Hòa thượng Thích Châu Quang góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Với vai trò là Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ðắk Lắk, trụ trì Chùa Sắc Tứ Khải Ðoan, Hòa thượng Thích Châu Quang luôn sống đúng tinh thần “tốt đời, đẹp đạo”. Bằng những việc làm thiết thực, Hòa thượng Thích Châu Quang đã góp phần cùng nhà nước xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hoa thuong Thich Chau Quang gop phan xay dung khoi dai doan ket toan dan toc hinh anh 1Hòa thượng Thích Châu Quang (bên trái, phía trước) luôn sống đúng tinh thần của người phật tử “tốt đời, đẹp đạo”. Ảnh: Nguyên Dung – TTXVN

Chung tay vì người nghèo

Hòa thượng Thích Châu Quang (thế danh Phan Khán, sinh năm 1951) xuất gia tại Chùa Sắc Tứ Khải Đoan vào năm 13 tuổi. Sinh sống và lớn lên trên mảnh đất Tây Nguyên, Hòa thượng thấu hiểu và yêu thương con người nơi đây. Có duyên được trò chuyện cùng Hòa thượng Thích Châu Quang, chúng tôi thêm hiểu hơn về quan điểm sống “tốt đời, đẹp đạo” của thầy.

“Mình sống đúng tinh thần người phật tử là đẹp đạo, làm tròn bổn phận xứng đáng của người công dân là tốt đời. Tôi quan niệm, sống đúng lương tâm của chính mình là đúng tất cả. Cái gì đúng theo luân lý và đạo đức của xã hội là tiêu chuẩn chung của con người. Ai sống đúng theo luân lý đạo đức xã hội là sống đúng tất cả mọi việc”, Hòa thượng Thích Châu Quang chia sẻ.

Phát huy tinh thần sống đúng bổn phận và trách nhiệm, Hòa thượng Thích Châu Quang đã nỗ lực giúp đỡ mọi người, làm nhiều điều tốt cho xã hội.

Hòa thượng cho biết, một trong những hoạt động an sinh xã hội của Chùa Sắc Tứ Khải Đoan là thành lập Ban bữa cơm tình thương. Ban hoạt động được hơn 10 năm, đã giúp đỡ, hỗ trợ hàng ngàn suất cơm chay miễn phí cho người nghèo, bệnh nhân điều trị tại các bệnh viện ở tỉnh Đắk Lắk. Các thành viên trong Ban bữa cơm tình thương tự đóng góp kinh phí và kêu gọi sự hỗ trợ thêm từ nhà hảo tâm. Dưới sự chỉ đạo của Ban trị sự, đều đặn hằng tháng vào ngày 14 và 30 Âm lịch, các suất cơm chay sẽ được nấu và phát tận tay đến những hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ.

Trong 5 năm (từ năm 2018 đến năm 2022), Hòa thượng Thích Châu Quang đã cùng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đắk Lắk vận động nhân dân và phật tử đóng góp tổng số tiền gần 143 tỷ đồng. Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh đồng hành cùng chính quyền địa phương thực hiện chương trình “Chung tay vì người nghèo”, lập quỹ Ban từ thiện để thuận tiện cho các hoạt động. Trong đó, nổi trội là các hoạt động như: Trao kinh phí hỗ trợ Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho các tỉnh, thành phố phía Nam do đại dịch COVID-19; cứu trợ đồng bào bị thiên tai; thăm hỏi, tặng quà, xây nhà tình thương, tình nghĩa cho các hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh ở các thôn, buôn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

Hoa thuong Thich Chau Quang gop phan xay dung khoi dai doan ket toan dan toc hinh anh 2Hòa thượng Thích Châu Quang (phải), Trưởng Ban Trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đắk Lắk trao kinh phí hỗ trợ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh triển khai hoạt động an sinh xã hội. Ảnh: Nguyên Dung – TTXVN

Phát huy tinh thần "Đạo đời hòa hợp”

Tỉnh Đắk Lắk hiện có 192 cơ sở Phật giáo với gần 200.000 tăng, ni, phật tử. Với trách nhiệm là Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ðắk Lắk, Hòa thượng Thích Châu Quang luôn chấp hành châm ngôn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là "Ðạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội".

Trong những năm qua, Hòa thượng Thích Châu Quang cùng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các chức sắc, chức việc và đồng bào phật tử giữ gìn đạo hạnh, sống "tốt đời, đẹp đạo", nâng cao ý thức chấp hành chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; triển khai sâu rộng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

“Tại các khóa tu, các hoạt động sinh hoạt tôn giáo, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đắk Lắk đã lồng ghép tuyên truyền về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xem đây là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa" trong các tầng lớp nhân dân, trong đó có đồng bào Phật giáo tỉnh Đắk Lắk”, Hòa thượng Thích Châu Quang chia sẻ.

Hòa thượng Thích Châu Quang vẫn luôn nhắc nhở mọi người về việc cần phải tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ðắk Lắk kêu gọi các phật tử thực hành lối sống tiết kiệm, giảm thiểu xả rác thải ra môi trường; hướng dẫn các Huyện hội Phật giáo thực hiện mô hình “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon” bằng hình thức tặng cho đồng bào phật tử hàng trăm chiếc giỏ đi chợ; duy trì mô hình “Công nghệ chống lọc nước sạch tinh khiết dùng để uống hằng ngày”; phát động chương trình “Chùa xanh” đã nhân rộng hoạt động trồng cây để ứng phó tình trạng biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường… Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, tăng cường sự hiểu biết gắn bó, đoàn kết giữa các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hòa thượng Thích Châu Quang cho biết: “Người Phật tử theo lời Đức Phật dạy là sống theo lương tâm, đạo đức con người, đóng góp cho xã hội. Tôi quan niệm, bản thân làm đúng bổn phận và trách nhiệm của mình với tinh thần trách nhiệm cao, đóng góp cho xã hội, Giáo hội, hướng dẫn mọi người sống tốt. Đấy là cách để phát huy tinh thần "Đạo đời hòa hợp ”.

Với những đóng góp đó, năm 2018, Hòa thượng Thích Châu Quang vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Ðại đoàn kết dân tộc; nhiều năm liền được Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Ðắk Lắk tặng nhiều bằng khen. Tại hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc diễn ra vào tháng 6/2023, Hòa thượng Thích Châu Quang vinh dự là một trong năm gương điển hình của tỉnh Ðắk Lắk được tuyên dương.

Ông Y Giang Gry Niê Knơng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của Hòa thượng Thích Châu Quang trong việc phát huy truyền thống đoàn kết yêu nước, tạo đồng thuận, thống nhất trong tất cả các Phật sự. Trong những năm qua, Hòa thượng Thích Châu Quang đã tích cực vận động tăng, ni và đồng bào phật tử tỉnh Đắk Lắk hưởng ứng, tham gia đóng góp cho công tác an sinh xã hội, xây dựng cộng đồng dân cư; tích cực tham gia thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do Trung ương và địa phương phát động. Qua đó, hòa thượng đã góp phần chung tay xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Với phương châm sống "tốt đời, đẹp đạo", Hòa thượng Thích Châu Quang góp phần đưa tỉnh Đắk Lắk thực hiện hiệu quả mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Nguyên Dung

Tin liên quan

Đại đức Danh Pu góp phần làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc Khmer

Bằng tình thương yêu và trách nhiệm với bà con tại địa phương, Trụ trì chùa Tà Bết, xã Thạnh Lộc, huyện Châu Thành (Kiên Giang), Đại đức Danh Pu đã dành nhiều tâm huyết để vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí, xây dựng cầu, đường phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, góp phần thay đổi diện mạo của vùng đồng bào dân tộc Khmer sinh sống tại Kiên Giang.


Đại đức Minh Kiết hết lòng vì bệnh nhân nghèo

Đại đức Minh Kiết trụ trì chùa Phổ Giác (thường gọi là Chùa Lá), tọa lạc tại xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn - một nơi vùng sâu, vùng xa của thành phố Hồ Chí Minh (Tp.HCM). Cùng với giáo huấn tín đồ sống “tốt đời đẹp đạo”, Đại đức Minh Kiết còn tổ chức Phòng khám Đông-Tây y kết hợp chữa trị, chăm sóc cho hàng nghìn lượt bệnh nhân nghèo ngay tại chùa.


Hòa thượng Chau Ty truyền dạy cách viết kinh trên lá

Kinh Phật viết trên lá được các vị cao tăng ở chùa Svay-so, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn (An Giang) chế tác từ nhiều năm nay và trở thành sản phẩm văn hóa độc đáo trong đời sống tín ngưỡng của đồng bào Khmer Nam bộ nói chung, đồng bào Khmer An Giang nói riêng. Hiện nay, Hòa thượng Chau Ty, trụ trì chùa Svay-so là người duy nhất biết cách viết và chế tác Kinh lá.


Nghĩa cử cao đẹp của Hòa thượng Tăng Nô

Mặc dù tuổi đã cao lại luôn bận rộn với công việc tại Trường Bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam bộ và Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng nhưng Hòa thượng Tăng Nô, Trụ trì chùa Khleang ở phường 6, thành phố Sóc Trăng vẫn luôn tâm huyết với sự nghiệp “trồng người”. 



Đề xuất