Hội nghị giao ban công tác mặt trận năm 2017 Cụm thi đua các tỉnh Tây Nam Bộ

Hội nghị giao ban công tác mặt trận năm 2017 Cụm thi đua các tỉnh Tây Nam Bộ
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Kim Há - TTXVN
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Kim Há - TTXVN

Tại Hội nghị, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh Cụm Tây Nam Bộ đã dành phần lớn thời gian trao đổi, thảo luận khá toàn diện về những kết quả nổi bật trong công tác Mặt trận năm 2017. Đặc biệt, các tỉnh chia sẻ một số kinh nghiệm cũng như cách làm hay, mô hình tốt trong công tác phối hợp hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; công tác giám sát và phản biện xã hội, huy động các nguồn lực bằng hình thức xã hội hóa nhằm để triển khai có hiệu quả các hoạt động chương trình dân sinh, từ thiện xã hội.

''Hiến kế'' cách làm hay trong công tác Mặt trận Tổ quốc, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bến Tre Trần Dương Tuấn chia sẻ, hầu hết cán bộ Mặt trận Tổ quốc của tỉnh đều được trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản, xem đây là loại ''công cụ, vũ khí'' cần thiết giúp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Mặt khác, cán bộ Mặt trận cơ sở cũng được tỉnh quan tâm về chế độ, phụ cấp lương; hỗ trợ thêm kinh phí hoạt động nên phát huy tốt hiệu quả công tác Mặt trận cấp xã, phường.

Đề cập mô hình huy động người có uy tín trong cộng đồng tham gia công tác Mặt trận, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng Dương Sà Kha cho hay, Sóc Trăng là tỉnh có rất đông đồng bào dân tộc thiểu số như dân tộc Khmer, dân tộc Hoa. Nhờ tỉnh có ''sáng kiến'' huy động nhiều vị chức sắc, người có uy tín trong cộng đồng tham gia công tác Mặt trận, nên thuận lợi trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng đô thị văn minh, người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, bảo vệ tài nguyên - môi trường. Đồng bào các dân tộc đã đoàn kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất, phát huy nhiều mô hình làm kinh tế có hiệu quả, góp phần vào công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Là Trưởng cụm các tỉnh Tây Nam Bộ năm 2017, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Cà Mau Lê Dũng cho rằng, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, công tác Mặt trận ở các tỉnh trong khu vực vẫn còn gặp khó khăn, hạn chế trong phối hợp thực hiện các phong trào, các cuộc vận động giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các thành viên mặt trận; công tác giám sát và phản biện xã hội tuy có chủ động nhưng có lúc chưa đáp ứng so với yêu cầu thực tế.

Dịp này, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau bàn giao cờ thi đua cho đơn vị đăng cai tổ chức Hội nghị năm 2018 - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kiên Giang.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Kim Há -TTXVN
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Kim Há -TTXVN
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đánh giá cao kết quả công tác Mặt trận Tổ quốc của 12 tỉnh Tây Nam Bộ; đặc biệt là biểu dương tỉnh Cà Mau đã làm tốt vai trò, trách nhiệm của Cụm trưởng các tỉnh Tây Nam Bộ trong năm 2017. Cụm đã phát huy tốt sự đoàn kết, sáng tạo, có giải pháp thiết thực trong triển khai thực hiện 5 chương trình hành động do Đại hội VIII Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề ra.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh mong muốn, trong năm 2018, các tỉnh cần xây dựng nội dung, phương thức thi đua thiết thực, cụ thể, sát với tình hình thực tế của từng địa phương. Với vai trò là Cụm trưởng, tỉnh Kiên Giang cần phối hợp các tỉnh trong cụm chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, giải pháp thực hiện công tác Mặt trận Tổ quốc theo hướng đột phá. Các địa phương cần quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân, góp phần giảm số vụ tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, bạo lực trẻ em; đồng thời chú trọng duy trì và nhân rộng các mô hình Mặt trận Tổ quốc có hiệu quả, tổ chức tốt Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, cải cách hành chính; quan tâm chăm lo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho gia đình chính sách, hộ nghèo, đồng bào dân tộc trên địa bàn, vận động nhân dân đổi mới phương thức sản xuất...

Tiếp thu những ý kiến đóng góp, đề xuất của các tỉnh Tây Nam Bộ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ phối hợp với các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh một số điều quy định còn chồng chéo, chưa phù hợp của Thông tư liên ngành; đồng thời sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình, công tác Mặt trận Tổ quốc trong thời gian tới.
Kim Há

Có thể bạn quan tâm