Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam với mục tiêu “Vì một quốc gia Xanh phát triển bền vững”

Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam với mục tiêu “Vì một quốc gia Xanh phát triển bền vững”
Tham dự Đại hội và Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập VACNE có đại diện các bộ, ngành Trung ương; các tổ chức trực thuộc Hội; hơn 150 đại biểu là những nhà khoa học chuyên ngành về tài nguyên và môi trường.

Với sự thống nhất cao, Đại hội đã bầu 130 đại biểu tiêu biểu tham gia Ban Chấp hành Trung ương Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam Khóa VII; Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh tái đắc cử Chủ tịch Hội.

Không ngừng phát huy những thế mạnh

Báo cáo tại Đại hội nêu rõ: Sau chặng đường 30 năm hội nhập và phát triển, Trung ương Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam là nơi “hội tụ” những nhà khoa học hàng đầu về tài nguyên và môi trường trên cả nước. Chỉ tính đến hết tháng 12/2017, số hội thành viên và cơ sở trực thuộc VANE đã lên đến 200 đơn vị. Nhờ đó, Hội đã và đang làm tốt chức năng tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường trong nhân dân; góp phần đưa nội dung bảo vệ thiên nhiên và môi trường vào chương trình giảng dạy trong trường học, đấu tranh chống mọi hành vi vi phạm pháp luật và các quy định về bảo vệ môi trường thiên nhiên.

Đặc biệt, với sự tham gia tâm huyết của các nhà khoa học chuyên ngành, VANE đã có nhiều đóng góp tích cực qua các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tư vấn kỹ thuật, phản biện khoa học, tuyên truyền và xây dựng các mô hình sản xuất bền vững. Mặt khác, Hội tham gia xây dựng và thực hiện các chiến lược, chủ trương, chính sách, pháp luật về môi trường và phát triển bền vững như: Kế hoạch Môi trường và Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 1991-2000; Luật Bảo vệ môi trường năm 1993 và 2005; Kế hoạch hành động da dạng sinh học năm 1995 và 2006; Luật Đa dạng sinh học năm 2008; Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020…

Bên cạnh đó, phản biện xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của VANE, Hội đã chủ động thực hiện các nhiệm vụ phản biện đối với nhiều dự án. Điển hình như dự án đường Hồ Chí Minh năm 2001-2002 đoạn qua Vườn quốc gia Cúc Phương, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng; dự án Công trình Thủy điện Sơn La 2000-2002…  VANE cũng chủ động tiến hành các biện pháp phản biện đối với vấn đề môi trường bức xúc, huy động các hội thành viên và các hội viên ở Trung ương và địa phương tập trung nghiên cứu phản biện việc nhập khẩu tàu cũ lấy thép phế liệu; phản biện ý tưởng dự án “Tam Đảo 2” dự định khai thác hàng trăm ha thuộc vùng lõi Vườn quốc gia Tam Đảo. Các phản biện này của VANE mang tính độc lập, được dư luận trong, ngoài nước quan tâm và đánh giá cao.

Hàng loạt hoạt động trao đổi học thuật, chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến bảo vệ môi trường, phát triển bền vững được VANE tổ chức thường xuyên như hội thảo biến đổi khí hậu toàn cầu và giải pháp ứng phó của Việt Nam; hội thảo bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn… Những phản biện về Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2013; Luật Đa dạng sinh học; Luật Thuế môi trường và nhiều văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Chú trọng vai trò truyền thông

Trong suốt quá trình hoạt động, VANE luôn coi trọng công tác truyền thông và tập huấn về môi trường; tổ chức các sự kiện, hội chợ, triển lãm quốc tế về công nghệ môi trường, biến đổi khí hậu, giới thiệu công nghệ xử lý chất thải…; biên tập tài liệu, giáo trình và tập huấn đối với cộng đồng tại nhiều địa phương trong cả nước.

VANE đã xuất bản nhiều ấn phẩm, tài liệu về môi trường, trong đó có những công trình nghiên cứu khoa học công phu như An ninh môi trường; Bảo tồn đa dạng sinh học trên dãy Trường Sơn; Cây Di sản Việt Nam; Môi trường-các công trình nghiên cứu; Đánh giá, tổng kết các mô hình phát triển bền vững tại Việt Nam…

Trong những hoạt động tích cực của VANE 30 năm qua, phải kể đến việc triển khai thành công sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam. Kể từ khi phát động vào năm 2010, đến nay VANE đã khảo sát, đánh giá và công nhận hơn 2.000 cây thuộc 70 loài thực vật là Cây Di sản, qua đó đã khơi dậy truyền thống của cộng đồng trong việc bảo vệ cảnh quan môi trường, biết trân trọng quá khứ, di sản của các bậc tiền nhân để lại. Hoạt động này góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội theo hướng bền vững, bảo vệ đa dạng sinh học, nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ nguồn gen quý hiếm mà thiên nhiên đã ban tặng cho Tổ quốc Việt Nam.

Đại hội Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam lần thứ VII khẳng định, phát huy truyền thống của Hội, trong những năm tới Hội chủ động thích nghi với những biến động của tình hình, tiếp tục đóng góp thiết thực cho sự nghiệp bảo vệ thiên nhiên và môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phục vụ tăng trưởng xanh, với mục tiêu “Vì một quốc gia Xanh phát triển bền vững”. Để đạt được các mục tiêu đó, Hội không ngừng củng cố và phát triển tổ chức, giữ vững ngọn lửa nhiệt tình của các vị lãnh đạo và hội viên, tập hợp đông đảo hơn nữa cộng đồng để cùng hành động vì thiên nhiên, môi trường của đất nước.
Văn Hào

Có thể bạn quan tâm