Hồi sinh nghề đậu bạc truyền thống của đất Thăng Long

Hồi sinh nghề đậu bạc truyền thống của đất Thăng Long
Dần rộng mở nghề cha ông

Chỉ cho khách xem các sản phẩm đậu bạc từng đoạt giải trong nước và quốc tế như “Hộp tú cầu đậu bạc”, “Hộp quạt Xuân Hương”, “Ví xách tay” cùng những sản phẩm khác, Nghệ nhân nhân dân Quách Văn Hiểu giải thích lý do đậu bạc Định Công được người xưa công nhận là một trong bốn nghề tinh hoa nhất đất Thăng Long. Nếu một số nghề kim hoàn khác có thể sử dụng một phần máy móc để hỗ trợ chế tác, riêng đậu bạc Định Công phải sử dụng cách thức làm thủ công gần như hoàn toàn bởi nghề này đòi hỏi sự cầu kỳ, cẩn trọng đến cao độ cho mỗi sản phẩm. Bạc nung được kéo thành những sợi chỉ, từ đó, người thợ uốn thành các họa tiết nhỏ gắn vào đồ trang sức hoặc kết thành nhiều sản phẩm khác nhau. Nghệ nhân Quách Văn Hiểu ví von, sản phẩm đậu bạc như những tấm vải the, cả hai mặt đều mảnh mai, nhẹ nhàng như nhau, chỉ có bàn tay người thợ đậu bạc ở Định Công mới làm được.
 
Hồi sinh nghề đậu bạc truyền thống của đất Thăng Long ảnh 1
Nghệ nhân nhân dân Quách Văn Hiểu giới thiệu về tinh hoa của nghề.
Ảnh: Đinh Thuận - TTXVN.

Đầu những năm 70 của thế kỷ trước, nghề đậu bạc Định Công gần như không còn tồn tại, chỉ một số ít những thợ giỏi trong làng còn nhớ nghề, thỉnh thoảng ngồi tỉ mẩn thực hành.  Ngày qua ngày, khi không còn đối mặt nhiều với khó khăn trong cuộc sống, những người tâm huyết với nghề ở làng Định Công bắt đầu nghĩ đến việc vực nghề truyền thống. Đến nay, dù số lượng người theo nghề đậu bạc ở Định Công mới được vài chục người nhưng con số này thực sự có ý nghĩa khi nghề truyền thống không được ưa chuộng trong xã hội hiện nay.

Đáng mừng hơn, năm 2006, những người thợ đậu bạc làng Định Công với sự hỗ trợ của cơ quan chức năng đã thành lập Chi hội mỹ nghệ kim hoàn đá quý Định Công để cùng liên kết và hỗ trợ nghề truyền thống phát triển. Hàng năm, Chi hội tổ chức đào tạo nghề miễn phí cho các học viên ở Định Công và quận Hoàng Mai. Với tính chất là nghề thủ công đòi hỏi phải kiên nhẫn, có tâm nên số người thực sự gắn bó với nghề sau khi học xong cũng chỉ được một phần, tuy nhiên lượng người tham gia làm nghề vẫn tăng theo các năm.

Đặc biệt, khi nhu cầu sử dụng đồ mỹ nghệ kim hoàn đang hướng vào hàng chất lượng cao, nhiều người đã tìm đến sản phẩm đậu bạc Định Công. Không chỉ khách hàng cá nhân, nhiều tổ chức, đoàn thể đã đặt hàng làm quà tặng. Thậm chí, có thời điểm, cung không đủ cầu, những người thợ trong làng có cơ hội thỏa niềm đam mê sáng tạo.

Nỗi niềm người giữ nghề

Dù nghề quý của làng đang dần hồi sinh và từng bước rộng mở song những người tâm huyết với nghề đậu bạc Định Công vẫn còn nhiều trăn trở bởi họ vẫn chưa có nơi để làm nghề, dạy nghề, phát triển nghề đúng nghĩa.

Nghệ nhân Quách Văn Hiểu tâm tư, hiện nay, việc phát triển nghề mới manh mún trong từng hộ gia đình, trong khi đó diện tích nhà lại không đủ rộng để làm nghề. Dù được sự quan tâm của địa phương trong việc cho ra đời Chi hội mỹ nghệ kim hoàn đá quý Định Công song mặt bằng cho Chi hội hoạt động và dạy nghề cũng khó khăn. Những người thợ bạc Định Công mong muốn, có một xưởng chế tác đủ rộng ngay tại làng. Hiện tại, chỉ duy nhất một tổ sản xuất với hơn 10 người làm tập trung, số còn lại đưa về làm rải rác trong các gia đình trong làng.

Thấu hiểu nỗi niềm những nghệ nhân, người thợ đậu bạc sau nhiều năm gian nan đưa nghề phục hồi, chính quyền phường Định Công và quận Hoàng Mai đang tiến hành các thủ tục tạo điều kiện về mặt bằng cũng như cơ sở vật chất khác nhằm tổ chức khu trưng bày, dạy nghề và phát triển nghề đậu bạc. Nghệ nhân và người thợ Định Công tin rằng,  không lâu nữa, nghề đậu bạc sẽ có một vị trí phát triển mới.

Đinh Thuận
TTXVN

Có thể bạn quan tâm