Hòa Bình với “Khát vọng phát triển nhanh và bền vững”

Hòa Bình với “Khát vọng phát triển nhanh và bền vững”

Hòa Bình là vùng đất giàu tiềm năng, có lợi thế cửa ngõ Thủ đô, nguồn nhân lực trẻ, dồi dào. Những năm vừa qua, nhiều công trình, dự án lớn trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư bài bản, ghi nhận sự nỗ lực, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Hòa Bình hôm nay sẵn sàng đón những đợt sóng đầu tư mới để tạo sức bật cho kinh tế, thực hiện “Khát vọng phát triển nhanh và bền vững”.

Hòa Bình với “Khát vọng phát triển nhanh và bền vững” ảnh 1Với nước hồ xanh trong, cảnh quan hùng vĩ, Hòa Bình đã và đang xây dựng vùng lòng hồ thủy điện thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách trong, ngoài nước. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

* Phát huy tiềm năng lợi thế

Hòa Bình là tỉnh có tài nguyên khoáng sản phong phú; tài nguyên nước mặt tập trung với trữ lượng lớn; tài nguyên đất đai dồi dào, độ màu mỡ cao, quỹ đất chưa sử dụng lớn, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi... Đó là những tiềm năng để tỉnh phát triển kinh tế nông nghiệp, nhất là phát triển cây công nghiệp, lâm nghiệp, nông nghiệp sạch. 

Đặc biệt, khu vực hồ Hòa Bình có nhiều danh lam thắng cảnh tự nhiên gắn với bản sắc văn hóa truyền thống, bản làng của các dân tộc Mường, Thái, Tày, Mông, Dao  còn giữ nguyên được các nét văn hóa đặc sắc..., rất thuận lợi để Hòa Bình phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch mạo hiểm, du lịch cộng đồng. Hòa Bình còn là vùng đất đầy tiềm năng thu hút sự quan tâm của giới đầu tư như: Vingroup, T&T Group, Sun Group, Geleximco… với các dự án quy mô lớn, hứa hẹn khi thực hiện sẽ làm thay đổi bộ mặt kinh tế của tỉnh.

Hòa Bình có tiềm năng phát triển công nghiệp sản xuất, nhất là các ngành nghề như dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, thực phẩm chế biến, thủy điện... Đồng thời, tỉnh còn có nhiều cơ hội để phát triển, cung cấp các dịch vụ, sản phẩm cho thị trường tiêu dùng vùng Thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Từ sau thành công của Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ 17 nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh Hòa Bình đã tích cực hoàn thiện môi trường đầu tư, đặt mục tiêu thu hút đầu tư là 1 trong 4 nhiệm vụ đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2021 vừa qua, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình đã giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục hành chính, tập trung tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho các nhà đầu tư, trong đó chính sách giải phóng mặt bằng, đảm báo quỹ đất cho các công trình, dự án được xem là điểm quan trọng nhất.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Ngô Văn Tuấn nhận định: Việc tiếp cận đất đai, giải phóng mặt bằng là một trong những khâu khó khăn nhất đối với các nhà đầu tư, nên việc giải phóng mặt bằng trước hết phải được thực hiện từ chính quyền cấp huyện và Bí thư huyện ủy phải là người đứng đầu trong ban giải phóng mặt bằng đối với tất cả các dự án, xây dựng các dự án theo đúng pháp luật, đàm phán, thỏa thuận đền bù giải phóng, xây dựng tái định cư, di dân.

Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình cũng đã ra chỉ thị yêu cầu các cơ quan giải quyết thủ tục hành chính cắt giảm tối thiểu 30% thời gian làm thủ tục hành chính; đưa vào chương trình hành động cụ thể, giao cho Thanh tra, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy thực hiện giám sát thường xuyên các địa phương, sở, ngành có nhiều thủ tục hành chính gắn với nhà đầu tư. Yêu cầu lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh cùng với đại diện các sở, ban, ngành và địa phương, hằng tháng phải gặp gỡ, trao đổi, tháo gỡ kịp thời những khó khăn của các nhà đầu tư.

Tỉnh xác định mở cửa đón các làn sóng đầu tư trong nước và vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sẽ là nguồn lực quan trọng để Hòa Bình tạo sức bật cho nền kinh tế. Tuy nhiên, quan điểm nhất quán của chính quyền tỉnh về thu hút đầu tư vẫn là phải sàng lọc các dự án, đảm bảo sự phát triển xanh và bền vững. Cùng với đó, nhà đầu tư uy tín phải có tầm nhìn, tâm huyết và cam kết gắn bó lâu dài với địa phương.

Hòa Bình với “Khát vọng phát triển nhanh và bền vững” ảnh 2 Bản Mường Giang Mỗ ở xã Bình Thanh, huyện Cao Phong (Hòa Bình) đang là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn khám phá và trải nghiệm văn hóa cộng đồng của người Mường. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

* Mở cửa đón những làn sóng đầu tư mới

Trong quý I/2022, tỉnh Hòa Bình có 130 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký khoảng 3.300 tỷ đồng. Các hoạt động thu hút đầu tư tiếp tục được quan tâm khi có 17 dự án đầu tư trong nước được quyết định chủ trương đầu tư với tổng số vốn đăng ký là 6.142,8 tỷ đồng, số dự án tăng gấp 8,5 lần và vốn đăng ký gấp 141 lần so với cùng kỳ năm trước.

Đến nay, Hòa Bình có tổng số 621 dự án, trong đó có 39 dự án đầu tư FDI với tổng vốn đăng ký 590,8 triệu USD và 582 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 133.852,6 tỷ đồng. Tỉnh đặt mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 bằng nội lực cùng các cơ chế mở cửa sẽ thu hút được nhiều dự án trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 80.000 tỷ đồng, đồng thời thu hút khoảng 1 tỷ USD vốn FDI.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Ngô Văn Tuấn cho biết: Hòa Bình xác định thành công của các nhà đầu tư cũng chính là thành công của tỉnh trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Vì thế, việc xây dựng quy chế lựa chọn các nhà đầu tư có tâm huyết, có tiềm lực về tài chính, có kinh nghiệm về lĩnh vực đầu tư được chính quyền quan tâm ngay từ bước đầu nhằm hạn chế các nhà đầu tư lên Hòa Bình xin đất và giữ đất mà không triển khai dự án gây lãng phí tài nguyên đất đai.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 7 khu công nghiệp đang hoạt động gồm: Khu công nghiệp Bờ Trái, Khu công nghiệp Lương Sơn, Khu công nghiệp Mông Hóa, Khu công nghiệp Yên Quang, Khu công nghiệp Lạc Thịnh, Khu công nghiệp Nam Lương Sơn và Khu công nghiệp Thanh Hà. Ngoài ra, còn có 5 cụm công nghiệp đang hoạt động, thu hút hàng trăm dự án đầu tư và hàng chục nghìn lao động địa phương.

Hòa Bình với “Khát vọng phát triển nhanh và bền vững” ảnh 3Toàn cảnh Cụm công nghiệp Đông Lai - Thanh Hối nằm trên địa bàn huyện Tân Lạc (Hòa Bình). Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng dự án Khu công nghiệp Nhuận Trạch tại huyện Lương Sơn với quy mô khoảng 200 ha, tổng vốn đầu tư gần 2.400 tỷ đồng. Trước đó, trong năm 2021, tỉnh Hòa Bình cũng đã duyệt chủ trương các dự án giao thông trọng điểm như: Đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu; dự án kết nối hạ tầng giao thông thủy lợi tỉnh Hòa Bình với hạ tầng giao thông quốc gia… Đồng thời, hoàn thành, đưa vào sử dụng cầu Hòa Bình 2 với tổng mức đầu tư 590,81 tỷ đồng. Đây sẽ là những yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư, tạo cho các nhà đầu tư thêm vững tin vào những mục tiêu, quyết tâm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hòa Bình.

Quỹ đất của Hòa Bình còn lớn, hạ tầng kinh tế của tỉnh ngày càng được hoàn thiện, mạng lưới giao thông ngày càng mở rộng, kết nối vùng miền thuận lợi, cùng với sự cầu thị trong các chính sách, chủ trương mở cửa, thu hút đầu tư hiện là những yếu tố có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Sự thông thoáng trong các cơ chế, chính sách đầu tư sẽ tạo ra một điểm đến tiềm năng cho sự tăng trưởng lâu dài về dòng vốn, hướng tới mục tiêu đến năm 2030 Hòa Bình sẽ là tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ và đến năm 2050 trở thành tỉnh phát triển trong cả nước.

Trọng Đạt

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm