Hoàn thành mục tiêu ươm tạo doanh nghiệp công nghệ vi mạch Thành phố Hồ Chí Minh

Hoàn thành mục tiêu ươm tạo doanh nghiệp công nghệ vi mạch Thành phố Hồ Chí Minh

Ngày 29/12, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Tổng kết Đề án ươm tạo doanh nghiệp công nghệ vi mạch và thiết bị, giải pháp dùng vi mạch Việt giai đoạn 2017 - 2020. Đến nay, Đề án đã đạt được tất cả các mục tiêu đề ra ban đầu.

Hoàn thành mục tiêu ươm tạo doanh nghiệp công nghệ vi mạch Thành phố Hồ Chí Minh ảnh 1Trong ảnh: Đại diện Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao báo cáo tổng kết Đề án. Ảnh: Tiến Lực - TTXVN

Đề án do Ban Quản lý Khu Công nghệ cao, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố triển khai theo Quyết định của UBND Thành phố Hồ Chí Minh. Mục tiêu là xây dựng nền tảng cơ bản cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, từng bước đưa sản phẩm vi mạch do các đơn vị trong nước nghiên cứu, sản xuất vào ứng dụng trong các sản phẩm điện tử, công nghệ thông tin của doanh nghiệp Việt Nam; phát triển mạng lưới hợp tác trong nước và quốc tế để hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động ươm tạo, kết nối đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực vi mạch trên địa bàn thành phố.

Hoàn thành mục tiêu ươm tạo doanh nghiệp công nghệ vi mạch Thành phố Hồ Chí Minh ảnh 2Trong ảnh: Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Việt Dũng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Tiến Lực - TTXVN

Theo ông Lê Thành Nguyên, Giám đốc Vườn ươm doanh nghiệp Công nghệ cao (Khu Công nghệ cao), đến nay Đề án cơ bản đạt các mục tiêu đề ra, đó là thu hút được 19 dự án trong lĩnh vực vi mạch tham gia chương trình; 100% dự án đều được hỗ trợ đăng ký và cấp chứng nhận sở hữu trí tuệ; 10 doanh nghiệp được chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ; nhiều dự án đã nhận được các giải thưởng danh giá trong và ngoài nước. Tổng doanh thu hàng năm của các dự án tham gia Đề án đạt gần 20 tỷ đồng; hiệu quả sử dụng ngân sách trong hoạt động ươm tạo và hỗ trợ thương mại hóa cho các dự án ươm tạo đạt 7,89 lần.

Hoàn thành mục tiêu ươm tạo doanh nghiệp công nghệ vi mạch Thành phố Hồ Chí Minh ảnh 3Trong ảnh: Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Tiến Lực - TTXVN

Trong ba năm qua, Đề án đã phát triển mạng lưới chuyên gia, các đối tác trong nước và quốc tế để hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động ươm tạo, kết nối đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực vi mạch, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực này. Nhiều doanh nghiệp đã có dự án thương mại hóa nổi bật như các công ty Vilight, Senvi, Ewater Engineering Việt Nam, Rigel...

Tuy nhiên, ông Lê Thành Nguyên nhìn nhận, các dự án ươm tạo tham gia chương trình còn hạn chế trong sử dụng vi mạch Việt, số lượng các doanh nghiệp công nghệ vi mạch chưa nhiều; phần lớn các dự án là ứng dụng vi mạch vào các giải pháp, sản phẩm. Ngoài ra, các dự án ươm tạo chưa khai thác hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình hỗ trợ khác của thành phố cho hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, hoàn thiện sản phẩm…

Thời gian tới, Khu Công nghệ cao sẽ kiến nghị UBND tiếp tục triển khai đề án giai đoạn 2021- 2025, với mục tiêu cụ thể: Tổ chức tốt nghiệp cho ít nhất 20 doanh nghiệp khoa học và công nghệ hoạt động trong lĩnh vực vi mạch; mỗi năm thu hút mới khoảng 5-10 doanh nghiệp ươm tạo; 100% các doanh nghiệp tham gia chương trình ươm tạo có đăng ký sở hữu trí tuệ…

Hoàn thành mục tiêu ươm tạo doanh nghiệp công nghệ vi mạch Thành phố Hồ Chí Minh ảnh 4Trong ảnh: Đại diện Công ty Ewater Engineering chia sẻ quá trình nghiên cứu, thương mại hóa sản phẩm từ đề án phát triển vi mạch. Ảnh: Tiến Lực - TTXVN

Theo ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố, giai đoạn tới phải tập trung nguồn lực mạnh mẽ hơn, định hướng phát triển sát sườn hơn với thực trạng của thành phố.

Vừa qua, Ban Quản lý đã cấp phép cho một dự án thiết kế vi mạch của doanh nghiệp Hàn Quốc, đây là một trong những dự án dịch vụ công nghệ cao theo định hướng phát triển công nghiệp vi mạch của Thành phố.

Sắp tới, Khu công nghệ cao sẽ trao đổi với doanh nghiệp này thành lập trung tâm đào tạo vi mạch, mục tiêu là hình thành một trung tâm đào tạo nhân lực thiết kế vi mạch hoàn chỉnh, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về vi mạch để thu hút đầu tư FDI ở mức độ giá trị gia tăng cao./.

Tiến Lực

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm