Hội nhập kinh tế quốc tế - cơ hội lớn với Việt Nam

Hội nhập kinh tế quốc tế - cơ hội lớn với Việt Nam
Hội nhập kinh tế quốc tế - cơ hội lớn với Việt Nam ảnh 1
Ngày 4/2, tại thành phố Auckland, New Zealand, Bộ trưởng Thương mại và Kinh tế của 12 nước thành viên tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chính thức đặt bút ký vào văn bản này. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Việt Nam gia nhập WTO trong năm 2007, và trong những năm vừa rồi ký một loạt hiệp định thương mại tự do song phương với những nước như Nhật Bản, Chile, Hàn Quốc và những hiệp định trong khuôn khổ ASEAN với Ấn Độ, Trung Quốc, Australia, Nhật, v.v... Tính đến năm 2015, Việt Nam có quan hệ thương mại với 230 quốc gia, vùng lãnh thổ. 
Gần đây nhất Việt Nam đã ký kết 3 hiệp định quan trọng, có thể là một bước ngoặt lớn cho công cuộc hội nhập đó là Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong đó, TPP được xem là hiệp định sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với kinh tế của Việt Nam. Phóng viên TTXVN tại Geneva đã trao đổi với ông Phạm Nam Kim, chuyên gia tài chính - ngân hàng Thụy Sĩ, về cơ hội cũng như thách thức của Việt Nam khi hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh mới. 
Cơ hội từ các hiệp định thương mại khu vực 
TPP đã được các nước ký kết ngày 4/2/2016 và sau khi được các quốc hội phê duyệt sẽ có hiệu lực trong năm 2018. TPP quy tụ 12 quốc gia quanh Thái Bình Dương, bao gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Mỹ, Singapore, Nhật Bản và Việt Nam. Dân số của khối là 805 triệu người với tổng thu nhập là 28.000 tỷ USD (36,3% toàn thế giới). Với sự hình thành của một khối vững mạnh như vậy, tất nhiên địa kinh tế toàn cầu đã dịch chuyển từ Bắc Đại Tây Dương qua Thái Bình Dương. 
Tuy nhiên không phải mọi quốc gia Thái Bình Dương đều gia nhập TPP, Trung Quốc không được mời tham dự. Có nhiều nhà phân tích cho rằng đó là chủ tâm của Mỹ muốn gạt Trung Quốc ra ngoài và giữ thế mạnh trên Thái Bình Dương. Sự can thiệp của Mỹ ở Biển Đông cũng đi theo hướng chiến lược này. Để gạt Trung Quốc ra ngoài cách tốt nhất là đưa vào hiệp định TPP những điều khoản liên quan đến bảo vệ người lao động, bảo vệ môi trường và giảm thiểu doanh nghiệp nhà nước, phá vỡ mô hình phát triển kinh tế của nước này. 
Để đối mặt với mối đe dọa này, Trung Quốc khởi xướng Ngân hàng Đầu tư hạ tầng Châu Á (AIIB), về thương mại mở đàm phán thiết lập Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). RCEP chính là sự đối phó của Trung Quốc trước TPP và gồm các quốc gia ASEAN, Trung Quốc, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Khi hình thành, RCEP sẽ quy tụ 1/2 dân số thế giời, 1/4 GDP toàn cầu và là một khối nằm sát nách TPP. Kinh tế thế giới sẽ ở thế chân vạc với 3 phe TPP, RCEP và EU, chia nhau 85% GDP thế giới. 
Trong cuộc hơn thua giữa hai khối TPP và RCEP, có những quốc gia đi nước đôi, gia nhập cả hai khối, trong đó có Việt Nam. 
TPP mặc dù lấy tên là hiệp định thương mại tự do nhưng đi rất xa hơn những hiệp định cùng loại thông thường. Ý đồ của những nhà sáng lập là làm sao bảo đảm thị trường trong khối hoàn toàn tự do. Muốn vậy, luật chơi của thị trường tự do phải được tôn trọng, có nghĩa là bên cung cũng như bên cầu không một ai có thể chi phối được thị trường. Tất cả các điều khoản trong hiệp định TPP đều muốn đi đến mục tiêu đó cho thị trường hàng hoá, dịch vụ và vốn. Đối với chính quyền các quốc gia, TPP gỡ bỏ những hàng rào thuế quan, luật lệ, thủ tục hành chính và những cánh tay nối dài của nhà nước trên thị trường là những doanh nghiệp nhà nước. 
 
Hội nhập kinh tế quốc tế - cơ hội lớn với Việt Nam ảnh 2
TPP sẽ mở ra một thị trường lớn. Ảnh: AFP/TTXVN
Về nguồn cung, TPP cũng ngăn chặn những ưu thế cho các doanh nghiệp sống nhờ các quy định lỏng lẻo về bảo vệ môi trường, bảo vệ người lao động, bảo vệ sở hữu trí tuệ. TPP cũng không muốn tình trạng "cá lớn nuốt cá bé" trên thị trường, nên một mặt ngăn chặn những hành động tiêu cực của những tập đoàn đa quốc gia, những doanh nghiệp lớn và mặt khác bảo vệ, nâng đỡ những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhất thiết để bảo vệ sự công bằng trên thị trường TPP ngăn chặn tham nhũng và những hành động tiêu cực khác. Do vậy, khi một quốc gia gia nhập TPP, căn bản phải có một nền kinh tế thị trường theo đúng nghĩa của nó. 

Với 3 hiệp định thương mại tự do vừa ký kết, một thị trường khổng lồ và nhiều hứa hẹn đã được mở ra với Việt Nam. Thị trường này gồm 2 tỷ người tiêu thụ, GDP là 50.000 tỷ USD – chiếm 2/3 GDP thế giới và sức mua là trên 30.000 USD/đầu người, những con số trên chứng tỏ thị trường này rất tiềm năng, nhưng đòi hỏi của người tiêu thụ cũng rất cao và cạnh tranh trên thị trường cũng khốc liệt. Muốn tiếp cận thị trường này không những mặt hàng, hay dịch vụ của ta phải có chất lượng thực mà kỹ năng tiếp thị của ta cũng phải vượt trội các đối thủ cạnh tranh.
 
Theo ông Phạm Nam Kim, đây là thị trường hàng đầu cho xuất khẩu nông nghiệp, nếu sản phẩm của ta đặt được những tiêu chuẩn khắt khe về vệ sinh và chất lượng và mặt hàng hợp với nhu cầu thị trường.
 
Đây cũng là đầu ra đầy hứa hẹn cho sản phẩm công nghệ, dù từ doanh nghiệp Việt Nam hay từ doanh nghiệp vốn nước ngoài, nhưng muốn thoát hàng rào hải quan, phải chứng minh là xuất xứ của nguyên vật liệu đầu vào là Việt Nam hay một quốc gia khác trong khối (TPP). Ngoài ra, như đã nói ở trên, sản phẩm công nghiệp phải có chất lượng, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng và tiếp thị một cách thông minh.
 
Về khía cạnh tài chính, ông Kim khẳng định thị trường vốn từ 3 khối trên không phải là nhỏ và Việt Nam có sức thu hút đầu tư rất mạnh khi có mức tăng trưởng GDP cao nhất so với các quốc gia trong 3 khối, khi được các nhà đầu tư đánh giá là ổn định chính trị và kinh tế vĩ mô. Ta phải phân biệt 2 thị trường vốn đầu tư, đó là đầu tư vốn FDI và bên cạnh là đầu tư vốn tài chính.
 
Về đầu tư FDI, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia gọi là China+ (Nhóm quốc gia thay thế Trung Quốc trong chức năng “công xưởng thế giới” vì những điều kiện sản xuất ở Trung Quốc đã trở nên thiếu hấp dẫn), và nhìn những quốc gia trong khối TPP hay EVFTA, Việt Nam có một ưu thế đáng kể. Vì VN có tự do thương mại với 2/3 GDP thế giới, các quốc gia ngoài những khối nói trên cũng rất quan tâm sản xuất ở Việt Nam nếu có thể cung ứng nguyên vật liệu và phụ kiện từ VN hay các quốc gia trong khối. Ta cũng không nên quên sự quan tâm của vốn FDI đến thị trường nội địa, với 100 triệu người tiêu thụ và thu nhập thuộc loại trung bình.
 
Nắm bắt cơ hội thế nào
 
Khi mức lãi suất trên thế giới, ở mức bằng 0, nếu không muốn nói đến lãi suất âm, khi thị trường chứng khoán thế giới tổng thể quay đầu đi xuống thì đầu tư tài chính ở một nước mới nổi như Việt Nam trở nên rất hấp dẫn. Vấn đề là ta phải có một thị trường tài chính tự do, thông thoáng, minh bạch và phải đi tiếp cận nguồn vốn ngay tại nơi xuất xứ.
 
Để có thể nắm bắt được những cơ hội nói trên, chuyên gia Phạm Nam Kim cho rằng Việt Nam phải vượt qua một số thách thức và cũng là những cơ hội gián tiếp, để ta thay một số vấn đề căn bản của nền kinh tế quốc gia. Đầu tiên đó là phải có sự đồng nhất của cơ chế các nền kinh tế, đó là kinh tế thị trường. Đó là thách thức căn bản của Việt Nam, đến thời điểm hiệu lực của hiệp định, cơ chế thị trường phải thực sự có ở Việt Nam.
 
Để tiếp cận những thị trường nói trên, ta phải có một mô hình tăng trưởng phù hợp, hài hòa với môi trường kinh doanh mới.  Đi đôi với mô hình, phải có một chiến lược cạnh tranh và một lộ trình phát triển thực tiễn, đó là thách thức căn bản thứ ba cho ta.
 
Để nắm bắt những cơ hội nói trên, nhân sự là chính, ta phải đào tạo con người cho sự đổi mới toàn diện, từ đạo đức cho đến kỹ năng kỹ thuật và ngoại ngữ. Với một cơ chế thị trường tự do, người lao động rất dễ bị chèn ép, do vậy ta phải bảo vệ người lao động thông qua luật pháp và sức mạnh của liên đoàn lao động độc lập.
 
Với sự phát triển công nghệ vấn đề bảo vệ môi trường là một vấn đề thiết yếu cho dân tộc cũng như cho nhân loại, ta không thể để xẩy ra những sự cố như biển bùn bauxite đỏ, cá chết hàng loạt, không khí ngạt thở ở thủ đô, v.v.
 
Hội nhập kinh tế quốc tế với những hiệp định EVFTA, TPP và sự hình thành của Cộng đồng AEC mở cho Việt Nam những cơ hội phát triển rất lớn, nhưng nắm bắt những cơ hội này là một thách thức to lớn đòi hỏi sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm