Hoàng Su Phì đào tạo nghề gắn với thực tiễn cơ sở

Hoàng Su Phì đào tạo nghề gắn với thực tiễn cơ sở
Giờ thực hành nghề Lâm sinh của học sinh Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện
Giờ thực hành nghề Lâm sinh của học sinh Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện
Trước khi triển khai công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, huyện đã chỉ đạo các ngành liên quan tổ chức các đợt khảo sát, nắm bắt nhu cầu học nghề của người dân trên địa bàn. Từ đó, huyện xây dựng kế hoạch, mở các lớp đào tạo nghề theo ngành, nghề phù hợp với thực tiễn cơ sở. Kết quả khảo sát cho thấy, ở Hoàng Su Phì, người lao động trong ngành nông - lâm nghiệp chiếm số lượng rất lớn. Để thu hút người dân tích cực, chủ động tham gia học nghề, huyện chú trọng mở các lớp dạy nghề gắn với quy hoạch vùng sản xuất của địa phương và nhu cầu về kiến thức khoa học kỹ thuật. Chỉ tính riêng năm 2015, huyện đã tổ chức 25 lớp dạy nghề với 750 học viên (tăng 157 lao động so với năm 2014) thuộc các ngành, nghề như: buôi ong, kỹ thuật sơ chế và bảo quản cây lương thực, trồng chè, sản xuất nông - lâm nghiệp, nuôi cá nước ngọt, nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò... Điều đáng mừng là sau khi kết thúc các lớp học nghề, tỷ lệ lao động có việc làm và thu nhập là 622 lao động; các học viên được đào tạo về lĩnh vực nông - lâm nghiệp đã vận dụng, triển khai các kỹ thuật, cũng như mô hình mới vào thực tiễn sản xuất, góp phần tăng năng suất, tăng hiệu quả sản xuất cho gia đình và địa phương.

Các lớp dạy nghề còn được đưa về tận thôn, bản để thu hút người học, tạo điều kiện giúp cho ngwofi lao động vừa được học tập vừa làm việc gia đình. Điển hình như trường hợp của anh Giàng Sín Phòng, thôn Hoàng Lao Chải, xã Thàng Tín. Sau khi tham gia lớp học nghề chăn nuôi, thú y mở tại xã từ tháng 3.2015; với kiến thức, kỹ năng học được, anh đã áp dụng ngay vào việc chăn nuôi của gia đình. Từ vài con dê giống ban đầu, đến nay, đàn dê của gia đình anh đã phát triển lên đến hơn 30 con; thành quả ấy không chỉ là công sức, vốn liếng của gia đình mà còn là kết quả của quá trình áp dụng kiến thức chăn nuôi, phòng dịch bệnh của anh vào thực tế. Anh Phòng chia sẻ: Trước đây, do thiếu kinh nghiệm trong chăm sóc nên thường bị dịch bệnh, qua học lớp thú y, anh đã có kiến thức cơ bản để phát triển chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao nhất.

Bên cạnh việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, huyện còn tích cực triển khai thực hiện Đề án 844 của tỉnh. Năm học 2015-2016, Trung tâm Giáo dục Thường xuyên huyện đã tích cực liên kết với các trường dạy nghề trong và ngoài tỉnh mở các lớp đào tạo cho học viên với hình thức vừa học văn hóa (chương trình bổ túc Trung học phổ thông) vừa học nghề với trình độ trung cấp; đồng thời, lựa chọn các ngành, nghề đào tạo sao cho phù hợp với nhu cầu xã hội. Hiện nay, Trung tâm đang duy trì 9 lớp với 257 học viên theo học các nghề như: lâm sinh, gia công chế biến sản phẩm mộc, khuyến nông - khuyến lâm, chăn nuôi, thú y và xây dựng công trình thủy lợi.
 
Báo Hà Giang

Có thể bạn quan tâm