Hoàng Nhật Quang, họa sĩ nhí người dân tộc Tày đoạt giải Thiếu nhi Dế Mèn 2023

Hoàng Nhật Quang, họa sĩ nhí người dân tộc Tày đoạt giải Thiếu nhi Dế Mèn 2023

Chiều 31/5, tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia (số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội), một cuộc triển lãm nhỏ về những tác phẩm tiêu biểu năm nay đã diễn ra trước giờ khai mạc. Tại đó, nhiều khán giả thích thú trước những bức tranh khổ lớn của họa sĩ nhí Hoàng Nhật Quang (11 tuổi) - một phát hiện quan trọng của mùa giải lần này.

Hoàng Nhật Quang, họa sĩ nhí người dân tộc Tày đoạt giải Thiếu nhi Dế Mèn 2023 ảnh 1Tổng Giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang và các đại biểu với các tác giả nhận giải thưởng thiếu nhi "Dế mèn lần thứ 4-2023". Trong ảnh: Họa sĩ nhí Hoàng Nhật Quang (thứ 7 từ trái) Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN

Với tinh thần tự học hỏi để sáng tạo, chùm tranh đoạt giải Khát vọng Dế Mèn của Hoàng Nhật Quang liên tục gây bất ngờ với người xem. Chia sẻ về họa sĩ nhí này tại lễ trao giải, họa sĩ Thành Chương, thành viên Hội đồng Giám khảo bày tỏ: "Khi xem chùm tranh của Hoàng Nhật Quang, tôi thực sự "choáng". Tôi không nói quá! Bởi tôi từng vẽ từ những ngày bé thơ, thậm chí bé hơn cháu Quang bây giờ. Cho nên, tôi hiểu rõ bước đi của một người từ lúc bé cầm cọ đến sau này trở thành họa sĩ chuyên nghiệp. Tôi cũng từng chấm nhiều giải tranh thiếu nhi, nên có thể khẳng định Hoàng Nhật Quang là một hiện tượng đặc biệt trong một quá trình dài của các hoạt động tranh vẽ thiếu nhi".

"Tranh của Hoàng Nhật Quang có những nét hồn nhiên đúng chất trẻ thơ nhưng đồng thời cũng có những ý niệm, suy nghĩ rất già dặn, rất hoành tráng của một nghệ sĩ thực thụ chứ không phải chỉ là một đứa trẻ con. Đó là điều làm cho tôi và nhiều người giật mình trước tác phẩm của cháu" - họa sĩ Thành Chương nhấn mạnh - "Bằng một sức lực lao động với những bức tranh khổ lớn, số lượng nhiều, ngoài sự đam mê, ở Hoàng Nhật Quang chắc chắn phải có tài năng. Quả thực, đây có thể coi là một hiện tượng mở ra khả năng phát triển lâu dài và sự hi vọng. Ở đó, qua giải Dế Mèn phát hiện ra được một họa sĩ sau này có thể trở thành một tài năng của hội họa Việt Nam".

Hoàng Nhật Quang, họa sĩ nhí người dân tộc Tày đoạt giải Thiếu nhi Dế Mèn 2023 ảnh 2Họa sĩ Thành Chương trao giải cho họa sĩ nhí Hoàng Nhật Quang (thứ 4, áo đỏ, từ trái sang). Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN

Đến với hội họa từ năm 9 tuổi, Hoàng Nhật Quang đứng trên sân khấu kể về những lần vẽ tranh khổ lớn, phải đứng trên ghế, trèo lên thang để hoàn thành. "Lúc bắt đầu, em thấy rất khó khăn khi phải bắc ghế để vẽ tranh. Nhưng dần dần, em rất vui vẻ và tự hào về những bức tranh của mình. Những bức tranh khổ lớn, con vẽ trong khoảng 3 tuần. Con thường vẽ vào thứ Bảy và Chủ nhật" - Quang kể.

Hoàng Nhật Quang, họa sĩ nhí người dân tộc Tày đoạt giải Thiếu nhi Dế Mèn 2023 ảnh 3Các bức tranh của Hoàng Nhật Quang gây ấn tượng bởi sự phố màu mạnh mẽ nhưng đầy hài hòa, hợp lý

Thú vị hơn, như lời em, dù bố cũng là họa sĩ, nhưng Nhật Quang lại trước hết đến với hội hoa từ tác phẩm những danh họa hay qua những bức tranh của các họa sĩ mà em biết.

Hoàng Nhật Quang không có chuẩn bị ý tưởng hoặc phác thảo, có lúc đang chơi cùng bạn bè trong xóm thì chạy về vẽ hình bằng màu luôn, không cần dùng bút chì, tẩy, để phác hình. Tất cả các bức tranh của Quang được vẽ một cách tự do, bộc phát ngay tại thời điểm vẽ. Hầu như rất ít phải chỉnh sửa.

Về bố cục, Quang vẽ phóng khoáng, không theo quy củ gì cả. Vì Quang cũng chưa được học vẽ, mà chỉ cảm, nghĩ sao vẽ vậy.  Cách dùng màu của Quang lúc đầu cũng theo bản năng, dùng rất nhiều màu, nhưng sau khi được góp ý về màu sắc và hướng dẫn kỹ thuật vẽ acrylic, thì biết sử dụng ít màu hơn, theo gam màu nóng lạnh rõ ràng hơn, về kỹ năng tô màu và đi nét cảm cũng hợp lý hơn.

Khi được hỏi "Quang vẽ gì trong tranh?", Quang trả lời là "con không biết, con thích thì con vẽ thôi". Nhưng khi xem tranh và quan sát hình, thấy Quang luôn muốn nhân hóa mọi thứ, muốn đưa tiếng nói vào các vật thể vô tri. Cho dù vẽ tĩnh vật hoặc những vật vô tri khác, Quang thường vẽ thêm mắt mũi, chân tay cho sinh động. Có những bức thì mắt, mũi, miệng, tai, tay, chân, thân… vẽ cho giống người, nhưng cũng có những bức thì không. So với các bức acrylic đầu tiên, các bức sau này cho thấy Hoàng Nhật Quang đã biết phân tích gam màu, chồng màu nhiều lớp, biết tạo chất, tạo nhịp điệu màu, tạo sắc độ, biết đi nét...

Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét: "Tranh Nhật Quang lạ, hình họa bố cục chắc chắn. Ý tưởng sáng tác tốt. Lấy ý "vạn vật hữu linh" để có mạch sáng tác rõ ràng. Hoà sắc phối màu đều ấn tượng và tương đối tốt. Bố cục có nhiều bức chặt chẽ, còn lại thì thoải mái không thấy bị già hay "giả". Các hình tượng trong tranh cũng phong phú không gượng ép. Nhiều bức màu đẹp, sinh động, biến hóa".

Họa sĩ "Thần đồng Đất Việt" Lê Linh, thành viên Hội đồng giám khảo, thì cho rằng, tranh có nhiều ý tưởng độc đáo, đa dạng... bố cục tranh tốt, bố cục màu sinh động, hợp lý. Tông màu mạnh mẽ, ấn tượng. Tuy nhiên do bé còn nhỏ tuổi nên đôi lúc dựng hình còn rối rắm, không rõ chủ đề.

Báo Thể thao và Văn hóa

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm