Hội Báo toàn quốc 2022: Chuyển đổi số là con đường báo chí phải quyết tâm bước tới

Hội Báo toàn quốc 2022: Chuyển đổi số là con đường báo chí phải quyết tâm bước tới

Chuyển đổi số phải thay đổi từ con người, đặc biệt là từ sự đổi mới tư duy của người lãnh đạo. Đó là quan điểm chung của nhiều diễn giả tại diễn đàn "Chuyển đổi số để phục vụ bạn đọc tốt hơn", diễn ra ngày 14/4, tại Hà Nội.

Diễn đàn do Hội Nhà báo Việt Nam, Bảo tàng Báo chí Việt Nam phối hợp với Báo Tuổi trẻ tổ chức, với sự tham dự của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhân dân Lê Quốc Minh; Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí, chuyên gia truyền thông số...

Hội Báo toàn quốc 2022: Chuyển đổi số là con đường báo chí phải quyết tâm bước tới  ảnh 1Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập báo Nhân dân Lê Quốc Minh phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Chuyển đổi số bắt đầu từ con người

Trao đổi tại diễn đàn, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhân dân Lê Quốc Minh nhận định, câu chuyện về chuyển đổi số đang diễn ra rất "nóng", bởi công cuộc chuyển đổi không đơn giản, chuyển đổi số lại càng khó khăn hơn.

Ông Lê Quốc Minh khẳng định, chuyển đổi số là nói đến con người, chứ không chỉ từ công nghệ. Mua sắm thiết bị hay công nghệ hiện đại không phải là chuyện khó. Khó hơn cả là khả năng thích nghi với một tương lai digital của mỗi cơ quan, tùy thuộc vào việc phát triển một thế hệ những kỹ năng mới, thu hẹp khoảng cách cung - cầu về nhân lực chất lượng cao, khai phá tiềm năng để vượt qua mọi thử thách.

Hiện nay, nhiều người nói chuyển đổi số nhưng thực ra mới dừng lại ở việc số hóa, còn chuyển đổi số là tạo thêm giá trị cho mọi tương tác với người dùng khách hàng, thay đổi cách vận hành của doanh nghiệp, trong một số trường hợp nó tạo ra mô hình kinh doanh hoàn toàn mới. Tại các cơ quan báo chí, nếu không thay đổi quy trình làm việc, văn hóa công sở, cách trao đổi, xây dựng bộ máy và hệ thống phân cấp trong tòa soạn, thì mọi thay đổi tạo ra cũng chỉ nằm ở bên rìa mà thôi. Tương lai của báo chí tùy thuộc vào việc xây dựng mối quan hệ tương tác chặt chẽ hơn với độc giả. Một chiến lược chuyển đổi số lấy độc giả làm trung tâm có thể giúp thúc đẩy doanh thu từ độc giả cũng như từ quảng cáo. Các cơ quan báo chí cần điều chỉnh kế hoạch quảng cáo dựa trên quan điểm độc giả là trên hết và thu thập dữ liệu độc giả trực tiếp. Đặc biệt, cần chuẩn bị cho một "thế giới không cookie" thời gian tới, trong khi cân nhắc cơ chế giá và kết hợp các sản phẩm in/digital.

Hội Báo toàn quốc 2022: Chuyển đổi số là con đường báo chí phải quyết tâm bước tới  ảnh 2Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Ông Lê Quốc Minh cho rằng, trong công cuộc chuyển đổi số phải nghĩ đến con người, bởi sự đổi mới sẽ không có ý nghĩa gì nếu chúng ta không có đủ kỹ năng để sử dụng nó. Tiếp đó, các bên liên quan cần tập trung vào kỹ năng mềm; sự thay đổi đến từ cấp cao nhất, bởi trong bối cảnh chuyển đổi số, không thể nào trông đợi những thay đổi lớn nếu không bắt đầu bằng việc lựa chọn và phát triển các lãnh đạo cấp cao nhất. Cần có sự hiểu biết rõ về dữ liệu bởi các định dữ liệu thực sự là "ôxy" của doanh nghiệp, là thứ không thể mua được mà phải nuôi dưỡng, gặt hái qua thời gian…

Ông Lê Quốc Minh cũng đưa ra những yếu tố để chuyển đổi số thành công. Đó là có những lãnh đạo am hiểu công nghệ, xây dựng năng lực cho đội ngũ nhân viên tương lai, tạo điều kiện để nhân viên làm việc theo cách thức mới, tăng cường sử dụng các công cụ digital, thường xuyên trao đổi thông qua các biện pháp truyền thống và digital…

"Chuyển đổi số rõ ràng là con đường mà báo chí cần phải bước đi, thậm chí là đi nhanh và quyết liệt, nếu không muốn bị tụt hậu, mất đi độc giả, khán thính giả và hậu quả đương nhiên là sự sống còn của chính cơ quan báo chí. Nhưng dù đang trong kỷ nguyên số, các tòa soạn vẫn phải luôn ghi nhớ những giá trị cơ bản của báo chí. Tin cậy, chính xác, công bằng và cân bằng trong mỗi bài viết là những giá trị vô cùng quan trọng và giờ đây càng quan trọng hơn bao giờ hết", ông Lê Quốc Minh khẳng định.

Tại diễn đàn, đại diện các cơ quan báo chí, các doanh nghiệp công nghệ cũng chia sẻ câu chuyện, quan điểm cũng như kinh nghiệm trong chuyển đổi số trong báo chí. Ông Lê Xuân Trung, Phó Tổng biên tập Báo Tuổi trẻ cho rằng, câu chuyện chuyển đổi số không chỉ là công nghệ mà là câu chuyện của các nhà báo. Bạn đọc ở đâu báo chí ở đó, bạn đọc lên mạng thì báo chí lên mạng và như vậy, báo chí phải chuyển đổi số. Muốn chuyển đổi số, báo chí phải vượt qua thách thức về công nghệ, chi phí đầu tư, nguồn nhân lực, trong đó thách thức về nguồn nhân lực là quan trọng nhất,

Ông Nguyễn Đăng Ngọc, Phó Tổng Giám đốc VCCorp cho rằng, chuyển đổi số là mảng rộng phụ thuộc nhiều vào yếu tố con người, trong đó ý chí người lãnh đạo cao nhất là quan trọng nhất. Công nghệ chỉ là công cụ, việc vận hành và phát triển như thế nào phụ thuộc vào ý chí và quyết tâm của người lãnh đạo cao nhất trong cơ quan báo chí.

Nhà báo Hoàng Nhật, Phó Tổng biên tập Báo điện tử VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam) cho rằng, ngoài vấn đề về đổi mới tư duy, con người… nếu có sự mở cửa, linh hoạt hơn trong cơ chế, chính sách cũng là yếu tố quan trọng.

Theo nhà báo Hoàng Nhật, VietnamPlus rất nhiều lần phải "vượt rào", phải "đi đường tắt" để làm, thậm chí chấp nhận bỏ tiền cá nhân ra làm, bởi nếu làm theo quy trình thì sẽ không kịp hoặc không thể triển khai. Bên cạnh đó, cũng phải dám chấp nhận thử nghiệm, chấp nhận thất bại. Không phải sản phẩm nào của VietnamPlus cũng thành công như RapNewsPlus, mà có nhiều sản phẩm làm xong mà không thành công, phải bỏ đi, nhưng VietnamPlus vẫn mạnh dạn làm, trong 10 sản phẩm làm ra, có 2-3 sản phẩm thành công...

Một chiến lược chuyển đổi số riêng cho báo chí

Nói về vai trò quản lý nhà nước với chuyển đối số báo chí, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn, cho biết, Bộ đã có chiến lược chuyển đổi số và ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số Quốc gia, nghĩa là tất cả các ngành đều phải chuyển đổi số. Tuy nhiên, báo chí là ngành đặc thù, nên sau khi thực hiện xong Chiến lược chuyển đổi số Quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông xác định sẽ có chuyến lược chuyển đổi số riêng cho báo chí,về cơ bản sẽ giải quyết những bài toán khó trong các cơ quan báo chí. Tuy đề án đang chờ Chính phủ phê duyệt, nhưng thực tế, một số việc đã được chuẩn bị để sẵn sàng triển khai ngay sau khi được phê duyệt.

Hội Báo toàn quốc 2022: Chuyển đổi số là con đường báo chí phải quyết tâm bước tới  ảnh 3 Các đại biểu tham dự diễn đàn. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Trong chiến lược chuyển đổi số báo chí sắp tới, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra định hướng và giải pháp xử lý bài toán nguồn lực, tuy nhiên lãnh đạo cơ quan báo chí phải tự quyết định việc thay đổi quy trình và bộ máy, đội ngũ phóng viên cũng cần thay đổi.

Trong khi chờ đợi Đề án được phê duyệt, Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định trong năm 2022 sẽ đào tạo 10.000 công chức số, viên chức số cho đất nước, riêng khối báo chí là từ 3.000-5.000 người...

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn, định hướng chuyển đổi số trong cơ quan báo chí có 2 mảng rõ ràng. Một là quản trị nội bộ với những hoạt động hàng ngày, văn bản, giấy tờ giao việc, quản trị nhân sự… mảng này tách biệt và khá ổn định, mức đầu tư cũng không lớn.

Mảng thứ 2 là chuyển đổi số trong sản xuất, quản lý phổ biến và lưu trữ nội dung, đòi hỏi đầu tư rất lớn. Trong chương trình chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng đã có định hướng cụ thể trong vấn đề liên quan đến nền tảng cho việc sản xuất, quản lý phổ biến nội dung. Đến khi Đề án chiến lược này được thông qua, cơ quan quản lý sẽ bắt tay vào làm theo hướng chủ trương xây dựng các nền tảng lớn để đảm bảo sự độc lập chủ quyền trên không gian mạng.

Thứ trưởng Phạm Ạnh Tuấn cho rằng, đầu tư ban đầu cho không gian mạng cần cơ quan nhà nước vào cuộc. Theo đó, Chính phủ sẽ đầu tư xây dựng những nền tảng chuyển đổi số lớn dùng chung, đặc biệt là các nền tảng lớn cho một số cơ quan báo chí chủ lực, các cơ quan báo chí khác được hưởng thụ trên nền tảng đó.

Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung vào hỗ trợ các cơ quan báo chí, cùng các đơn vị để đưa ra các nền tảng dùng chung, từ đó các cơ quan báo chí sẽ có phát triển theo hướng riêng mà vẫn đảm bảo đúng định hướng...Các cơ quan báo chí chủ lực cần xây dựng đề án chuyển đổi số để được hỗ trợ kinh phí đầu tư nền tảng.

Đối với các cơ quan báo chí vừa và nhỏ, Bộ sẽ có định hướng để các cơ quan này kết nối các nền tảng mà nhà nước đầu tư cho các cơ quanbáo chí lớn để sử dụng chung. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ xây dựng các nền tảng riêng dành cho cơ quan báo chí vừa và nhỏ để các đơn vị này chủ động triển khai, kết nối…

Về nguồn lực, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cho rằng, cần khai thác từ nhiều nguồn, nhà nước đầu tư một phần, cơ quan báo chí cùng đầu tư, một số nền tảng thì thuê dịch vụ với giá cả hợp lý…Bộ Thông tin và Truyền thông đã có kế hoạch làm việc với các doanh nghiệp để xây dựng một số nền tảng, vận hành thử nghiệm. Bộ Thông tin và Truyền thông trên tinh thần dẫn dắt chuyển đối số quốc gia sẽ đồng hành cùng các cơ quan báo chí trong chuyển đổi số để đảm bảo việc này hiệu quả và từng bước đứng vững"...

Bế mạc tại diễn đàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi đánh giá cao những ý kiến thiết thực về chuyển đổi số với những góc nhìn đa chiều, hữu ích mà các nhà quản lý, cơ quan báo chí đã chia sẻ. "Diễn đàn là một trong những điểm nhấn quan trọng nhất của Hội Báo toàn quốc 2022, đóng góp rất lớn vào sự thành công của Hội báo. Chúng tôi hy vọng những tinh thần, tư tưởng của các nhà quản lý, lãnh đạo các cơ quan báo chí tại diễn đàn lần này sẽ lan tỏa rộng rãi để công cuộc chuyển đổi số báo chí thành công", ông Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh.

Phương Lan

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm