Học sinh 5 - 6 tuổi vùng dân tộc thiểu số ở Kon Tum có thể “khoanh vùng xanh” để học theo từng nhóm nhỏ

Học sinh 5 - 6 tuổi vùng dân tộc thiểu số ở Kon Tum có thể “khoanh vùng xanh” để học theo từng nhóm nhỏ

Ngày 3/9, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum đã có văn bản số 1508/SGDĐT-GDMNTH về việc hướng dẫn phương án dạy học đối với giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học trong tình hình nguy cơ dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Học sinh 5 - 6 tuổi vùng dân tộc thiểu số ở Kon Tum có thể “khoanh vùng xanh” để học theo từng nhóm nhỏ ảnh 1Giáo viên Trường tiểu học Đặng Trần Côn, tỉnh Kon Tum giới thiệu các vật dụng cho các em học sinh bằng song ngữ Việt - Bahnar. Ảnh: Dư Toán - TTXVN

Đối với nhóm cha mẹ không có kết nối điện thoại, internet, giáo viên sẽ thiết kế nội dung bài học thành “Giáo án dành cho cha mẹ trẻ” và bài tập; đồng thời, phối hợp với các tổ chức đoàn thể tại khu dân cư để hướng dẫn trẻ học tại nhà. Đặc biệt, nếu là học sinh vùng dân tộc thiểu số từ 5 - 6 tuổi, nhà trường có thể “khoanh vùng xanh” để dạy học tập trung theo từng nhóm nhỏ.

Cụ thể, Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định cho phép tất cả trẻ mầm non được nghỉ học để phòng, chống dịch và áp dụng hình thức học trực tuyến tại nhà. Đối với nhóm cha mẹ có kết nối điện thoại, internet, Sở đã chỉ đạo các giáo viên thành lập nhóm liên hệ với phụ huynh qua Zalo, Messenger để kết nối, tương tác và hướng dẫn cha mẹ học sinh cùng học với con. Những bài học cho trẻ sẽ được giáo viên quay video và gửi trực tiếp lên nhóm để cha mẹ cùng theo dõi và hướng dẫn cho trẻ học tại nhà. Bên cạnh đó, giáo viên sẽ thiết kế, sưu tầm các đoạn phim, bài viết về nội dung giáo dục trong chương trình theo từng độ tuổi và thực hiện dưới dạng bài tập, gửi qua nhóm để cha mẹ trẻ tham khảo và có biện pháp hướng dẫn trẻ học phù hợp.

Sở cũng quyết định giảm tải một số tiết học của các độ tuổi không được đến trường để đảm bảo kiến thức, kỹ năng đáp ứng theo Chương trình giáo dục mầm non; chú trọng các nội dung về phát triển nhận thức, phát triển ngôn ngữ, phát triển kỹ năng xã hội; lồng ghép các hoạt động giáo dục phát triển thể chất và thẩm mỹ; tổ chức những hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà để hướng tới đạt được mục tiêu, kết quả mong đợi cuối độ tuổi.

Trong khi đó, các cơ sở giáo dục tiểu học vẫn tiến hành dạy học theo kế hoạch năm học 2021-2022. Đối với lớp 1, giáo viên chủ nhiệm ưu tiên dạy học môn tiếng Việt và môn Toán, đảm bảo giúp học sinh hình thành kỹ năng đọc, viết, nói, nghe, kỹ năng tính toán và các kỹ năng cơ bản cần thiết theo quy định; làm quen với việc học trực tuyến; thống nhất với cha mẹ học sinh về khung thời gian học tập cụ thể (có thể ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ cuối tuần) để cha mẹ học sinh đồng hành cùng con trong giai đoạn làm quen với việc học trực tuyến.

Sau “tuần làm quen”, các cơ sở giáo dục tiểu học tiến hành dạy học theo hình thức trực tuyến phù hợp từng đối tượng. Trong đó, giáo viên tăng cường phối hợp với gia đình để hỗ trợ trẻ lớp 1 thông qua “Học qua truyền hình” trong chuyên mục “Dạy Tiếng Việt lớp 1” đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam (VTV7) xây dựng để hỗ trợ con em trong quá trình học tập.

Đối với học sinh từ lớp 2-5, nhà trường tiến hành dạy học theo kế hoạch và sử dụng trang web hanhtrangso.nxbgd.vn hoặc hoc10.com và các kho học liệu số khác để làm tài liệu và tổ chức dạy học. Ngoài nội dụng dạy học theo kế hoạch trực tuyến, giáo viên thiết kế các đoạn phim và các phiếu hướng dẫn học tập với nội dung “cùng cha mẹ học sinh/đoàn thể địa phương hướng dẫn con học tập”.

Trường hợp học sinh không thể học trực tuyến và cha mẹ không thể học tập cùng con, các cơ sở giáo dục tiểu học tham mưu với chính quyền địa phương để huy động sự các hội đoàn thể tại địa phương trong việc giúp đỡ các em học tập. Tùy tình hình diễn biến dịch bệnh, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh sẽ phân công giáo viên tổ chức dạy học bám địa bàn và phát động phong trào “Đôi bạn cùng tiến”, “Anh/chị chỉ bài” để giúp đỡ các em học tập.

Khoa Chương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm