ thơ thất ngôn tứ tuyệt (mỗi khổ thơ gồm 4 câu, mỗi câu 7 tiếng). Với thể thức đối đáp, người hát chia làm hai bên, một bên nam, một bên nữ đứng đối diện hát hoặc cùng một lúc có nhiều tốp hát đối nhau. Khi cất lên những câu hát đầu tiên, các bên hát bắt buộc phải có những lời hát mời. Sau các hồi hát chung, các cặp hát hợp nhau hoặc có những tình ý riêng có thể tách ra hát riêng và họ có thể hát tới sáng.

Tiết mục văn nghệ của người Sán Chỉ tại đêm khai Hội Soóng cọ 2018. Ảnh: Nguyễn Hoàng-TTXVN
Tiết mục văn nghệ của người Sán Chỉ tại đêm khai Hội Soóng cọ 2018.
Ảnh: Nguyễn Hoàng-TTXVN

Hát Soóng cọ có những quy định riêng như không hát với người cùng huyết thống, cùng gia đình (dâu, rể). Sau khi kết thúc Hội, ai về nhà đấy, không được tơ vương, tự ý hẹn hò, không được can thiệp vào đời sống gia đình riêng của nhau gây mất hạnh phúc, đổ vỡ gia đình của bên kia. Nếu vi phạm các nguyên tắc trên thì cả hai người sẽ bị hai họ phế truất ra khỏi dòng họ, bị cả thôn, bản và mọi người chê cười.

Thông qua lối hát Soóng cọ, các đôi nam thanh, nữ tú có thể kết bạn và tỏ tình với nhau, gửi gắm những tâm sự đôi lứa, người già trong thôn bản dùng lời hát để răn dạy con cháu về công ơn nuôi dưỡng, sinh thành của cha mẹ, kinh nghiệm đối nhân xử thế, truyền cho nhau những kinh nghiệm trong lao động sản xuất cũng như trong cuộc sống… Khi hát Soóng cọ, người hát sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình kết hợp với trang phục truyền thống để tạo nên nét văn hóa riêng của người Sán Chỉ.

Đến với không gian văn hóa mang đậm bản sắc của đồng bào Sán Chỉ, du khách sẽ được hòa mình vào các hoạt động lễ hội như: thưởng thức những tiết mục hát đối, hát giao duyên nồng thắm, xem những phần thi trình diễn trang phục dân tộc, trò chơi dân gian của đồng bào vùng cao kéo co; đẩy gậy; bắn nỏ... Việc  thưởng thức  ẩm thực vùng cao với những món ăn truyền thống cũng sẽ là trải nghiệm không thể bỏ qua của mỗi du khách.

Ngày hội được tổ chức với mong muốn quảng bá, giới thiệu những nét đẹp văn hóa truyền thống và phong tục tập quán của đồng bào địa phương đến du khách trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, góp phần bảo tồn, giáo dục và phát huy những giá trị văn hóa, làm phong phú thêm  đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân các dân tộc vùng cao Bình Liêu.
Nguyễn Hoàng

Có thể bạn quan tâm